Truyện ngắn của Thu Đình

"Ba ơi, mẹ ơi! Vy ơi!”. Hân ríu rít, miệng nhoẻn cười tươi tắn. Tay con bé đưa lên vẫy vẫy, trong khi đôi mắt nó vẫn đang nhắm nghiền. Có lẽ nó đang hạnh phúc trong giấc mơ đẹp đẽ của riêng mình.

Chị Huệ ngồi bên, lặng nhìn con, nước mắt lăn tròn xuống hai hõm má. Chị kéo tấm chăn lên, nhẹ nhàng ủ ấm ngang ngực cho con, khép hờ cánh cửa phòng rồi lặng lẽ trở về phòng mình. Trên chiếc giường của chị, con bé Vy vẫn đang say ngủ. Từ ngày mẹ con chị chuyển đến nơi ở mới, chỉ cái Hân là chịu nằm một mình một phòng. Còn Vy thì chẳng chịu xa mẹ nửa bước. Nó mới lên 5, hãy còn quá nhỏ. Chị hiểu nên càng thương các con nhiều hơn. 

- Huệ ơi! - Anh Trường, chồng chị đứng ngoài cổng, gọi với vào. Cái Hân vẫn ngồi im nơi bàn học. Nó đã nghe giọng anh và biết rằng tuần nào, giờ này anh cũng đến, nhưng nó vẫn làm thinh. 
- A, ba đến! Con bé Vy nghe ba gọi, lập tức chạy một mạch ra cổng đón. Nó ôm chầm lấy ba, giọng vừa khấp khởi mừng vừa như trách móc:
- Sao bây giờ ba mới đến? Con muốn được về nhà mình. Ba cho con về nhà mình đi ba! Anh Trường bế con bé trên tay, cưng nựng, nhìn nó, gượng gạo cười. Anh bước vào nhà, chị Huệ vẫn lúi húi cơm nước rồi giặt giũ ở gian dưới, mặc anh một mình trò chuyện, chơi với con.
- Con về thăm ông bà nội không? Ông bà rất nhớ con! 
- Con muốn. Con muốn được về nhà nội. Con bé Vy hớn hở. Còn cái Hân, nó chỉ cúi đầu, rồi lặng lẽ bước vào phòng, đóng cửa lại. Kể từ ngày mấy mẹ con rời khỏi nhà nội đến ở nhà trọ, anh Trường chưa khi nào thấy con bé Hân mỉm cười. Anh muốn được một lần ôm con vào lòng, được nghe nó gọi tiếng ba thân mật như trước đây… vậy mà khó biết bao. Anh hiểu mình là người có lỗi và chỉ biết trách mình chứ chẳng dám trách vợ con.
- Anh đưa cái Vy về nhà ông bà nội chơi hai bữa - Anh Trường bước đến chỗ chị Huệ đang giở tay giặt cả thau đồ. Chị dừng tay, mắt vẫn không nhìn về phía anh, nặng nề buông một tiếng "vâng”. Rồi anh cùng con bé Vy vội bước ra xe. Qua tấm gương chiếu hậu, anh lén nhìn chị. Anh đi rồi, chị vẫn đứng một hồi lâu bên trong cánh cửa sắt nhìn theo. 
Chị, anh và cái Hân, cái Vy, đã từng là một gia đình, đã từng sống chung dưới một mái nhà hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười, là mơ ước, sự ngưỡng mộ của biết bao người.
Anh là giám đốc của một doanh nghiệp lớn trên phố. Gia đình anh có tiếng giàu có. Ông Khánh, bà Sang, ba mẹ anh đi đâu cũng đem anh ra khoe với mọi người. Nào anh vừa đẹp người lại vừa tài giỏi. Ba mẹ anh có mỗi mình anh là con trai. Họ kỳ vọng, đặt hết niềm tin ở anh và bàn nhau sẽ tìm cho anh một người vợ xứng đôi vừa lứa. Ngày anh dẫn Huệ về ra mắt, ba anh ngồi như tượng phỗng, chẳng nói chẳng rằng. Mẹ anh nhìn Huệ từ đầu xuống chân, săm soi hết khuôn mặt, lại áo quần, giày dép, rồi nhắc lại lời Huệ như chất vấn, mai mỉa:
- Nhà cháu ở dưới quê? Ba mẹ đều làm nông? Sau cháu còn có hai em nhỏ đang học nữa hả? 
Một tràng câu hỏi của bà Sang khiến Huệ thấy sờ sợ, lo lắng.
- Con thương Huệ và chỉ thương một mình cô ấy thôi. Ba mẹ cô ấy dù có là nông dân, thì có sao đâu ạ. Cái chính là chúng con thương nhau. Con mong ba mẹ hãy chấp thuận cho chúng con! - Trường thuyết phục ba mẹ. 
Huệ và Trường hạnh phúc vì được về chung một nhà. Cả hai trân trọng từng giây phút bên nhau và luôn dành cho nhau, cho con những cử chỉ âu yếm, thân mật. Chỉ có điều… 
- Ôi, con dâu các bà quần là áo lượt, mặt hoa da phấn, lúc nào cũng muốn nhìn ngắm chứ con dâu tôi ấy à… Luộm thuộm, nhếch nhác, nhìn mà phát ngán. Đúng là gốc gác nông dân. Đã thế lại chẳng biết đẻ, sinh liền hai con vịt giời. Thằng Trường nhà tôi giỏi giang, ngoài kia vẫn còn có khối người xếp hàng… Mỗi lần nói chuyện với bạn bè, giọng bà Sang vẫn cứ sang sảng, đanh chua như thế. Bà chẳng sợ con dâu, trái lại, bà mong nó nghe thấy. Nó nghe để biết thân phận, vị trí của mình như thế nào trong cái nhà này. Để nó biết cách mà chọn con đường nào là tốt nhất. Ra ngoài thì bà nói xấu con dâu. Ở nhà thì bà chê lên chê xuống. Từ giặt giũ, cơm nước, từ cách ăn mặc rồi thì nuôi con… Bà cứ cố tình làm thế. Dù Trường có nhỏ to bao lần khuyên mẹ hãy đối xử tốt với Huệ; dù Huệ có cắn răng nhẫn nhục, chịu đựng những lời hắt hủi, đuổi khéo của mẹ chồng… thì bà cũng mặc. Hơn 10 năm qua, Huệ mang tiếng làm dâu nhà giàu, mang tiếng được sung sướng. Nhưng nỗi khổ tâm của Huệ, chỉ Huệ hiểu, Trường hiểu, ba mẹ chồng hiểu và cả cái Hân, con gái lớn của anh chị nữa.
- Mẹ muốn có một đứa cháu trai nối dõi tông đường. Bao nhiêu gia tài, sự nghiệp ba mẹ xây dựng bấy nay cũng vì muốn dành lại cho con, cho cháu nội. Con và cái Huệ phải dứt khoát với nhau đi. Mẹ không thích nó làm dâu nhà này... Huệ nghe rõ cuộc trò chuyện của bà Sang và chồng. Nước mắt Huệ giàn dụa. Huệ đã gắng gượng. Đã cố gắng hết sức để làm tròn bổn phận dâu con, làm vợ, làm mẹ. Huệ chỉ muốn có một tổ ấm, một gia đình thuận hòa, yêu thương. Vậy mà với mẹ chồng Huệ, hai chữ gia đình lại cứ phải hoàn hảo, thế này thế nọ. Điều đó khiến cô dù đã cố gắng vắt sức vẫn không thể nào đáp ứng cho được.
Huệ không muốn chồng khó xử, không muốn hai đứa con lúc nào cũng thấy mẹ chúng buồn và khóc, cũng không muốn ba mẹ chồng cứ mãi cố gắng đuổi mẹ con Huệ ra khỏi nhà. Từng ấy thời gian với Huệ là quá đủ. Huệ viết lá đơn ly hôn để trên bàn làm việc của chồng, thu dọn đồ đạc rồi dắt díu hai con ra khỏi nhà. Hôm mẹ con Huệ chuyển đi, ba chồng chẳng nói chẳng rằng. Mẹ chồng xách đồ ra ngõ giúp. Bà còn dúi vào tay Huệ một cục tiền. Chị không nhận, bà bỏ vào túi xách của con bé Vy rồi phủi tay, quay vào nhà. 
Hôm nay, cô giáo của Hân gọi điện báo với chị rằng, bé Hân đã đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh mang tên "Giấc mơ gia đình” và đề nghị ba mẹ có mặt cùng con trong cuộc trao giải sắp tới. Chị nhớ lại, chị đã nhìn thấy giấc mơ của con. Nụ cười trong trẻo, hồn nhiên trong mơ ấy chứng tỏ con ao ước và hạnh phúc lắm. Nhưng… Chị khựng người khi nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại.
- Anh sẽ cùng em đến dự lễ trao giải của con! 
Mải mê nói chuyện với cô giáo, chị Huệ không biết anh Trường đã đến từ   lúc nào.
- Anh… - sững sờ. Anh đã nghe hết câu chuyện. Anh bảo, anh vẫn thương chị. Anh cần chị, cần hai con, cần một gia đình này hơn bất kỳ một điều gì khác. Anh đã một lần nữa dũng cảm nói ra quyết định của anh với ba mẹ. Anh sẽ không bao giờ dễ dàng đánh đổi điều quý giá nhất anh đang có. Anh nắm lấy tay chị, xin lỗi chị vì đã không quyết đoán từ đầu khiến mẹ con chị phải buồn, phải khổ. Chị lặng im, mắt nhìn trân trân ra khoảng nắng giữa sân. Cái Hân nãy giờ đứng nép bên cánh cửa, bước đến bên ba mẹ,  khóc òa.
Trong bữa cơm gia đình, từ lâu lắm rồi mới lại đầy đủ các thành viên. Hân say sưa kể về bức tranh đạt giải vẽ cảnh bữa cơm gia đình như ngày hôm nay. Rồi, cả nhà vui vẻ bàn về những ngày phía trước. Ai cũng thấy cần phải làm thế này, thế khác để giữ gìn, vun vén cho những điều tốt đẹp mình đang có.


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục