Người dân xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) nâng cao thu nhập nhờ trồng rừng.
Xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là bản làng của bà con người Dao, người Mường cùng sinh sống. Xóm nằm lọt thỏm giữa thung lũng bên dòng suối Rằng, xung quanh là bát ngát đồi keo, bồ đề. Với diện tích rừng sản xuất rộng hơn 200ha, bao đời nay, sinh kế của người dân xóm Rằng gắn bó với đồi rừng.
Gia đình ông Đinh Văn Son, xóm Rằng có hơn 3ha rừng, gia đình duy trì trồng keo. Theo ông Son, trước đây khi chưa giao rừng cho người dân, diện tích này chủ yếu là nứa và một số cây bụi khác. Từ khi được giao rừng, gia đình đã trồng nhiều chu kỳ cây keo. Sau 5 năm trồng cây keo đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng. "Ngoài trồng keo, gia đình tôi còn chăn nuôi trâu. Hàng ngày thả trâu lên trên đồi, chiều lùa về chuồng. Nhờ trồng rừng mà có nguồn thu nhập ổn định hơn”, ông Son cho biết.
Cùng ở xóm Rằng, gia đình anh Lường Văn Hậu đã ổn định kinh tế nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng về đất rừng. Với diện tích hơn 3ha, những năm trước gia đình anh Hậu trồng keo chu kỳ ngắn (4 - 5 năm). Tuy nhiên, những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Hậu trồng chu kỳ 7 năm mới khai thác. "Trồng keo không đòi hỏi chi phí đầu tư nhiều, từ năm thứ 2 trở đi cây đã cao lớn, không cần phải phát cỏ. Với chu kỳ khoảng 7 năm mới khai thác, tính ra mỗi ha keo cho thu khoảng trên 70 triệu đồng. Trong thời gian chờ thu hoạch, gia đình kết hợp chăn nuôi gia súc, tỉa cành làm củi đốt”, anh Hậu chia sẻ.
Được biết, ngoài xóm Rằng, các xóm khác trên địa bàn xã Cao Sơn cũng đẩy mạnh phát triển trồng rừng, trong đó chú trọng trồng cây gỗ lớn để nâng hiệu quả kinh tế. "Trên địa bàn xã có cơ sở thu mua, băm gỗ nguyên liệu nên thuận lợi để người dân phát triển kinh tế rừng”, đồng chí Ngô Văn Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn cho biết.
Tại xã Thạch Yên (Cao Phong), nhiều hộ dân cũng tập trung phát triển kinh tế từ rừng. Trong đó, mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Như hộ ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ duy trì nuôi trên 10 con trâu, bò để tận dụng lợi thế khi gia đình có 3ha đồi keo. Nhờ đó có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Có thể nói, với địa bàn sinh sống chủ yếu ở khu vực vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã biến những khó khăn về địa hình trở thành lợi thế khi phát triển kinh tế rừng. Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được 8,34 nghìn ha, đạt 150% kế hoạch; trồng 947 nghìn cây phân tán. Với độ che phủ trên 51,6%, rừng là "lá phổi” quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để đẩy mạnh phát triển rừng bền vững. Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Hiện đang triển khai thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hòa Bình với tổng mức đầu tư trên 127 tỷ đồng. Đây là sự hỗ trợ thiết thực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế rừng bền vững.
Viết Đào