Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (huyện Nguyên Bình) được ví như một viên ngọc quý mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất biên cương Cao Bằng.
Nơi đây có cấu tạo địa chất rất đặc biệt với những dãy núi cao, nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc, thiếc, vonphram, quặng uranium... Phia Oắc - Phia Đén vẫn giữ được rừng nguyên sinh, hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đặc biệt, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, có băng tuyết về mùa đông và là nơi lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái.
Vùng Phia Oăc - Phia Đén với những thảo nguyên đồng cỏ bao la cùng núi non trùng điệp. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Anh Vi Trần Thùy, cán bộ Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu "Non nước Cao Bằng” cho biết: Vườn Quốc gia Phia Oắc, Phia Đén là một khu vực hết sức đặc biệt, được các chuyên gia địa chất, môi trường quốc tế đánh giá rất cao. Điểm đặc biệt nhất ở đây chính là hệ núi trẻ vẫn đang trong quá trình tiếp tục thay đổi, phát triển. Đối với du khách nước ngoài, họ không chỉ đi du lịch để ngắm nhìn cảnh đẹp và còn rất thích tìm hiểu, khám phá những khác biệt về địa chất, địa mạo, địa tầng của tự nhiên. Chính vì thế, họ rất thích đến khu vực này để thăm quan, tìm hiểu, khám phá. Trong tương lai, khu vực này sẽ là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng.
Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén được thành lập tháng 1/2018 trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu Bảo tồn; trải dài trên địa phận các xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Tổng diện tích tự nhiên của Khu Bảo tồn là 10.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha rừng tự nhiên. Khu rừng này trước đây từng được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) xác lập là Khu dự trữ thiên nhiên năm 1986. Ngày 11/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định chính thức thành lập Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu Bảo tồn.
Phia Oắc - Phia Đén là tên hai đỉnh núi cao nhất trong khu vườn quốc gia. Đỉnh Phia Oắc có độ cao 1.931 m, được ví như "nóc nhà” phía Tây của tỉnh. Rừng ở đây thuộc kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới; có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam... Hiện nay, Vườn có 496 loài động vật có xương sống, ngoài ra còn hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng... Trong số các loài động vật có tên trong danh mục, đã xác định được 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp; 3 loài ếch nhái, trong đó 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, những nguồn gen động vật này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao.
Đỉnh Phia Oắc với cung đường uốn lượn giữa rừng già, với nắng, gió và mây che phủ, hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm thú vị với những du khách muốn chinh phục và khám phá. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Về cảnh quan thiên nhiên, Phia Oắc - Phia Đén tựa như một chốn "bồng lai tiên cảnh”. Những ngày trời trong, nắng đẹp, đứng trên đỉnh núi Phia Oắc, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, quan sát quang cảnh núi non trùng điệp hùng vỹ. Với đặc điểm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình thấp, độ ẩm cao, Phia Oắc - Phia Đén là thiên đường cho các loài hoa. Những loài hoa bình thường khi trồng ở Phia Đén sẽ cho chất lượng khác hẳn trồng ở nơi khác bởi bông hoa to mập, màu sắc rực rỡ, hương bay ngào ngạt. Ngoài ra, Phia Oắc - Phia Đén còn có rất nhiều loài hoa mọc tự nhiên trong rừng mang vẻ đẹp hoang dã, mê hoặc, đặc biệt là hoa đỗ quyên, lan rừng nở rực rỡ vào mùa Xuân. Mùa Đông, vào những ngày giá lạnh, du khách sẽ được thưởng ngoạn một phong cảnh diễm lệ như ở châu Âu khi đỉnh Phia Oắc phủ kín một màu trắng của băng tuyết.
