Bài 1 - Hồ Hòa Bình sơn thủy hữu tình

(HBĐT) -  Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình. Đây là đòn bẩy quan trọng tạo sức bật cho những vùng đất khó ven hồ Hòa Bình vươn lên phát triển KT-XH. Sau giấc ngủ dài, giờ đây, bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); xóm Ké - xã Hiền Lương, khu du lich cộng đồng Đá Bia - xã Tiền Phong, xóm Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc) trở thành những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 

Một góc hồ Hòa Bình nhìn từ bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc). 

 Xưa kia, sông Đà nổi tiếng bởi sự hung dữ của ghềnh, thác, của đá dựng thành vách, của những cái hút nước khủng khiếp có thể cuốn trôi tất cả mọi thứ. Thế nhưng, sự đoàn kết cùng với sức mạnh của con người đã chinh phục được con sông hung dữ từ việc đắp đập, ngăn sông để xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sông Đà hung dữ nay đã trở thành hồ nhân tạo lớn, hiền hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Vùng đất giàu tiềm năng

Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3, trải rộng trên địa bàn các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Nơi đây có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi diện tích khoảng 116 ha, 36 đảo núi đất diện tích 157,5 ha. Không chỉ có vậy, trên hồ Hòa Bình còn có hệ thống hang động karst nguyên sơ, huyền bí với những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng như động Thác Bờ, động Hoa Tiên. Suốt bốn mùa nước hồ trong xanh. Hai bên bờ là những cánh rừng bạt ngàn với hệ thực vật phong phú.

Ven hồ Hòa Bình là nơi cư trú của những xóm, bản người Mường, Thái, Dao. Tại đây, bản sắc văn hóa của các dân tộc được bảo tồn. Theo thời gian, những người nông dân sống bằng nghề bắt cá, làm nương luôn có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Người dân làm nhà luôn hướng ra sông để đón ánh nắng ban mai trên hồ. Phong tục tập quán cổ xưa được thể hiện qua làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình tấu chiêng Mường đặc sắc. Ngoài ra, ẩm thực của người dân vùng hồ phong phú, đa dạng, độc đáo; nghề dệt vải được các mế giữ gìn truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cảnh quan thiên nhiên hòa quyện cùng bản sắc văn hóa của người dân nơi sông nước, núi rừng đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, núi đồi thơ mộng làm xao xuyến bất cứ du khách nào ghé qua.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Sau 15 năm xây dựng, năm 1994, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình được khánh thành. Tưởng rằng, khi công trình thủy điện hoàn thành sẽ làm đổi thay cuộc sống của người dân vùng hồ, thế nhưng, đời sống người dân ven hồ Hòa Bình vẫn còn vô vàn khó khăn. Cái ăn, cái mặc luôn khiến người dân nơi đây phải trăn trở. Các xã ven hồ như: Suối Hoa, Thung Nai, Hiền Lương, Tiền Phong... chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá trên sông Đà. Cuộc sống của người dân mang tính tự cung tự cấp, trồng được cây gì, con gì thì sử dụng, ít có sự giao thương. Giao thông đi lại rất khó khăn, người dân di chuyển chủ yếu bằng thuyền tôm. Hàng hóa, nhu yếu phẩm được cung cấp từ những chuyến tàu chợ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của các xã như Suối Hoa, Tiền Phong nằm trong "top” thấp nhất của tỉnh, chỉ khoảng 14 - 16  triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.

 Ông Xa Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong chia sẻ: Xóm Đức Phong hiện nay được nhập từ xóm Đá Bia và xóm Oi Nọi. Xóm Đá Bia cũ là một trong những xóm nghèo nhất tỉnh với trên 90% dân số là người Mường Ao Tá. Trước năm 1970, xóm nằm dưới lòng hồ sông Đà. Sau khi làm thủy điện, các hộ dân di cư vào nam sinh sống, chỉ còn lại hơn 10 hộ bám trụ trên vùng hồ. Cuộc sống của người dân ở lại gặp vô vàn khó khăn, chỉ biết đánh bắt thủy sản làm nguồn thức ăn chính. Nhiều học sinh phải bỏ học để phụ giúp bố mẹ lên rừng kiếm củi, lấy măng... Ở đây, người dân sợ nhất ốm đau vì đường đến viện xa và gập gềnh. Trước những khó khăn đó, Nhà nước đã đầu tư cho làm đường từ xóm Oi Nọi vào Đá Bia. Có đường, con tôm, con cá, củ sắn, bắp ngô bán được thuận lợi người dân mới bắt đầu có sự giao thương với bên ngoài. Một số hộ chuyển đi nơi khác quay về sinh sống.

Hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi” nhưng những vùng đất ven hồ lại không sầm uất, nhộn nhịp mà như những ốc đảo bị lãng quên, rất ít người biết đến. Trải qua nhiều thập kỷ, bản Ngòi vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống người dân nơi đây tách biệt, cô lập như bị "lãng quên” ở vùng hồ sông Đà hùng vĩ.

Đồng chí Bùi Thị Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Từ năm 2014, Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) hỗ trợ 4 hộ dân ở xóm Ké (xã Hiền Lương) và xóm Đức Phong (xã Tiền Phong) kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng như chăn, ga, gối, đệm…; đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân. Tuy nhiên, tại các điểm du lịch số lượng khách đến thăm quan, khám phá còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. 

 Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2015, tổng khách du lịch tới thăm quan, khám phá hồ Hòa Bình là 410.000 lượt người, trong đó, khách quốc tế 19.000 lượt người, khách nội địa 391.000 lượt người. Số lượng khách du lịch tới hồ Hòa Bình chủ yếu tới chiêm bái đền Bờ.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trước năm 2016, để hỗ trợ người dân vùng hồ phát triển kinh tế nâng cao đời sống, tỉnh đã tổ chức khảo sát tiềm năng của các xã ven hồ để xây dựng đề án phát triển du lịch. Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tôn tạo các di tích trên hồ Hòa Bình như đền Bờ thuộc địa phận huyện Cao Phong và huyện Đà Bắc; động Hoa Tiên, huyện Tân Lạc. Một số dự án phát triển du lịch cộng đồng được đầu tư, tuy nhiên, các dự án còn mang tính chất manh mún, hiệu quả chưa cao.

(Còn nữa)


Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục