Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi trở lại thăm xã Tòng Đậu (Mai Châu), cảm nhận sự đổi thay từ cơ sở hạ tầng đến cuộc sống của người dân. Xã có 6 xóm với 5 dân tộc (Thái, Mường, Kinh, Dao, Hoa) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 80%. Thời gian qua, người dân được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Đường giao thông xã Tòng Đậu (Mai Châu) được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Hà Văn Tích, Chủ tịch UBND xã Tòng Đậu khẳng định: Việc tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nhờ nguồn vốn chương trình và các nguồn lực khác đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện chương trình này giai đoạn 2021-2025, UBND xã đã chủ động, phối hợp triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp người dân vùng đồng bào DTTS&MN hiểu được ý nghĩa của chương trình; quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong tham gia thực hiện chương trình.
Tính riêng năm 2024, thực hiện tiểu dự án 3 trong Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN, tổng số vốn ngân sách Trung ương giao 110 triệu đồng, đã giải ngân 100%. UBND xã đã chỉ đạo Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở 1 lớp kỹ thuật nấu ăn cho 35 học viên. Triển khai dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, tổng số vốn được ngân sách Trung ương giao 28 triệu đồng, đã giải ngân 100%. Hội LHPN xã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động về thực hiện bình đẳng giới, trong đó thành lập 3 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, "Tổ truyền thông cộng đồng”, " Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi”...
Hiệu quả thực tế của chương trình góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng. Công tác lồng ghép giới, thực hiện bình đẳng giới trong chương trình thông qua các mô hình góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành và người dân trong phòng, chống bạo lực, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Việc thực hiện hiệu quả CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Tính đến tháng 10/2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Hương Lan