"Qua những lần đi làm từ thiện, tôi thấy các cháu nhỏ, có những cháu tàn tật không đi được, người nhà phải bế, khi nhận được quà các cháu rất vui. Chúng tôi vừa cảm động, vừa cảm thấy đã đem lại niềm hạnh phúc cho các cháu và mọi người”. Đó là tâm sự của bà Vũ Thị Thuận, thôn Lão Ngoại, xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) - người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, 22 năm âm thầm làm việc thiện, đem lại niềm vui cho người nghèo và những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh.


Bà Vũ Thị Thuận, thôn Lão Ngoại, xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) nhận bằng khen của Hội di sản văn hoá Việt Nam vì có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc (tháng 11/2023).

Rời quê hương Hưng Yên, bà Vũ Thị Thuận cùng gia đình định cư và lập nghiệp tại Hoà Bình từ những năm 90. Thời đó kinh tế còn khó khăn, nhà nào đủ cơm trắng để ăn đã là may mắn. Với lợi thế của địa phương mỗi năm có 3 tháng hội chùa Tiên, bà cùng các con, cháu mở cơ sở gia công quần áo bán trong mùa lễ hội. Tranh thủ cấy cày thêm hạt lúa, củ khoai, chăn nuôi gà, lợn. Chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm, gia đình bà tạo lập cuộc sống ổn định trên quê hương thứ 2.

Luôn tâm niệm "một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, mình có điều kiện hơn một chút thì nên giúp đỡ những người khó khăn hơn, từ năm 2001, bà Thuận tham gia ủng hộ các trường học trong và ngoài xã hàng trăm bộ áo váy phục vụ hội diễn văn nghệ, quần áo mới mặc mùa hè cho học sinh khu Lộng, khu Đệt của xã Thanh Nông cũ (nay là thị trấn Ba Hàng Đồi). Vào dịp lễ, Tết, bà thăm hỏi, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và người già không nơi nương tựa trên địa bàn xã Phú Nghĩa và huyện Lạc Thuỷ. Khi sức khoẻ cho phép, bà cùng các đoàn thiện nguyện tới các bản làng xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, vùng biên cương Tổ quốc trao tận tay các suất quà tới trẻ em nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chuyến từ thiện, tiền mặt và quà trao cho người nghèo không dưới 10 triệu đồng. Một năm bà đi từ 2 - 3 chuyến và duy trì đều đặn 22 năm nay.

Đối với xã Phú Nghĩa, bà Thuận luôn dành tình cảm nhiều hơn hết. Bà đã mua gần 20 thẻ bảo hiểm y tế tặng gia đình khó khăn, chung tay cùng địa phương hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tặng 97 suất quà cho gia đình chính sách nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sỹ; ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài của địa phương; các dịp mừng thọ người cao tuổi, Tết Trung thu đều có tấm lòng thơm thảo của bà qua những món quà. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà cùng gia đình ủng hộ 1 tấn gạo cho 100 hộ trên địa bàn huyện.

Đồng chí Giang Đức Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Nghĩa cho biết: "Bằng tấm lòng, uy tín, trách nhiệm, bà Thuận tích cực vận động, quyên góp; thường xuyên ủng hộ học sinh, hộ gia đình khó khăn. Còn sức khoẻ bà còn chăm lo cho việc từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ. Bà là tấm gương sáng trong hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương”.

22 năm qua, dấu chân thiện nguyện của bà Vũ Thị Thuận đã có ở nhiều xã, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc. Số tiền làm từ thiện lên đến cả tỷ đồng, mang niềm vui đến người nghèo, mang tinh thần lạc quan vượt khó đến những người ốm đau, bệnh tật. Với bà, hạnh phúc là được sẻ chia, được san sẻ khó khăn với người nghèo, tạo nghị lực cho họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.


Nguyễn Chung
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Thủy)

Các tin khác


Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục