Khởi động từ tháng 4/2024, chị Bùi Thị Phửn, hội viên Chi Hội Phụ nữ xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) là hộ đầu tiên được hỗ trợ 50 con gà giống từ mô hình "Biến rác thải thành con giống”. Sau gần nửa năm chăm sóc, đàn gà đến kỳ xuất bán. Chị Phửn dùng số tiền bán gà mua 2 con lợn giống trị giá 3,5 triệu đồng để tái đầu tư chăn nuôi.


Hội LHPN xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) trao con giống tạo sinh kế cho hộ hội viên nghèo xóm Bui từ mô hình "Biến rác thải thành con giống".

Chị Bùi Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Nghĩa cho biết: Trên 90% cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã là người dân tộc Mường, đời sống thu nhập chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình "Biến rác thải thành con giống" xuất phát từ việc tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn về điều kiện phát triển sản xuất của hội viên ở các chi hội. Sau khi nêu ý tưởng và bàn bạc đi đến thống nhất, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã ra văn bản triển khai thực hiện. Theo đó, mỗi tháng một lần, định kỳ từ ngày 27-30 hàng tháng, Hội LHPN xã tổ chức giao ban; chi hội trưởng phụ nữ các xóm thu gom, tập kết các loại vỏ lon, chai nhựa, bìa giấy do chị em thu gom để bỏ vào lồng quyên góp chung. Toàn bộ nguồn phế liệu thu được bán lấy tiền mua con giống tặng hội viên nghèo, cận nghèo có ý chí vươn lên và chăm chỉ.

Cứ cách 1 – 2 tháng sẽ có 1 hộ hội viên được nhận nguồn con giống hỗ trợ từ mô hình. Việc chọn hộ được lấy ý kiến từ cơ sở, mô hình được triển khai luân phiên ở các chi hội xóm. Đến nay, có 6 hội viên khó khăn ở các chi hội Dằm, Bưng, Bui, Vó Dò, Tiền Phong, Vó Giữa được hỗ trợ. Nguồn con giống ban đầu đã trở thành động lực để hội viên nghèo vượt khó, tập trung phát triển sản xuất. Tiêu biểu như chị Trần Thị Duyên ở xóm Vó Dò hiện duy trì nuôi 20 con gà đẻ trứng bán thương phẩm. Số tiền thu được từ 30 con gà thịt được chị tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.

Cũng theo chị Bùi Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã, năm 2024, hội đăng ký chỉ tiêu giúp 5 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh triển khai mô hình "Biến rác thải thành con giống”, hội còn duy trì phong trào cán bộ, hội viên giúp nhau bằng nhiều hình thức đa dạng, như: giúp ngày công cấy lúa, thu hoạch các loại cây trồng. Nhiều chi hội triển khai hình thức đóng phường theo nhóm, đan kho mây tre đan nộp sản phẩm để tạo vốn giúp nhau. Từ các hình thức hỗ trợ này, chị em lần lượt được giúp đỡ dùng vào việc mua con giống, xử lý công việc gia đình, có chị em mua máy phát điện để phục vụ sinh hoạt mùa nắng nóng hoặc mua xe đạp điện để làm phương tiện đi lại.

Hội LHPN xã đang duy trì 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 8 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được hộ hội viên nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Việc thu lãi và tiền tiết kiệm hàng tháng được thực hiện đầy đủ, không có nợ quá hạn.

Ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, hội còn ra mắt mô hình phụ nữ giúp nhau mua bảo hiểm y tế ở xóm Khị; nhân rộng mô hình nuôi lợn nhựa khuyến học ở các xóm Bưng, Dằm. Đồng thời, hội và các chi hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình hội viên tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, vì những ý nghĩa nhân văn và bảo đảm quyền lợi chăm lo sức khỏe khi ốm đau, bệnh tật.  


Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Nông dân dân tộc thiểu số năng động làm giàu

Phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân (HVND) huyện Mai Châu chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi.

Huyện Kim Bôi xây mới và nâng cấp, sửa chữa 5 trạm y tế

Theo UBND huyện Kim Bôi, giai đoạn 2019-2024, huyện từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Phường Thống Nhất cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã có những bước tiến rõ rệt. Người dân đang tiếp tục nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Huyện Lạc Thủy: Trên 7.200 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách

Giai đoạn 2019-2024, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi huyện Lạc Thủy được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai.

huyện Tân Lạc: Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều cách làm hay để giảm nghèo bền vững, trong đó có phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm.

Triệu phú nông dân ở xóm Thung Dao Bắc

Mỗi năm trôi qua, số triệu phú, tỷ phú là nông dân xuất hiện ngày một nhiều ở đất Mường. Cùng với sự đồng hành của các cấp HND trong tỉnh, nhiều hộ hội viên nông dân đã biết chắt chiu, tận dụng từng cơ hội để phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và xây dựng quê hương. Một trong số nhiều nông dân đó tại địa bàn huyện Kim Bôi là ông Triệu Văn Bình – triệu phú nông dân người dân tộc Dao đầu tiên của xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục