(HBĐT) - Từ ngày Thạch Sanh bị buộc thôi việc, trở về vùng rừng xanh, núi đỏ, gia cảnh ngày càng trở nên túng bấn, cả nhà lúc nào cũng rối như tơ vò.

 

Sau nhiều lần thăm dò, nhiều đêm trăn trở, vợ chồng Thạch Sanh quyết định mở nghề mới: trông giữ trẻ bởi nghe những lời Thạch phu nhân lập luận cũng có lý: “Các trường mầm non ở quê mình từ chối không nhận trẻ từ 3 - 17 tháng tuổi mà lứa tuổi này đâu có hiếm, nhiều nhà muốn gửi mà có ai dám nhận đâu. Chàng chỉ việc hái củi, ra chợ sắm ít xô, chậu, nồi xoong, bát, đĩa, dăm, bảy chiếc chăn, chiếu, khăn mặt, mấy thứ đồ chơi rẻ tiền, vài ba bức tranh hoa, quả xanh, đỏ, tím, vàng..., còn lại em lo tất,  nuôi một đàn con nhà mình, em đầy kinh nghiệm rồi”.

 

Sau vài ngày lau dọn nhà cửa, bếp núc, sắm sanh mấy thứ đồ đùng, căn nhà chật hẹp, không sân chơi và ánh sáng lờ mờ của vợ chồng Thạch Sanh đã trở thành nơi trông giữ trẻ duy nhất trong vùng với biển hiệu rõ oách “Nhà trẻ tư thục Họa Mi - nhận trông giữ trẻ từ 3 - 17 tháng tuổi”.

 

Phát kiến mở nhà trẻ tư thục của vợ chồng Thạch Sanh dường như là cứu cánh cho nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở vùng rừng xanh, núi đỏ. Hàng chục ông bố, bà mẹ trẻ đưa con đến gửi mà không cần biết quy chế, quy định về chăm sóc, giáo dục trẻ, cũng không cần hồ sơ, hợp đồng và đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc giáo dục trẻ ra sao. Đương nhiên “cô giáo Thạch” cũng không có khái niệm sạch, đẹp, an toàn và chưa bao giờ có sự phối hợp với gia đình trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, thậm chí dùng 1 chiếc khăn mặt chung cho 3 trẻ cùng lúc. Hôm nào quá bận hay thực phẩm khan hiếm còn bớt khẩu phần ăn của trẻ. Trẻ có tập lẫy, tập bò cũng mặc. “Cô giáo Thạch” còn để tóc lòa xòa xuống mặt khi bế trẻ, móng tay để dài, cáu bẩn, nhiều lần làm xước da của các cháu, quần áo thì mặc chẳng khác gì đi làm nương...

 

“Có chỗ gửi còn hơn không”, nhiều gia đình nghĩ vậy nên “tặc lưỡi” bỏ qua. Những tưởng mọi việc suôn sẻ nhưng dạo đầu năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài mà lũ trẻ ở nhà trẻ tư thục Họa Mi vẫn phải chơi, phải nằm trên chiếu rải dưới nền nhà, lúc ngủ thì đắp bằng chiếc chăn chiên mỏng dính, khi rửa ráy thì chỉ có nước múc từ giếng lên lạnh như kem... Vậy là trẻ đến lớp cứ vắng dần vì hết cháu này viêm phổi, đến cháu kia viêm họng, ho sốt, sổ mũi, nhức đầu, tiêu chảy. Mấy người hàng xóm rỗi rãi sang chơi thấy nhà trẻ tư thục Họa Mi vắng tanh buột miệng hỏi: “Sao dạo này im lìm thế, không có trẻ bi bô cũng đìu hiu nhỉ?”. “Cô giáo Thạch” buồn rầu phân bua: “Những đứa ốm thì bố mẹ cho đi bệnh viện, những đứa khác thì bố mẹ gửi hết bà nội, bà ngoại rồi”.

 

Chưa đầy một năm Nhà trẻ tư thục Họa Mi của vợ chồng Thạch Sanh đã tự đóng cửa vì chẳng có trẻ nào. Xoong, chậu, bát, đĩa, tranh, ảnh, đồ chơi mua sắm ngày nào giờ xếp đầy gậm giường mà nhà nghèo vẫn hoàn nghèo.

 

 

                                                                                   Đại Quang

 

Các tin khác


Đánh tráo mã QR

Sau khi bị buộc thôi việc vì quá nhiều lỗi lầm, trở về vùng rừng sâu núi thẳm, chàng tiều phu suốt ngày lẫm lũi với cung, rìu, búa, nỏ săn bắt chim muông để kiếm kế sinh nhai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục