(HBĐT) - Nhân ngày nghỉ lễ dài ngày, vợ chồng anh Tuyến cho cả nhà một chuyến “pích ních” về quê. Xuống xe, con đường về nhà khoảng 2 cây số đi bộ, bé Nguyên Anh không đi bộ quen nhõng nhẽo đòi bố đi tắc xi. Ghé vai cho Nguyên Anh ngự trên vai bố, vừa đi anh bảo với hai mẹ con:

 

- Ngày trước thời trung học phổ thông, bố vẫn thường đi bộ lên tận thị trấn để học đấy. Bây giờ có điều kiện nhiều người chẳng còn nhớ cảm giác đi bộ, suốt ngày cưỡi trên xe máy vù vù, trẻ con đi học thì xe đạp đủ kiểu, chẳng bù cho ngày xưa chiếc xe đạp cà tàng cũng chẳng có mà đi. Dăm ba câu chuyện, cả nhà đã về đến nhà ông nội.  Bé Nguyên Anh quấn quýt bên ông nội chuyện trò ríu rít.

 

Thấy anh cả về chơi, Hoàng vội đặt nồi chè xanh lên bếp. Lượn một vòng quanh nhà, anh Tuyến ngán ngẩm nói với chú em:

 

- Cùng trên mảnh đất này nhà nào cũng nhà xây cao ráo, thoáng rộng, sao nhà chú vẫn lụp sụp ngôi nhà tranh vách đất thế này. Sức dài vai rộng như vợ chồng chú mà thua cả mấy ông hàng xóm tuổi ngang với bố mình, chú không thấy áy náy sao. Chẳng ngại ngùng, Hoàng như được thể tung hứng:

- Hung hăng như mấy ông già ấy để làm gì hả anh, cắm mặt suốt ngày với ruộng nương cũng chỉ ngày hai bữa cơm, chúng em sống như thế này cũng hai bữa cơm ăn cả ngày, vậy thì phấn đấu giàu để làm gì cho mệt xác.

 

Rít  một hơi dài điếu thuốc lào, Hoàng được thể hoa chân múa tay:

- Diện hộ nghèo bây giờ sướng lắm anh ạ. Này nhé:

- Ngày ba tháng tám lúc giáp hạt được cứu đói, tiền điện dùng thoải mái có nhà nước hỗ trợ cho người nghèo rồi. Ngày tết, nhà nhà đi sắm tết, nhà nghèo được nhà nước cho tiền ăn tết... Thế có phải sướng không hả bác. Làm một hơi hết bát chè xanh như để tiếp thêm sinh lực, Hoàng phấn khởi khoe:

Năm nay em còn có trong danh sách hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà nữa đấy.

 

Nhấp ngụm chè xanh, anh Tuyến thấy đắng chát nơi cổ họng, sao lại có người thích nghèo đến thế.

 

Nghe câu chuyện của hai anh em, ông Bình gọi anh Tuyến vào nhà rồi thủng thẳng:

- Hết thuốc chữa rồi anh ạ! ở nhà bố cũng phân tích hết nước hết cái nhưng nó có để lọt tai câu nào đâu. Trông hàng xóm người ta làm ăn cũng trên mảnh đất ấy mùa nào thức ấy, chăn nuôi phát đạt, nghĩ đến người nhà mình mà hổ thẹn. Gần một ha đất để cỏ tranh mọc đến tận ngạch nhà, suốt ngày trông ngóng nhà nước hỗ trợ. Vừa rồi, ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn xóa đói, giảm nghèo được 1,5 triệu đồng để hỗ trợ chăn nuôi phát triển kinh tế. Lấy tiền xong nó ra chợ đong hẳn một tạ thóc về ăn, số tiền còn lại ra mua lại chiếc ti vi cũ quán ông Tiển ở đầu xóm về suốt ngày ở nhà xem ti vi. Anh xem như vậy thì giàu với ai.

 

Vừa lúc đấy, chị Duyên cũng đi chợ về. Nghe tin anh chị về, chị Duyên chạy lên nhà đon đả:

- Hai bác lâu ngày cho cháu về chơi, để em làm cơm mời anh chị và cháu. Anh Tuyến vùng dậy vẫy tay:

- Thím ra đây tôi bảo:

- Khoát một vòng tay trên miếng đất đầy cỏ tranh, lau lách, chỉ trỏ so sánh với miếng đất cùng khoảnh của nhà hàng xóm... Rồi anh phân tích:

-  Chỗ đất này nếu biết làm ăn tính toán chẳng mấy mà lên cơ nghiệp. Thím là phụ nữ phải biết chắt chiu gom nhặt, vun vén cho cuộc sống gia đình, chứ cứ nghèo mãi thế này sao được, còn tương lai của các cháu, chúng nó lớn lên phải được học hành chu đáo mới mong đổi đời được. Các cụ ta có câu: “Tay làm hàm nhai...”. Chẳng nhẽ cứ trông vào nhà nước hỗ trợ mãi hay sao. Chị Duyên cúi mặt lí nhí được mấy lời:

- Vâng! Chúng em sẽ nghe lời anh để quyết tâm thoát nghèo ạ.

 

 

                                                                                  Ngọc Anh        

 

Các tin khác


Đánh tráo mã QR

Sau khi bị buộc thôi việc vì quá nhiều lỗi lầm, trở về vùng rừng sâu núi thẳm, chàng tiều phu suốt ngày lẫm lũi với cung, rìu, búa, nỏ săn bắt chim muông để kiếm kế sinh nhai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục