Giáo viên cơ sở Mầm non Sen Vàng (Hà Nội) bạo hành trẻ, bị
phát hiện tháng 2/2017. (Ảnh cắt từ clip)
Trên 2.000 trẻ bị bạo hành mỗi năm
Hôm nay, 7/12, báo chí đồng loạt đưa tin Công an Quận Cầu Giấy, thành phố Hà
Nội đã tạm giữ hình sự với Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô) để
điều tra làm rõ việc người này đã nhẫn tâm hành hạ con trai 10 tuổi của mình
suốt một thời gian dài.
Cháu T.N.K (10 tuổi), đã phải bỏ trốn khỏi nhà bố đẻ và mẹ kế để về nhà ông bà
nội, trong trạng thái tinh thần hoảng loạn. Theo lời K., trong thời gian ở với
bố, cháu liên tục bị đánh.
Tại tỉnh Bắc Giang, công an huyện Hiệp Hòa vừa vào cuộc điều tra việc cháu
L.T.D, 4 tuổi bị đánh đa chấn thương toàn thân, khi đang học tại Trường mầm non
Ngọc Sơn của huyện này.
Tại Thanh Hóa, dư luận cả nước đang chấn động trước nghi án bà nội giết cháu
mới 20 ngày tuổi.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra cũng đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố
chủ và các bảo mẫu của cơ sở Mầm non Xanh về tội "hành hạ người khác” theo
Khoản 2, Điều 110, Bộ luật Hình sự. Quá đau lòng khi nạn nhân của những hành vi
hành hạ tàn nhẫn của họ lại là những em bé chỉ vài ba tuổi.
Tại Kiên Giang, công an huyện Châu Thành đang xác minh làm rõ việc cháu bé 7
tuổi N.H.N.T. bị cha ruột hành hạ, thậm chí dùng thanh sắt nung đỏ dí vào mặt
và thân thể…
Tại Điện Biên, cô giáo trường Tiểu học Nậm Pố (huyện Mường Nhé) đánh học sinh
bầm tím vì không biết viết chữ đẹp.
Đây là những vụ việc bạo hành trẻ em mới nhất bị phanh phui ngay trong những
ngày cuối tháng Mười một, đầu tháng 12/2017 này, nhưng chỉ là số ít trong rất
rất nhiều những vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra.
Kết quả khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên
Quang cho thấy, có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.
Báo cáo mới đây về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về
bạo lực trẻ em, trong 689 ca bạo lưc trẻ em, có đến 60% ca bạo lực thân
thể, trong đó có 40% ca bạo lực gia đình, 20% ca bạo lực học đường.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động,
thương binh và xã hội), ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 2.000 trẻ em bị
bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Ông Nam cho biết, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có tính chất phức tạp với
nhiều độ tuổi, nhiều môi trường, nhiều đối tượng. Bạo lực trẻ em thậm chí xảy
ra ngay trong gia đình, trường học và những hành vi này có khi được thực hiện
bởi chính những người thân, các giáo viên, vốn phải là những người yêu thương
và bảo vệ các em.
Không chỉ là những tổn thương về thể chất, trí tuệ, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, việc bạo hành còn gây tổn thương tinh thần sâu sắc
cho trẻ. Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, những trẻ bị bạo hành sẽ
mang theo ám ảnh tâm lý trong suốt cuộc đời mình, có thể ảnh hưởng đến tính
cách, lối sống, tương lai sau này của các em.
Không chỉ tổn thương thể chất, trẻ bị
bạo hành sẽ bị tổn thương nặng nề về tâm lý. (Ảnh minh họa. Nguồn:
accidentlawyerla.org)
Giải pháp nào?
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng ngày
4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã yêu cầu xử lý nghiêm và có
biện pháp chấm dứt ngay tình trạng bạo hành trẻ em, nhất là trẻ em ở các trường
mầm non, mẫu giáo.
Nhưng biện pháp nào để chấm dứt bạo lực trẻ em là bài toán bức thiết được đặt
ra.
Bắt đầu từ ngày 6/12, tại Hà Nội, Tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em có số
gọi 111 chính
thực hoạt động. Tổng đài không thu phí với cuộc gọi đến, được
Nhà nước đảm bảo kinh phí để hoạt động 24/24, là nơi để tiếp nhận các thông tin
phản ánh, tố giác về tình trạng bạo hành trẻ em. Đây là một trong những hoạt
động thể hiện sự cam kết nỗ lực của Chính phủ trong việc chăm sóc, bảo vệ và
thúc đẩy quyền của trẻ em.
Ngày 1/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức Lễ phát động "Chấm dứt bạo
lực thân thể trẻ trong gia đình và trường học”.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, những vụ việc bạo hành
xảy ra trong các cơ sở giáo dục mầm non cho thấy các địa phương, phòng giáo dục
cần xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở đã đúng quy định chưa, đồng thời
tăng cường công tác thanh tra, giám sát về hoạt động của trường mầm non.
Vì thế, theo bà Nghĩa, để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo
dục, bên cạnh các quy định đã có, cần tăng cường kết hợp với công tác thanh
kiểm tra thường xuyên, bắt đầu từ cấp phép đến giám sát hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng các chế tài xử lý đối tượng bạo hành trẻ em chưa đủ sức
răn đe. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ
em, điều vướng mắc không phải là chế tài mà là khi xảy ra vụ việc, các cơ quan
điều tra thường gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để xử lý đối
tượng vi phạm.
Vì thế, ông Nam kiến nghị phải rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, đặc
biệt là tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan hoạt động tốt hơn trong công
tác điều tra, thu thập chứng cứ.
Cùng trăn trở với vấn đề bạo hành trẻ em và nhìn một cách tổng quan hơn, ông
Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, đã đến
lúc đỏi hỏi ngành giáo dục và các cơ quan liên quan nghiêm túc nhìn lại và chấn
chỉnh, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để hạn chế tối đa tổn
thương cho trẻ./.
TheoVietnamplus