Nhờ cụ thể hóa Chỉ thị số 05 gắn với các nhiệm vụ của địa phương, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đã về đích NTM với cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp.
Hưng Thi là xã cuối cùng của huyện về đích nông thôn mới (NTM), phong trào hiến đất thực sự hiệu quả. Điển hình như thôn Niếng, mặc dù là thôn khó khăn nhất nhưng lại có đóng góp nhiều nhất. Đồng chí Bùi Thị Liên, Bí thư chi bộ thôn Niếng cho biết: "Khi bắt đầu xây dựng NTM, bà con chưa nhận thức cao về giá trị của chương trình mang lại. Do đó, việc vận động gặp nhiều khó khăn vì ít người tự nguyện hiến đất để cải tạo hạ tầng cơ sở. Chúng tôi phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, giải thích mới có được thành quả hôm nay. Thôn có 22 hộ hiến hơn 4.600 m2 đất làm đường giao thông, người hiến nhiều nhất là ông Quách Văn In được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen năm 2020. Ông đã hiến hơn 1.000 m2 đất để thôn mở rộng, bê tông hóa đường giao thông”. Đến nay, thôn Niếng đã cứng hóa đường giao thông trên 95%; nhà văn hóa và sân chơi đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm.
Đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Qua học tập Chỉ thị số 05, mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của mình để tự phấn đấu, rèn luyện, xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân điển hình với những việc làm thiết thực noi theo gương Bác”.
Về cá nhân tiêu biểu, ngoài ông In ở thôn Niếng, còn có nhiều cá nhân khác như ông Quách Văn Quân, thôn Cui hiến 350 m2 đất; hộ bà Bùi Thị Phưởng, thôn Măng hiến 320 m2 đất… Nhiều tập thể đã góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, như đảng viên trong Đảng bộ xã quyên góp hơn 56 triệu đồng tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh khó khăn, 10 máy lọc nước cho 10 điểm trường trên địa bàn. Lực lượng dân quân xã quyên góp mua 14 xe đạp tặng học sinh khó khăn trị giá trên 19 triệu đồng. Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn cho 20 hội viên nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng chí Nguyễn Thị Mười, giáo viên trường TH&THCS xã giúp đỡ về vật chất, tinh thần, vận động được 3 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học tiếp tục đi học…
Chia sẻ về cách làm hay mà địa phương áp dụng, theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Lương Văn Đông, đầu tiên là cần quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung đến toàn thể CB, ĐV, Nhân dân. Lấy sự gương mẫu, tiên phong của đảng viên làm nòng cốt trong thực hiện để Nhân dân làm theo. Quá trình vận động Nhân dân phải kiên trì, giải thích cặn kẽ, tường tận vấn đề để người dân hiểu được trách nhiệm trong việc góp sức xây dựng quê hương bằng nhiều hình thức, nhất là trong các phong trào chung của địa phương. Gắn việc học tập và làm theo Bác với trách nhiệm, nhiệm vụ của từng CB, ĐV, hội viên các chi bộ, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch, phát huy tính dân chủ để Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân. Qua đó, xây dựng các mô hình phù hợp để cụ thể hóa chủ trương đề ra.
Thanh Sơn