(HBĐT) - Đến với vùng hồ Đà Bắc, du khách trong nước, quốc tế không chỉ được thỏa mãn đam mê khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, mà còn có những trải nghiệm thú vị khi thâm nhập thực tế cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cùng người dân bản xứ.
Du khách tìm hiểu cuộc sống mưu sinh của người dân vùng hồ Đà Bắc.
Vào tháng 9, tháng 10, những cánh đồng lúa trên các bản làng vùng cao huyện Đà Bắc chín vàng. Đó cũng là thời điểm du khách có thể ghé thăm, ghi lại những thước phim đầy sức sống ngày mùa. Nếu muốn trải nghiệm công việc của một nhà nông thực thụ có thể ra ruộng cùng bà con, xắn quần, dùng liềm gặt lúa. Trong chuyến thăm quan, khám phá du lịch cộng đồng tại Đá Bia, xã Tiền Phong, chị Lê Thu Huyền và nhóm bạn đến từ Hà Nội đã có dịp trải nghiệm 1 ngày làm nông dân như thế. Chị Huyền chia sẻ: Chúng mình rất hào hứng, rất vui khi lần đầu thu hoạch lúa. Các cô, các chị nông dân nhiệt tình hướng dẫn để bọn mình biết cách dùng liềm cắt, rồi dùng chính thân lúa để bó thành từng bó nhỏ phơi ngay tại ruộng khi trời nắng, hoặc lúc mưa dễ dàng xếp lên xe, chở về nhà.
Trong số các hoạt động trải nghiệm diễn ra gần như quanh năm, du khách ưa thích hoạt động đánh bắt cá, tìm hiểu về nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ Hòa Bình. Tại các bản làng du lịch cộng đồng, du khách được thăm quan cá lồng, nghe những câu chuyện kể, cho cá ăn hoặc kéo lưới bắt cá, mua cá về làm quà cho người thân, giúp có thêm những trải nghiệm chân thực về cuộc sống của người dân. Trong đó, mô hình nuôi cá lồng của anh Bùi Văn Ánh, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong là một trong những điểm thăm quan được nhiều du khách lựa chọn. Khu nuôi cá được tạo lối đi bằng bè mảng, trồng thêm các loại rau màu, hoa cỏ, tạo sắc xanh và cảm giác thân thiện nên khá tiện lợi cho việc thăm quan. Một số khách nước ngoài thích trải nghiệm cùng người dân kéo vó đánh bắt cá về đêm, đổ rọ tôm, đánh bắt tôm vào lúc sáng sớm. Tham gia hoạt động này, du khách thỏa sự tò mò về công việc, những nỗ lực mưu sinh để cải thiện sinh kế của người dân vạn chài trên vùng sông nước.
Gần đây, bản du lịch cộng đồng của người Dao thuộc xóm Sưng, xã Cao Sơn thu hút nhiều du khách quốc tế thăm quan, lưu trú. Điều này có sự góp phần của các hoạt động trải nghiệm được các homestay chú trọng đưa vào. Trên cung đường khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, con người, du khách được hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân thông qua hoạt động thu hái chè Shan tuyết trên núi Biều, cùng bà con thu hoạch sắn và các nông sản khác theo mùa.
Du lịch cộng đồng Đà Bắc hiện có thêm một số hoạt động trải nghiệm, trong đó, hoạt động sinh kế giúp mang lại những cảm nhận vừa mới mẻ, vừa gần gũi về cuộc sống, con người. Với nhu cầu ngày càng đông du khách muốn được tham gia trải nghiệm, Công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc đã đưa ra một số gợi ý để du khách có thể chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi. Cụ thể, hoạt động gặt lúa thường vào tháng 5 - 6 tại xóm Sưng, tháng 9 - 10 tại xóm Sưng, Đức Phong; thu hái, chế biến chè từ tháng 2 - 10 hàng năm tại xóm Sưng; thu hoạch sắn vào tháng 11 - 12 tại xóm Sưng; thu hoạch măng rừng quanh năm tại xóm Đức Phong, Ké; hoạt động ngư nghiệp (lồng cá, kéo vó, rọ tôm...) quanh năm tại xóm Đức Phong, Mó Hém, Ké...
Bùi Minh
(HBĐT) - Còn gì thú vị hơn trên hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch hồ Hòa Bình, du khách được đón tiếp hết sức thịnh tình, được gia chủ chuẩn bị bữa cơm tối ấm cúng và thưởng thức chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa các dân tộc trong hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
(HBĐT) - Những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao. Qua đó đã thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình lập dự án đầu tư phát triển du lịch.
(HBĐT) - Năm 2019, ngành Du lịch đón hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ trên 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 7/10 quốc gia tăng trưởng về du lịch cao nhất; năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong danh sách xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (63/140 nền kinh tế)… Vì thế, năm 2019 được coi là một năm rất thành công của ngành Du lịch Việt Nam. Để có được những thành quả ấn tượng đó, phải kể đến sự góp sức quan trọng của các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên khắp đất nước.
(HBĐT) - Nếu không có du lịch cộng đồng (DLCĐ), chắc hẳn không mấy ai biết tới các bản làng Mường ở xã Tiền Phong (Đà Bắc) xa xôi và nhiều gian khó. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường vùng hồ rất có thể sẽ bị lãng quên. Từ năm 2015 trở lại đây, với sự hỗ trợ của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP), các bản làng nơi đây có bước chuyển mình, hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong hành trình khám phá du lịch vùng hồ Hòa Bình, nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã dành trọn tình cảm yêu mến đối với con người và vùng đất này.
Hàng loạt ưu đãi khủng được ngành du lịch 3 tỉnh miền Trung dành cho du khách tham quan khám phá những tháng cuối năm vừa chính thức công bố với nhiều gói dịch vụ hấp dẫn.