(HBĐT) - Giai đoạn 2014 - 2016, khách du lịch nội địa đến bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) rất đông, hiệu quả kinh tế từ làm du lịch cộng đồng có thể thấy rõ ngay trước mắt. Trong khi đó, chỉ cần sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm ít đồ dùng là có thể làm du lịch, thu về lợi nhuận. Vậy nên đây chính là giai đoạn du lịch bản Lác phát triển "nóng” nhất với việc nhà nhà làm du lịch cộng đồng (DLCĐ). Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái trong bản được sửa sang lại, cơi nới rộng thêm, bậc cầu thang gỗ được thay bằng cầu thang bê tông.
Bài 2 - Chọn phát triển nóng hay giữ bản sắc?






Một góc bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đã bị bê tông hóa.


Còn đâu không gian văn hóa Thái?
Những khung cửi dệt thổ cẩm dưới gậm sàn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Thái đành tháo dỡ, xếp gọn vào trong kho để lấy chỗ treo bán khăn quàng cổ "Made in China”. Con đường nội bản xưa vốn yên bình, du khách rất thích đi bộ thong dong ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân mua cơm lam, rau sắng, bó đũa tre, chiếc mõ trâu… do các ông, các bà bán ven đường nay mịt mù khói từ bếp nướng. Vẫn con đường ấy giờ người ta không còn thả bộ ngắm cảnh mà chỉ vút qua trên những chiếc xe điện, xe đạp đôi…

          Càng ngày gỗ làm nhà càng trở nên quý hiếm, giá thành cao, việc làm nhà sàn bằng gỗ đắt gấp đôi, gấp ba so với làm nhà xây bê tông. Thế là giữa bản Thái yên bình với những ngôi nhà gỗ, đã có những nhà nghỉ được xây bằng gạch, xi măng, bê tông, sơn màu nổi bật mọc lên. Những nhà nghỉ hiện đại đó tạo nên một cảm giác rất khó diễn tả đối với du khách khi đến bản Lác. Đó là sự bất ngờ, là câu hỏi vì sao, là sự luyến tiếc và cả một chút buồn cho không gian tổng thể của bản du lịch xinh đẹp này!

          Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH - TT huyện Mai Châu ngậm ngùi: Thực sự là không gian văn hóa nhà sàn người Thái ở bản Lác giờ đây không còn nữa. Quy hoạch vẫn là điểm yếu mấu chốt và lớn nhất hiện nay ở bản Lác, các hộ đang làm du lịch theo kiểu "mạnh ai nấy làm”. Để đáp ứng lượng khách đến bản đông, các hộ đã xây dựng, sửa sang, cơi nới, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ như cafe, spa…, khiến cho không gian văn hóa nhà sàn của người Thái bị phá vỡ.

          Đúng như chia sẻ của đồng chí Trưởng phòng VH - TT huyện, bản Lác hôm nay khiến cho du khách có cảm giác chật chội, ngột ngạt, thậm chí là lộn xộn. Bên này là khu vực ngồi ăn uống của du khách, nhưng bên cạnh đó nhà kế bên lại đang giặt giũ, mổ cá, làm gà…

Nhớ bản Lác xưa…

Tháng 10 lên Mai Châu vào mùa lúa chín, bao quanh bản là những cánh đồng lúa chín vàng. Rời bãi đỗ xe, du khách háo hức vào thăm bản, khám phá, trải nghiệm không gian yên bình, nhưng sự hứng khởi như bị dội ngay gáo nước lạnh bởi tiếng nhạc trẻ xập xình, chát chúa phát ra từ ngay ngôi nhà nghỉ đón khách đầu bản.

Anh Tống Hoàng Hải, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Vietravel cho biết: Vấn đề tiếng ồn chính là điều khiến du khách quốc tế mất dần thiện cảm đối với du lịch bản Lác. Người nước ngoài có thói quen sau khi dùng bữa tối sẽ ngồi uống nước, trò chuyện, đọc sách rồi đi nghỉ; lên bản Lác cũng chỉ thích xem chương trình ca nhạc của người dân địa phương khoảng 30 - 45 phút rồi đi nghỉ. Nhưng những năm gần đây, khách nội địa đến bản Lác rất đông, nhất là những ngày cuối tuần. Trong bữa ăn tối thường giao lưu uống bia rượu, hát hò, thậm chí là mở nhạc trẻ, nhạc sôi động đến khuya. Các nhà nghỉ lại nằm sát cạnh nhau, không gian mở nên tiếng ồn vọng ra xung quanh, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của du khách những nhà bên cạnh.

