Tọa lạc tại phố Nhân Dục, phường Hiền Nam, TP Hưng Yên, chùa Chuông hay còn gọi là "Kim Chung tự” ẩn chứa bao huyền tích. Với lịch sử lâu đời cùng hệ thống các pho tượng cổ, độc đáo, chùa Chuông được mệnh danh là "đệ nhất danh lam” của phố Hiến.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XV dưới thời Hậu Lê. Năm 1707, chùa được trùng tu lại và có diện mạo hoàn chỉnh như ngày nay. Theo nhà báo Đoàn Dũng, chùa có tên Kim Chung tự bởi gắn với một huyền tích cổ. Tương truyền, xưa kia, làng Nhân Dục ở gần bờ sông, đời sống bà con chỉ dựa vào trồng lúa nước. Bỗng một hôm có một trận đại hồng thủy cuốn theo một chiếc bè lớn, trên có quả chuông vàng. Người dân thấy lạ nên đua nhau kéo về làng mình nhưng không được. Một ngày kia, chuông vàng dạt vào bãi sông thuộc làng Nhân Dục. Sư tổ trụ trì tại ngôi chùa trong làng cùng hương lão và nhân dân rất vui mừng. Họ cho là trời phật ban chuông quý liền kéo chuông lên bờ và rước vào chùa, góp công, của xây lầu treo chuông. Khi thỉnh, tiếng chuông vang lên âm thanh trong sáng, vang xa vạn dặm, dân tình khắp nơi nghe thấy đều phấn chấn.
Một góc chùa Chuông.
Biết chuyện, bọn quan lại phương Bắc đã đóng giả làm các cao tăng đến chùa với mục đích lấy cắp chuông vàng. Sư tổ biết được ý định của bọn chúng nên đã cho giấu chuông đi. Về sau, những người giấu chuông đều đã viên tịch, hậu thế không biết ở đâu. Cũng có người cho rằng, chuông vàng đã về với đất mẹ... Tưởng nhớ quả chuông vàng linh thiêng bí ẩn ấy, các tăng ni và nhân dân liền đổi tên chùa thành Kim Chung tự (chùa Chuông vàng).
Nét đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục cân đối, hài hòa. Từ cổng Tam Quan, chúng tôi đi theo cây cầu đá xanh, bắc ngang qua ao mắt rồng được dựng vào năm 1702 là khoảng sân rộng, tiếp đó là khu Tiền Đường 5 gian, 2 chái. Giữa Tiền Đường và Thượng Điện là Thiên Hương. Tiếp tục đi qua Thượng Điện, bên trong là hai dãy hành lang đối xứng dẫn tới nhà Mẫu, nhà Tổ, lầu chuông, lầu khánh.
Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ kính này còn nằm ở hệ thống các pho tượng được chế tác tinh xảo. Nổi bật là nhóm tượng "Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà người ác phải trải qua nơi âm phủ. Tiếp đến là Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán (18 vị La Hán), Đức Ông, Đức Thánh Hiền... chạy dọc hai dãy hành lang được chế tác công phu, uyển chuyển, mỗi pho tượng có một tư thế, dáng vẻ riêng, biểu cảm sống động.
Điều gây tò mò với mỗi du khách chính là 18 bức tượng La Hán được chế tác rất tinh xảo từ đất sét. Qua bàn tay của các nghệ nhân nhào nặn, 18 pho tượng với những tư thế ngồi sinh động, khuôn mặt biểu lộ những cảm xúc khác nhau về nội tâm. Và 18 pho tượng này đã tạo ra cách bói dân gian độc đáo cho chùa Chuông. Bói tượng qua cách tính năm chọn tượng, cách tính tuổi để tìm tượng ứng với niên vận của mình trong một năm nhất định. Cách bói đơn giản nhất là lấy tuổi đẻ chia cho 9, số lẻ là bao nhiêu thì số tượng ứng với mình là số đó. Nguyên tắc tìm kết quả tượng là nam bên trái, nữ bên phải. Bói tượng là nét văn hóa độc đáo mà người dân địa phương thường làm khi đi lễ chùa vào dịp Tết.
Nhà báo Đoàn Dũng cho biết thêm: Năm 1992, chùa Chuông được Nhà nước xếp hạng trong quần thể di tích lịch sử phố Hiến. Trải qua bao cuộc thăng trầm, Chùa Chuông vẫn tọa lạc yên bình. Cứ mỗi dịp xuân về hay mừng lễ Phật Đản, Chùa Chuông lại thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới viếng thăm. Cùng với sự phát triển nhộn nhịp, nhất là việc đầu tư của thành phố Hưng Yên, chùa Chuông hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách, xứng danh là "đệ nhất danh lam phố Hiến”, đúng như lời xưa ca ngợi: "Chùa Chuông thành tráng lệ/ Nhà ngọc xua bụi trần/ Đất thiêng người tuấn kiệt/ Vật báu trời phát phân/ Cảnh phúc dài vạn kiếp/ Công đức mãi nghìn xuân”.
Hải Yến