Theo truyền thống, lễ hội chùa Thầy được tổ chức trong ba ngày:
mùng 5, 6 và 7 tháng ba âm lịch. Nhưng năm 2018, huyện Quốc Oai đã tổ chức lễ
hội chùa Thầy trở thành mùa lễ hội, bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán, kéo dài
đến hết tháng ba âm lịch. Ba ngày mùng 5, 6 và 7 tháng ba (tức ngày 20 đến
22-4 dương lịch) được tổ chức thành ba ngày hội chính trong mùa.
Chùa Thầy là di tích có từ thời Lý, gắn liền với cuộc đời tu
hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa nằm ở khu vực núi Sài Sơn, có phong cảnh
đẹp. Năm 2014, chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn được công nhận là Di tích quốc
gia đặc biệt; ba pho tượng Di đà tam tôn tại chùa được công nhận là Bảo vật
quốc gia năm 2015. Từ khi trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, và có Bảo vật
quốc gia, chùa Thầy trở thành một địa điểm thu hút đông đảo khách thập
phương. Đây là cơ sở để huyện Quốc Oai nâng cấp lễ hội chùa Thầy thành mùa lễ
hội, để phục vụ nhu cầu hành hương của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, năm 2017,
chùa Thầy thu hút 125 nghìn lượt khách thì riêng từ đầu năm đến nay chùa Thầy
đã thu hút tới 75 nghìn lượt khách.
Trong những ngày chính hội năm nay, huyện Quốc Oai chú trọng phục
dựng các nghi thức lễ hội nguyên bản theo sử sách, dân gian, gồm: Các nghi thức
tế, rước trong ngày lễ Mộc dục, lễ Tạ Thánh. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng
quan tâm đưa vào trình diễn những loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn
huyện tại lễ hội như: trình diễn hát Dô (xã Liệp Tuyết), hát ví Hàm Rồng (xã
Tuyết Nghĩa), múa rối nước của Sài Sơn, hát chèo (xã Đại Thành), biểu diễn tuồng
(xã Dương Cốc)... Không khí lễ hội còn sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền
thống của người dân Sài Sơn như: đá cầu, bắt trạch trong chum, bịt mắt đập
niêu, kéo co...
Các hoạt động phát huy giá trị di tích chùa Thầy sẽ được gắn kết
với khu du lịch Tuần Châu, đình So... tạo thành chuỗi điểm đến hấp dẫn trên địa
bàn huyện Quốc Oai.
|
TheoNhandan