Phát hiện những tiềm năng to lớn của Phia Oắc - Phia Đén, anh Hoàng Mạnh Ngọc, một người con của quê hương Nguyên Bình đã đầu tư xây dựng đồn điền chuyên trồng, chế biến chè chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; trồng hoa, rau sạch, dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Ngọc tâm sự: "Nói Phia Oắc - Phia Đén là một kho báu khổng lồ quả không sai chút nào. Nơi này ngoài địa chất địa mạo, khoáng sản, du lịch, một điều hết sức đặc biệt nữa thu hút tôi đó là khí hậu mát mẻ rất phù hợp với phát triển nông nghiệp, dược liệu. Bản thân ngọn núi Phia Oắc này trước đây là một kho tàng khổng lồ về thuốc quý của Việt Nam với những loài đặc biệt quý hiếm như lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, sâm núi... chỉ tiếc là do không biết cách khai thác và bảo quản nên đang dần cạn kiệt. Tôi đang ấp ủ ước mơ khôi phục lại những loài dược liệu quý hiếm ở nơi này, chế biến và đưa ra thị trường. Hiện nay, tôi đang lên kế hoạch để di thực sâm Ngọc Linh, đông trùng hạ thảo về nuôi trồng trên Phia Đén.
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, tỉnh có chủ trương thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Phia Oắc, Phia Đén. Doanh nghiệp, tập đoàn nào đáp ứng đủ các tiêu chí bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tốt nhất sẽ được tỉnh cấp phép hoạt động. Cùng với Khu Du lịch thác Bản Giốc, Khu Di tích đặc biệt quốc gia Pác Bó, trong tương lai Phia Oắc - Phia Đén sẽ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Theo TTXVN
Thừa Thiên - Huế có 127 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Thuận An, Cảnh Dương, Tư Hiền, Lăng Cô..., có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển. Trong đó, vịnh Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (cùng với vịnh Hạ Long và Nha Trang).
(HBĐT) - Khu du lịch Bà Nà, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tọa lạc trên đỉnh Núi Chúa (thuộc dãy núi Trường Sơn), có độ cao 1.487 m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam. Bà Nà được ví như chốn "bồng lai tiên cảnh” bởi không gian núi xanh và mây trắng hòa quyện trong sương mù mờ ảo, khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh nên thơ, trữ tình. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bà Nà hills trở thành một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến Đà Nẵng.
Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985; Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào đợt 1 (tháng 8/2009).
Hội An được xem như một "bảo tàng sống - bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”, đã trở thành nguồn tài nguyên, nguồn động lực quan trọng, có tính quyết định, đưa kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố phát triển vượt bậc.
(HBĐT) - Quy Nhơn, Bình Định... miền đất của thi ca, nhạc họa, là nơi nuôi dưỡng mạch ngầm cảm hứng cho bao nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Có dịp đến thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định), lại được đi trên con phố mang tên Xuân Diệu bỗng thấy bao điều thân thương tràn về. Anh Nguyễn Thế (Hà Nội), một người rất mê thơ Xuân Diệu trầm ngâm: "Trước khi đến nơi đây đã biết Bình Định là quê ngoại của thi sĩ họ Ngô. Nhưng đến rồi mà như vẫn chưa tin”. Rồi anh ngân nga những câu thơ quen thuộc bằng chất giọng xứ Nghệ: Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/ Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát/ Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm (Cha ở đàng ngoài, mẹ ở đàng trong)...
Nằm tại cửa ngõ đến miền Tây Bắc Tổ quốc, Tú Lệ, cái tên làm chúng ta gợi nhớ đến hình ảnh của những cô gái đẹp "thanh tú và mỹ lệ”, được biết đến là điểm đến du lịch vừa đậm đà bản sắc văn hóa, vừa rực rỡ sắc màu tự nhiên. Nếu ai đã từng một lần ghé thăm, chắc chắn sẽ quyến luyến chẳng muốn về.
Trong 3 ngày nghỉ lễ từ 31/8-2/9/2019, Thủ đô Hà Nội đón hơn 270.000 lượt khách, tăng gần 8,6% so với cùng kỳ, trong đó: khách du lịch quốc tế đạt 37.108 lượt khách, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2018. Tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội đạt 328 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.