(HBĐT) - Ba tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trải qua nhiều thách thức do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 khiến giá vật tư nông nghiệp (VTNN) tăng cao. Nông dân và doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang nỗ lực khắc phục khó khăn đảm bảo sản xuất.


Nông dân xã Cư Yên (Lương Sơn) bón phân chăm sóc lúa chiêm xuân.

Qua khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng tiếp tục tăng cao. Cụ thể, giá bán một số loại đạm tăng gấp 2 lần so với năm ngoái, như đạm Ninh Bình khoảng 17.000 đồng/kg, đạm Phú Mỹ 17.500 đồng/kg; NPK bón lót Lâm Thao 6.300 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg so với năm ngoái. Giá các loại thuốc BVTV cũng tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/gói tùy từng loại. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi tăng theo từng tháng, hiện cám lợn có giá khoảng 315.000 đồng/bao 25 kg (tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/bao). Ngoài ra, các loại giống lúa, ngô, rau đều tăng.

Các chủ đại lý, cơ sở kinh doanh VTNN và người dân đánh giá, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên liệu đầu vào khan hiếm; bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến cước vận chuyển bị đội thêm nên đẩy giá lên cao. Giá tăng không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất, chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến thu nhập của các cửa hàng kinh doanh VTNN do lượng mua của người dân giảm. Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ cửa hàng kinh doanh VTNN tại xã Độc Lập (TP Hòa Bình) chia sẻ: Trong 2 năm trở lại đây, giá VTNN tăng rất cao, đỉnh điểm là cuối năm 2021, 3 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng. Trong đó, các loại phân đạm, cám gà, cám lợn tăng cao nhất. Do giá tăng cao nên sức mua của người dân giảm. Đại lý kinh doanh phải tính toán số lượng để nhập hàng nếu không sẽ không có vốn để nhập hàng.

Theo tính toán của người dân, giá phân bón chiếm từ 10 - 12% chi phí sản xuất, thuốc BVTV chiếm 1 - 5%, thậm chí cao hơn nếu dịch bệnh trên cây trồng bùng phát. Trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 50%, nuôi lợn thức ăn chiếm từ 30 - 40% chi phí sản xuất. Thời điểm này đang là cao điểm bón phân chăm sóc cho cây trồng nên người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Chị Bùi Thị Xêm, xóm Tưa 1, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) trăn trở: Năm nay, gia đình tôi trồng 5.000 m2 ngô, phải sử dụng 10 kg ngô giống với giá 180.000 đồng/kg và gần 2 tạ đạm với giá 1,8 triệu đồng/tạ (giá ngô và đạm đắt gấp đôi so với năm ngoái). Không chỉ giống, phân bón tăng mà giá cám lợn còn tăng chóng mặt. Hiện gia đình nuôi 10 con lợn, nếu cho ăn nguyên cám hạt có khả năng phải bù lỗ nên gia đình đã nuôi theo kiểu truyền thống kết hợp ăn cám hạt để giảm chi phí.

Giá thức ăn chăn nuôi ở mức quá cao, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tái đàn lợn, nhất là đối với những địa phương chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình. Đồng chí Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ (Mai Châu) cho biết: Năm 2021, xã Mai Hạ phải tiêu hủy trên 40 tấn lợn hơi do dịch tả lợn châu Phi (chiếm 70% thiệt hại của toàn huyện). Từ đầu năm đến nay, việc tái đàn lợn của xã gặp nhiều khó khăn do thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hiện, tổng đàn lợn của xã đạt trên 1.600 con. Nếu cho ăn thẳng người dân phải đối mặt với lỗ vốn nên nhiều hộ tận dụng rau để nấu cám duy trì chăn nuôi.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tăng cường quản lý chất lượng VTNN; xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao. Năm 2021, Sở NN&PTNT tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về VTNN tại 211 cơ sở kinh doanh. Thông qua kiểm tra có 197 cơ sở chấp hành tốt, 13 cơ sở ngừng hoạt động, xử phạt hành chính 1 cơ sở 5 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục TT&BVTV (Sở NN& PTNT) tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn huyện Yên Thủy, Lương Sơn. Theo đó, đoàn đã làm việc với 9/10 cơ sở, 1 cơ sở ngừng hoạt động kinh doanh. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết cơ sở kinh doanh VTNN chấp hành tốt quy định về kinh doanh đúng địa điểm, ngành hàng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc rõ ràng, chưa phát hiện hàng giả, hàng cấm, hàng ngoài danh mục. Tất cả hàng hóa còn hạn sử dụng.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế phụ thuộc vào phân bón vô cơ, cùng với việc đảm bảo ổn định thị trường phân bón trong giai đoạn giá tăng cao hiện nay, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Đẩy mạnh sử dụng chế biến phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (phân đại gia súc, phân gia cầm...); không đốt bỏ rơm rạ, tàn dư thực vật trên đồng ruộng, phát động phong trào thu gom chế biến thành phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân buôn bán, vận chuyển, lưu thông cung ứng đầy đủ, kịp thời phân bón, VTNN phục vụ sản xuất với giá hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường VTNN tại địa phương. Ngăn chặn hành vi đầu cơ, tích trữ, tăng giá, buôn bán VTNN kém chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thu Thuỷ

Các tin khác


Huyện Mai Châu vượt khó xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; ANTT được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đó là mục tiêu UBND huyện Mai Châu đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG XDNTM.

Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

(HBĐT) - Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực lòng hồ Hòa Bình. Nhưng để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực vẫn còn những vấn đề cần sự chung tay tháo gỡ.

Khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại và khôi phục sản xuất

(HBĐT) - Trước tình hình rét đậm, rét hại làm chết nhiều gia súc, ảnh hưởng đến gieo trồng vụ xuân của nông dân. Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND của UBND tỉnh về ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất… ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau đợt rét kéo dài, giúp nông dân ổn định lại sản xuất. 

Tìm hướng đi cho vùng cam Cao Phong

(HBĐT) - Vừa cặm cụi đào, chặt bỏ những gốc cam đã hỏng, ông Nguyễn Văn Sửu ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chia sẻ: Vườn cam này tôi trồng được 7 năm. Đáng lẽ đây là thời điểm cây sung sức cho thu hoạch để hồi vốn, nhưng giờ phải chặt bỏ cây. Cách đây 7 năm thấy cây cam cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi quyết định chuyển đổi diện tích gần 8.000 m2 trồng mía và rau màu sang trồng cam. Để có nguồn nuôi cây, tôi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 300 triệu đồng. 

Tiềm năng phát triển cây dược liệu tại vùng cao Đà Bắc

(HBĐT) - Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, huyện vùng cao Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển trồng cây dược liệu. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Duy trì ổn định 4.700 lồng nuôi cá

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện và trong ao hồ diễn ra thuận lợi, người nuôi đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị luôn bám sát, theo dõi các cơ sở nuôi để nắm rõ tình hình hoạt động, đưa ra những biện pháp, khuyến cáo người dân nhằm hạn chế thiệt hại do môi trường gây ra. Nhờ đó tình hình sản xuất thủy sản ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Người dân tập trung chăm sóc, thu hoạch cá thịt phục vụ thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục