Đồng bào Mông xã Pà Cò (Mai Châu) đưa vào trồng đại trà giống chanh leo cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
Nhiều năm trước, cuộc sống của đồng bào Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu còn nhiều khó khăn. Diện tích đất sản xuất ít, khan hiếm nước, sản xuất không phát triển, kinh tế nghèo nàn. Thực hiện dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công trình giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá đảm bảo cho nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Pà Cò Hàng Y Tếnh cho biết: Được hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông do Ban Dân tộc tỉnh triển khai, phụ nữ xã Pà Cò được tham quan, học tập nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả. Từ đó, chị em chủ động lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó phát triển mô hình du lịch homestay kết hợp sản xuất nông sản sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng như đồng bào Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò, bà con vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng chủ động phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Theo thống kê của Ban Dân tộc, toàn tỉnh hiện có gần 600 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do người DTTS làm chủ. Các doanh nghiệp, HTX đóng góp quan trọng trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường, cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Đồng thời, góp phần khai thác, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thương mại, du lịch, tạo việc làm cho lao động vùng DTTS, miền núi. Điển hình như: HTX nông nghiệp bản Dao Thống Nhất (TP Hoà Bình) duy trì trồng 145 ha sả, có sản phẩm tinh dầu sả chanh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nuôi 1.130 đàn ong, trồng 32 ha cam, bưởi sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo việc làm ổn định cho 86 thành viên và 20 lao động thời vụ; HTX Tuyết Nhi, xã Cao Dương (Lương Sơn) phát triển 2 sản phẩm OCOP 4 sao là cao cà gai leo và cao xạ đen, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động nông thôn...
Không chỉ chủ động trong phát triển kinh tế, người dân vùng ĐBDTTS còn chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều già làng, người có uy tín tiêu biểu tham gia hiến đất và vận động người thân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá, trường học để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Qua đó xuất hiện nhiều tập thể không ngừng cố gắng phấn đấu, vươn lên trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tiêu biểu như cán bộ và nhân dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) nỗ lực vượt khó hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) tích cực hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới; cán bộ và nhân dân xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân...
Với những nỗ lực vượt khó thực hiện khát vọng giảm nghèo, vươn lên làm giàu, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về chăm lo cho ĐBDTTS. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng ĐBDTTS và miền núi từ 16,52% năm 2021 giảm còn 9,80% năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 3,36%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn từ 34,08% năm 2021 còn 21,27% năm 2023, giảm bình quân mỗi năm 6,40% (vượt mục tiêu Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019 đề ra).
Đinh Hòa