Do đó, khoảng 2 năm trở lại đây, dù lượng khách quốc tế đến Mai Châu tăng trưởng mạnh, nhưng lượng khách có nhu cầu lưu trú qua đêm, sử dụng các dịch vụ của bản Lác không những không tăng mà lại giảm. Năm 2018, bản Lác đón hơn 3.400 lượt khách quốc tế, năm 2019 chỉ đón hơn 3.300 lượt khách. Khách có xu hướng thích lưu trú ở những bản DLCĐ mới như bản Pom Coọng, bản Văn, bản Bước, bản Cha Lang, hoặc các resort ở Ba Khan, homestay ở Hang Kia - Pà Cò… Và bản Lác chỉ còn là một điểm thăm quan chớp nhoáng trên hành trình khám phá, du lịch Mai Châu của du khách. 

Nằm ở trung tâm của thung lũng Mai Châu, giao thông thuận tiện, người dân đã có kinh nghiệm, kỹ năng làm DLCĐ và đặc biệt bản Lác đã có "thương hiệu” trên bản đồ du lịch Mai Châu nói riêng, Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên, thực tế là việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng khiến bản Lác đang mất dần sự hoang sơ, sức hút. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trưởng phòng VH - TT huyện Mai Châu cho biết: Tiềm năng, sức hút về du lịch của bản Lác đã được thời gian minh chứng. Nhưng để bản Lác có thể tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, giữ chân du khách thì đúng là có rất nhiều việc cần làm. Tháng 8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-UBND công nhận Mai Châu là khu du lịch cấp tỉnh. Sắp tới, Phòng VH - TT huyện sẽ tham mưu UBND huyện thành lập Ban quản lý khu du lịch Mai Châu. Sau khi có Ban quản lý sẽ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động các điểm du lịch trong khu, trọng tâm là bản Lác. Ban quản lý sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, cũng như phối hợp với chính quyền các địa phương có điểm DLCĐ để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả vấn đề quy hoạch tại các điểm du lịch như bản Lác. Kịp thời có sự điều chỉnh những hoạt động không phù hợp trong bản DLCĐ. Qua đó, giúp các bản DLCĐ phát triển đúng hướng, thu về lợi nhuận kinh tế cho người dân nhưng vẫn giữ được bản sắc, không gian, giữ được sức hút. 


Dương Liễu

Các tin khác


Xã Quý Hòa: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều thắng cảnh đẹp như: hang đá, đồi chè, suối nước nóng…, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) từng bước biến những lợi thế, tiềm năng thành động lực phát triển, hứa hẹn trong tương lai là điểm du lịch lý tưởng tại huyện Lạc Sơn.

Du lịch chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu sau đại dịch Covid-19

Việc chuyển đổi số trong ngành du lịch đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới hiện nay, nhất là trong đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, xu hướng này không mới nhưng chưa thực sự diễn ra trên diện rộng để làm mới và vực dậy ngành "công nghiệp không khói” trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Singapore mở cửa cho du khách Việt Nam và Australia từ ngày 8/10

Singapore đánh giá nguy cơ ca nhiễm "nhập khẩu” từ Việt Nam và Australia là thấp, đồng thời lưu ý rằng trong 28 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Vực dậy ngành du lịch Việt Nam trong mùa cuối năm 2020

Ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm "vực dậy” ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.

Xây dựng thương hiệu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn, cùng các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, gắn liền với điểm thăm quan công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Những năm gần đây, tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch vùng hồ được tỉnh chú trọng đưa vào khai thác. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng hồ.

Tuổi trẻ Hòa Bình: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tuổi trẻ Hòa Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục