Sinh ra và lớn lên tại xã Tú Lý (Đà Bắc), chị Đinh Thị Thường (sinh năm 1993) là một trong những người trẻ quyết định từ bỏ cơ hội phát triển ở đô thị để trở về xây dựng và phát triển kinh tế tại quê hương. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - dịch vụ và cung ứng thực phẩm Đà Bắc không chỉ là mô hình khởi nghiệp đầy hoài bão của cá nhân chị, mà còn thu hút sự tham gia của các thành viên với quyết tâm cùng nhau phát triển chuỗi nông nghiệp sạch tại vùng cao Đà Bắc.
Chị Đinh Thị Thường chia sẻ: Tốt nghiệp Đại học Thương mại trở về quê hương, tôi nhận thấy nhiều thanh niên địa phương có đất đai nhưng chưa tận dụng hiệu quả, sản xuất manh mún, đầu ra bấp bênh. Điều đó thôi thúc tôi tìm hướng đi mới, giúp bà con nâng cao giá trị nông sản.
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch ngày càng cao, tin tưởng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch là xu thế tất yếu của tương lai, chị Đinh Thị Thường mạnh dạn thành lập HTX nông nghiệp - dịch vụ và cung ứng thực phẩm Đà Bắc với mô hình cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn. Thành lập tháng 7/2023, HTX đi vào hoạt động với 21 thành viên, trực tiếp sản xuất và cung cấp các sản phẩm giò chả, trứng, mì gạo và rau củ sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định được chất lượng, mở rộng thị trường đến nhiều doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng và bếp ăn tập thể.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chị Thường đầu tư hệ thống nhà lưới hiện đại, áp dụng công nghệ tưới tự động và sử dụng chế phẩm sinh học. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, chị Thường còn đặt mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các thành viên HTX. Năm 2024, doanh thu bình quân mỗi tháng của HTX đạt khoảng 350 triệu đồng; lợi nhuận bình quân ước đạt 90 triệu đồng/tháng (so với năm 2023 tăng 175% về doanh thu và 56% về lợi nhuận); thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX ước đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,86% so với năm 2023). Hoạt động của HTX đã hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, nhất là giảm chi phí sản xuất để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu nhập ổn định, HTX mang lại sự an tâm cho người sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đối tác. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm luôn được đảm bảo, giúp các thành viên HTX yên tâm sản xuất mà không lo bị ép giá hay tồn đọng hàng hóa. Chị Thường cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch đến với nhiều thị trường lớn hơn.
Hiện tại, HTX đã ký kết hợp tác với các các đơn vị bao tiêu đầu ra lớn như chuỗi siêu thị Go (nguyên là siêu thị Big C), Công ty TNHH MTV Hải Thắng... HTX đã hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất bí đỏ tại các xã: Trung Thành, Yên Hoà, Đồng Chum với vùng bí sạch khoảng 5 - 10ha mỗi vùng. Chị Thường mong muốn từ mô hình HTX của mình, ngày càng có nhiều người trẻ nhận ra tiềm năng phát triển ngay trên quê hương, không nhất thiết phải rời bỏ làng quê để tìm kiếm cơ hội nơi khác.
Nhìn lại hành trình đã qua, chị Thường chia sẻ: "Đối với những thanh niên trẻ khởi nghiệp, khó khăn về đồng vốn luôn là trăn trở nhất, sau đó đến đầu ra của sản phẩm. Khi thấy địa phương mình đất đai màu mỡ, nhưng người lao động phải đi làm công ty ở các khu công nghiệp dẫn đến gia đình, vợ chồng xa mặt cách lòng thì ý chí của tôi càng kiên định với việc sẽ tạo việc làm ngay tại quê hương. Trong thời gian tới, bên cạnh sản xuất, tôi vẫn duy trì mời các chuyên gia về địa phương hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng để chất lượng nông sản luôn được cải thiện".
Với tâm huyết và sự quyết tâm, chị Đinh Thị Thường không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến nhiều người trẻ. Câu chuyện của chị là minh chứng rõ ràng rằng, chỉ cần có đam mê và sự kiên trì sẽ có thể biến ước mơ thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
La Hưng