(HBĐT) -Mặc dù đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở nhưng trong năm qua, toàn tỉnh vẫn xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm với trên 200 người mắc, trong đó 1 người tử vong. Đó là con số biết nói và cũng là lời thức tỉnh tác động đến ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành hữu quan và từ mỗi người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Cổng trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) san sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm ăn nhanh phục vụ học sinh.
Công tác thông tin, truyền thông sâu rộng
Trong Tháng hành động vì ATTP trên các ngả đường từ nông thôn đến thành thị, nhà hàng, khách sạn, trường học, trạm y tế… đều treo băng rôn, khẩu hiệu về đảm bảo VSATTP. Một số huyện như Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy… tổ chức xe tuyên truyền lưu động đưa thông tin về ATTP đến người dân. Hội Phụ nữ các huyện, thành phố có nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng chiến dịch đảm bảo ATTP như: tổ chức các cuộc giao lưu truyền thông với chủ đề "Phụ nữ thực hiện ATTP”, liên hoan văn nghệ tuyên truyền về đảm bảo ATTP cho các cụm xã, tập huấn công tác đảm bảo ATTP trong SX-KD, chế biến thực phẩm và vệ sinh môi trường cho hội viên. Tính riêng tuyến huyện, thành phố, năm 2018 đã tổ chức treo trên 990 băng rôn, in ấn 3.420 tờ rơi, in sao 1.068 đĩa tuyên truyền về ATTP, tổ chức 67 lớp tập huấn về ATTP với trên 3.600 lượt người tham gia, tổ chức 371 hội nghị, hội thảo về ATTP thu hút 5.877 người tham gia. Đặc biệt, các cơ quan, đoàn thể đã phối hợp tổ chức 1.224 buổi nói chuyện về nội dung ATTP thu hút gần 22 nghìn lượt người tham gia.
Đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm ATTP được tăng cường
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) an toàn thực phẩm tỉnh, năm 2018, Sở Y tế đã thành lập 9 đoàn kiểm tra và chủ trì 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo ATTP trong các dịp lễ, Tết, tháng VSATTP. Theo đó, đã tổ chức kiểm tra 12 BCĐ An toàn thực phẩm tuyến huyện, 1 BCĐ An toàn thực phẩm tuyến xã và 73 cơ sở SX-KD thực phẩm. Qua kiểm tra đã phát hiện 16 cơ sở vi phạm, phạt trên 50 triệu đồng. 6 đoàn kiểm tra liên ngành khác do Sở Công Thương và Sở NN &PTNT chủ trì tiến hành kiểm tra 117 cơ sở SX-KD thực phẩm. Qua kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 44 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra chuyên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất 115 cuộc tại các cơ sở SX-KD nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền, cơ sở SX-KD thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…, có 2/115 cơ sở được kiểm tra vi phạm được xử lý kịp thời, đúng quy định.
Trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành, Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành đối với 67 cơ sở SX-KD sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả đã thu hồi 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tạm ngừng hoạt động đối với 12 cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATTP. Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch 14 cơ sở SX-KD nông sản phát hiện 5 cơ sở vi phạm. Hiệu quả rõ nét nhất phải kể đến các cuộc thanh tra đột xuất, có 20/27 cơ sở được thanh tra vi phạm. Đoàn thanh tra đã xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 56 triệu đồng và phạt cảnh cáo 2 cơ sở không đảm bảo ATTP.
Được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, SX-KD thực phẩm, Sở Công Thương đã tổ chức các chiến dịch thanh, kiểm tra. Trong năm đã tổ chức kiểm tra 983 cơ sở, phát hiện 389 cơ sở có vi phạm, xử phạt hành chính trên 289 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá trên 3 triệu đồng.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh đã đấu tranh, xử lý 92 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 183 triệu đồng.
Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh
Nhìn vào kết quả thực hiện công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm ATTP từ các cơ quan, đơn vị là thành viên BCĐ An toàn thực phẩm tỉnh, đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Đã có sự nỗ lực vượt bậc từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các cơ sở vi phạm chưa được triệt để, chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở nên chưa có tác dụng răn đe. Hiện tại, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm cố tình sử dụng chất phụ gia, bảo quản ngoài danh mục cho phép vào quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Cũng vì chưa quản lý tốt các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, quán bánh kẹo, nước giải khát trước cổng trường dẫn đến ngộ độc thực phẩm gia tăng. Để hạn chế tối đa những vi phạm trong đảm bảo VSATTP, ngay trong những ngày đầu năm 2019, các sở, ngành thành viên BCĐ An toàn thực phẩm tỉnh sẽ thực hiện thanh, kiểm tra đột xuất ở các cơ sở SX-KD thực phẩm. Tổ chức lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm để kiểm định chất lượng ATTP và truy xuất nguồn gốc, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm kịp thời theo quy định của pháp luật.
Lam Nguyệt