Mỗi độ thu sang, trẻ em trên khắp mọi miền Tổ quốc háo hức mong chờ Trung thu, bởi đây là ngày tết dành cho các em. Cũng như trẻ em trên cả nước, gần 226 nghìn trẻ em tỉnh Hòa Bình ngóng đợi Tết Trung thu ấm áp, rộn ràng và tràn đầy niềm vui. Thế nhưng, Trung thu năm nay là một ngày lễ đặc biệt với trẻ em Hòa Bình.


Hội Chữ thập đỏ thành phố Hoà Bình, Câu lạc bộ thiện nguyện Hoà Bình và UBND xã Thịnh Minh phối hợp tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Trung thu.

Hàng năm, các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức tặng quà, hoạt động vui chơi, giải trí ý nghĩa, thiết thực cho thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu. Như thường lệ, kế hoạch tổ chức Tết Trung thu vui tươi, đủ đầy cho thiếu nhi đã được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng và chuẩn bị chu đáo. Ngay từ đầu tháng 9, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-BCĐ về việc tổ chức Chương trình "Vầng trăng hy vọng - Trọn vẹn ước mơ” năm 2024 tại xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi). Chương trình hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui, tiếng cười, ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Thế nhưng do mưa lũ diễn biến phức tạp, đồng thời sẻ chia với những mất mát, đau thương và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh, ngày 10/9, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh ban hành Công văn số 2369/CV-BCĐ về việc dừng tổ chức Chương trình "Vầng trăng hy vọng - Trọn vẹn ước mơ” năm 2024. Ngày 13/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1592/UBND-KTTH về việc tổ chức Tết Trung thu năm 2024. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức Tết Trung thu năm 2024 đảm bảo: Không tổ chức chương trình Trung thu cấp huyện, cấp xã; tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em, đông người ở những nơi không an toàn; chương trình Trung thu ở cấp thôn, xóm, bản, khu dân cư (nếu tổ chức) cần ngắn gọn, tiết kiệm, an toàn; không tổ chức các hoạt động văn nghệ, múa hát, múa lân - sư - rồng…

Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Những ngày vừa qua, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh Hoà Bình. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời chia sẻ với những mất mát, đau thương của đồng bào ta, Tết Trung thu năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ dừng các hoạt động văn nghệ, trống lân rộn ràng, các đoàn rước đèn Trung thu náo nhiệt như các năm trước. Song vẫn có rất nhiều những món quà ý nghĩa, những suất học bổng, phần hỗ trợ là sự quan tâm, tình yêu thương của các cấp, ngành, địa phương, cá nhân, doanh nghiệp trao tặng cho các cháu thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu, đặc biệt là những cháu có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ…”.

Tuy rằng không náo nức, rộn ràng như các mùa trăng trước, nhưng thiếu nhi tỉnh Hoà Bình không vì thế mà thất vọng hay tiếc nuối. Em Bùi Phương Thảo, học sinh Trường THCS Hữu Nghị bộc bạch: "Vừa qua, bão số 3, sạt lở đất và lũ quét đã gây ra nhiều thiệt hại về người, trong đó có cả trẻ em, học sinh. Em nghĩ rằng điều quan trọng và cần thiết hơn trong lúc này đó là cộng đồng chung tay sẻ chia, giúp đỡ, cùng nhau vượt qua khó khăn và em mong tất cả trẻ em, học sinh đều được bình an, khoẻ mạnh”.

Là ngày Tết của trẻ em và cũng là dịp để mỗi gia đình, toàn xã hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho những mầm non tương lai của đất nước bằng nhiều món quà, hoạt động thiết thực. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, xóm Máy 4, xã Hoà Bình (TP Hoà Bình) chia sẻ: "Tôi vô cùng đau xót trước những mất mát, nỗi tang thương, thiệt hại mà bão số 3, lũ quét, sạt lở đất gây ra. Gia đình tôi nhận thức rõ rằng với tình hình thực tế hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí và phá cỗ Trung thu ở thời điểm này là chưa phù hợp. Vì thế, để các con có ngày Tết Trung thu ý nghĩa, đáng nhớ, gia đình tôi sẽ tổ chức bữa cơm sum họp, cùng với đó là dạy con cách bày mâm ngũ quả, làm bánh Trung thu…”.

Trong thời điểm và hoàn cảnh như hiện nay, dẫu không linh đình, rộn ràng nhưng Tết Trung thu vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, Tết của sự quan tâm, yêu thương và sẻ chia.


Linh Nhật


Các tin khác


Di dời khẩn cấp 50 hộ dân xóm Rài, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) ra khỏi vùng nguy cơ cao sạt lở

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìmkiếm cứu nạn xã Tuân Đạo (Lạc Sơn), ảnh hưởng của bão số 3 và đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều nhà dân xóm Rài sinh sống ở khu vực đồi Cây Đa Bái Rài nguy cơ sạt lở cao.

Trung ương Đoàn tặng quà người dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại xã Trung Thành, Quang Tiến

Ngày 15/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn Hòa Bình tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ nhân dân chịu ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 gây ra tại xã Trung Thành (Đà Bắc) và xã Quang Tiến (TP Hòa Bình). Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

Sáu bài học kinh nghiệm từ bão số 3

Nhờ sự khẩn trương, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, mức độ thiệt hại của cơn bão số 3 đã được hạn chế tối đa, công tác khắc phục hậu quả cũng được đẩy nhanh.

Hỗ trợ nhân dân xã Thanh Cao khắc phục ảnh hưởng bão lũ

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão những ngày qua làm mực nước sông dâng cao, khiến 95 hộ dân ở xã Thanh Cao bị cô lập (thôn Vệ An 64 hộ, Sấu Hạ 20 hộ, Đa Sỹ 1 hộ, Sấu Thượng 10 hộ); 105ha lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch nhưng bị ngập sâu có khả năng mất trắng; 9ha câu màu, 2 ha cây xạ đen, 4,5ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt sâu. Giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn và có nguy cơ đối mặt với cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, kéo theo đó là vấn đề môi trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính những người dân vùng ngập lụt.

Khẩn trương tái thiết, ổn định đời sống người dân Làng Nủ sau lũ

Việc cấp bách tại vùng "rốn lũ" Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thời điểm này bên cạnh công tác tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn là khẩn trương tái thiết, sớm ổn định đời sống người dân sau lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục