Cụm tháp cổ được xây dựng theo kiểu Chăm độc đáo tọa lạc ở tầng trên cùng của Tháp Bà Ponagar.
Theo truyền thuyết, nữ thần Ponagar được tạo ra bởi áng mây trời và bọt biển. Mẹ Ponagar tạo dựng sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh. Vì thế, Ponagar không bao giờ vắng bóng người Chăm. Họ đến để cúng tế, hát nhạc và dâng lên vị thần của mình những gì tinh tuý nhất.
Trong khuôn viên rộng gần 50.000 m2, tổng thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar gồm 3 cấp. Cấp thấp nhất nằm ngang bằng mặt đất là ngôi tháp cổng, ngày nay chỉ còn lại những tàn tích nhỏ như các chân cột trụ, các bậc đá bị đất màu che nửa kín nửa hở. Đi qua những tàn tích mờ nhạt này sẽ đến cấp thứ 2 là Mandapa (tức nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20 m, rộng 15 m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (10 cột lớn, 12 cột nhỏ).
Cấp trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Có lẽ, ấn tượng nhất đối với tôi là tháp Ponagar - tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 m. Với 4 tầng được xây dựng vô cùng độc đáo, tỉ mỉ. Tháp Poganar tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần cao 2,6 m tạc bằng đá hoa cương màu đen, gỗ trầm hương và vàng. Tượng nữ thần ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi… Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.
Quần thể kiến trúc khu di tích được xây dựng bằng gạch nung ở nhiệt độ cao, xốp, nhẹ, thoát nước nhanh nên hầu như không có rêu bám. Đây là nét độc đáo của kỹ thuật nung gạch và xây dựng tháp Chăm. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Vừa nghe truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar qua lời kể của hướng dẫn viên, chúng tôi vừa bị cuốn hút bởi những điệu múa Chăm trong tiếng trống Ghi năng trầm ấm, hòa cùng tiếng kèn saranai réo rắt như gợi lại tinh hoa của nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ một thời. Những bài múa nổi tiếng của dân tộc Chăm như Apsara, bến nước tình yêu, tình láng giềng... do các vũ nữ Chăm thể hiện khiến du khách viếng thăm nơi đây say đắm. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn nhất những nét đặc sắc trong văn hóa của người Chăm, hãy đến với Nha Trang vào ngày lễ Vía Bà (từ ngày 20 - 23/3 âm lịch). Những ngày này, khu di tích đón hàng vạn du khách tới hành hương. Bởi lễ hội Tháp Bà Ponagar được xem là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết và tục thờ nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu Ana - bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt, Chăm ở các tỉnh miền Trung. Trong những ngày lễ, xen kẽ giữa lễ chính là các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng dân gian như: Đọc kinh cầu an của nhà sư, biểu diễn hát bộ, trình diễn múa lân, múa bóng, hát văn ca ngợi công đức Thánh Mẫu, các trò chơi dân gian… với sự tham gia của hàng nghìn tín đồ người Chăm, người Việt ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, người dân địa phương và đông đảo du khách.
Để bảo tồn, phát huy giá trị cũng như giới thiệu rộng rãi những nét văn hoá độc đáo của người Chăm đến với du khách, Ban Quản lý khu di tích Tháp Bà Ponagar đã tổ chức đưa một số vũ công, nhạc công, nghệ nhân của dân tộc Chăm đến đây hàng ngày biểu diễn dệt thổ cẩm, các vũ điệu Chăm… Với vẻ đẹp cổ kính, huyền ảo và những điệu múa, tiếng nhạc đặc trưng, cuốn hút của nền văn hóa Chăm, Tháp Bà Ponagar thu hút đông đảo du khách tới viếng thăm mỗi ngày.
Thu Hằng