Nghi thức tế lễ bắt đầu khi một nữ quan dẫn chủ tế vào thắp hương
trong đền. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Lễ hội Thành Bản Phủ gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được
diễn ra trong không khí nghiêm trang, long trọng, mở đầu bằng lễ rước kiệu. Kiệu
được rước từ ngã ba chợ Noong Hẹt đến Thành Bản Phủ. Đi trước đoàn rước kiệu là
đội múa rồng dài, đi sau là đoàn chiêng trống, kiệu được khiêng bởi những chàng
trai trẻ trong làng. Hộ tống đoàn rước kiệu là những người phụ nữ lớn tuổi thực
hiện phần lễ tế.
Sau đó là phần dâng hương, tế lễ, đọc chúc văn kể lại quá trình đấu tranh đánh
đuổi giặc ngoại xâm và giữ bản làng của tướng quân Hoàng Công Chất.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi thể thao
nhảy bao bố, kéo co, ném còn...
Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hằng năm trong 2 ngày 24-25/2 âm lịch để tưởng
nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất.
Vào thế kỷ 18, tại địa phương này, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng
Khanh - hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên - lãnh đạo nhân dân các
dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh.
Để có căn cứ hoạt động lâu dài, tướng Hoàng Công Chất đã cho xây dựng Thành Bản
Phủ. Từ đó, căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của
Phủ An Tây, phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía Nam mở rộng xuống Hòa
Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất Lãnh đạo kéo dài từ năm 1739-1769
đã tập hợp nhân dân các dân tộc trong vùng Tây Bắc thành một khối thống nhất,
xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau đánh giặc bảo vệ núi rừng vùng biên cương của
đất nước.
Bà Phạm Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Điện Biên cho biết Lễ
hội Thành Bản Phủ là lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng tướng
quân Hoàng Công Chất đã có công đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường
Thanh.
Đây là cơ hội để cho cộng đồng anh em các dân tộc Tây Bắc đoàn kết, luôn luôn
tưởng nhớ đến công ơn của các vị anh hùng đã có công bảo vệ độc lập dân tộc, dựng
xây bờ cõi./.
TheoVietnamplus