Gia đình ông Trịnh Đức Thiện, xóm Ba, xã Tử Nê (Tân Lạc) đầu tư trồng 40 cây bưởi đỏ, dự kiến cho thu 200 triệu đồng.
Người dân còn tổ chức ươm cây giống bán cho các hộ dân ở trong và ngoài tỉnh, trung bình mỗi cây từ 500 - 700 đồng, nhiều hộ xuất bán hàng chục vạn cây đem lại nguồn thu khá lớn.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm KNKL quốc gia, trên địa bàn xã đang triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh thuộc Dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung tại xóm Bin”. Qua 1 năm triển khai, cây phát triển rất tốt, đường kính đạt 3,5- 6 cm, cây cao khoảng 4 m, dự tính khoảng 10 năm cho khai thác, có thể thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, mở ra hướng phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, mấy năm nay, người dân trên địa bàn xã chuyển đổi mạnh sang trồng bưởi đỏ. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trịnh Đức Thiện, xóm Ba. Vườn bưởi ở bên suối, sát QL 12 B, chỉ có 40 cây được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng, áp dựng KH-KT trong sản xuất, thế nên dù mới bước vào năm đầu thu bói đã cho thu từ 300- 400 quả/cây, sản lượng cả vườn khoảng 1,2 vạn quả với giá khoảng 20.000 đồng/quả, dự tính thu cỡ 200 triệu đồng…
Hiện tại, diện tích bưởi của xã Tử Nê khoảng 140 ha ở hầu hết các xóm. Diện tích bưởi cho thu hoạch đạt 40 ha. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/quả, nhiều hộ đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/ha như các ông: Phạm Hồng Thái, Phạm Khắc Thường, Phạm Trí Tuệ…
Từ năm 2015, xã Tử Nê về đích nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng của xã tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng sống của người dân. Xã đã đạt chuẩn về y tế, 2 trường mầm non và THCS đạt chuẩn quốc gia, dự kiến năm 2018 sẽ có thêm trường tiểu học đạt chuẩn. Đường làng, ngõ xóm được đầu tư theo chuẩn NTM, hiện tiếp tục xây dựng một số tuyến đường nội đồng phục vụ phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt 99%, không có hoạt động gây ô nhiễm môi trường; 100% hộ sử dụng điện an toàn. Hàng năm, xã phối hợp với các ngành tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như dệt thổ cẩm, thêu ren, trồng nấm rơm, đan lát nghề truyền thống, trồng cây có múi... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 35 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,2%.
H.L