Doanh nghiệp nỗ lực vực dậy kinh doanh cuối năm, đặc biệt là ngành du lịch. Nhiều cách làm, đề xuất được đưa ra để thúc đẩy kinh doanh và giữ an toàn trong dịch.
Khách đeo khẩu trang khi đến mua sắm tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM chiều 5-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khách lo mất một phần tiền đặt cọc, doanh nghiệp hạn chế quy mô tour, không dám nhận đặt nhiều vé... Dịch COVID-19 quay lại khiến kinh doanh tour tết hồi hộp hơn bao giờ hết.
Hi vọng khách trở lại mua tour
Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn TP.HCM, khi có ca dương tính trong cộng đồng thì có hiện tượng khách hủy tour, nhưng cuối tuần qua tình hình bắt đầu dịu lại. Một số khách là tour đoàn có lịch khởi hành vào dịp Tết dương lịch liên hệ hỏi về tình hình và cho biết đang chờ thêm diễn biến khống chế dịch, nếu vẫn có ca nhiễm mới thì hủy tour.
Dù không diễn ra đồng loạt, thiệt hại vì hủy tour chưa nhiều nhưng tâm lý khách hàng khá lo lắng, các kế hoạch đặt tour đều tạm dừng lại khiến thị trường du lịch tết chững mạnh. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vietravel Holdings, TP.HCM là thị trường cung cấp nguồn khách cho các địa phương nên ngay khi có thông tin ca dương tính trong cộng đồng, doanh nghiệp du lịch ở đây chịu thiệt hại nhiều nhất do nhiều đơn vị, tour đoàn hủy.
Tại doanh nghiệp này, trước thời điểm TP.HCM phát hiện ca dương tính trong cộng đồng, có khoảng 36.000 khách mua tour trong tháng 12 và Tết dương lịch 2021 nhưng tình hình đang không tốt.
"Mặc dù TP đã truy vết và hạn chế lây lan, nhưng cũng gây tác động khá nghiêm trọng đến doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vốn đã rệu rã sau 2 đợt dịch trước", ông Kỳ nói.
Đại diện Công ty du lịch TST cho biết dù khách hủy tour không nhiều nhưng sức mua giảm sút thấy rõ. "Tâm lý khách hàng không còn háo hức nữa mà dè chừng. Với tình hình khống chế dịch khả quan, chúng tôi hi vọng khách bắt đầu đặt tour trở lại từ sau ngày 15-12", đại diện TST cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với khó khăn mới do phần lớn việc hủy, hoãn tour lúc này rơi vào nhóm tour đoàn. Các doanh nghiệp, đoàn thể lo ngại việc tổ chức những đoàn tour đông người sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch, riêng khách gia đình, nhóm nhỏ vẫn giữ lịch khởi hành bình thường.
Trước khi TP.HCM có ca lây trong cộng đồng, thị trường tour tết đã sớm khởi động. Tỉ lệ khách đăng ký tour Tết âm lịch vào khoảng 20-30% kế hoạch bán hàng ở nhiều đơn vị, trong khi tour dịp Giáng sinh và Tết dương lịch gần như đã chốt sổ.
Đi du lịch tự lái theo nhóm gia đình
Theo bà Trần Thị Bảo Thu - giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Fiditour - Vietlux, tâm lý bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến hành vi tiêu dùng của du khách trong mùa tết thay đổi khá nhiều, khách đặc biệt nhạy cảm về giá.
Năm nay sản phẩm du lịch nội địa là thị trường chính nên lượng cầu có thể tăng và tập trung vào một số tuyến, điểm "nóng", có lịch sử y tế an toàn (đến thời điểm này) như Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu... khiến các công ty lữ hành phải nghiên cứu kỹ để lên kế hoạch, cân bằng hợp lý khả năng cung - cầu rất khó dự đoán dịp tết năm nay.
Xu hướng du lịch với hình thức đi xe tự lái theo nhóm gia đình, bạn bè được dự đoán sẽ lên ngôi dịp tết năm nay. Để thích ứng, ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc Công ty du lịch TST, cho biết đơn vị sẽ tập trung vào dòng tour caravan (du lịch bằng ôtô) đi các tỉnh miền Tây. Doanh nghiệp cũng ấp ủ một hành trình tour xuyên Việt, tận dụng khoảng thời gian nghỉ tết 7 ngày.
"Nhiều gia đình trung lưu ở TP có ôtô. Chúng tôi nhắm đến dòng khách hàng này, tăng các tour trải nghiệm, khám phá với chất lượng cao hơn", ông Duy nói.
Ông Trần Thanh Vũ, tổng giám đốc Vinagroup Travel, cho biết 80% khách hàng của doanh nghiệp là đi nước ngoài các năm trước, năm nay họ chuyển về du lịch nội địa, đòi hỏi chất lượng cao hơn, đó là điều các doanh nghiệp khai thác thị trường tết phải chú ý.
"Chúng tôi tập trung tiếp cận nhóm khách hàng có nhu cầu đi du lịch bằng máy bay như đi Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Nẵng... với cam kết chất lượng dịch vụ tương đương quốc tế" - ông Vũ nói, nhưng cho hay hiện vẫn rất hồi hộp.
Trước tình hình dịch bệnh, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ hạn chế các chương trình khuyến mãi nhưng nâng cao chất lượng dịch vụ của du khách - Ảnh: XUÂN THÀNH
An toàn cho 3 bên
Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, để du khách có quyết định mạnh mẽ đi du lịch cuối năm cần tính đến yếu tố an toàn, gồm an toàn cho du khách, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó du khách có cảm thấy an toàn, gồm cả an toàn về sức khỏe lẫn an toàn về tài chính, đảm bảo được giải quyết tốt chuyện hủy tour, hủy dịch vụ... trong trường hợp dịch bùng phát và các quyền lợi khác thì mới khuyến khích khách lên đường.
"Chúng tôi đề xuất cơ chế du lịch an toàn, có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, từ trung ương đến các địa phương để xây dựng cơ chế này về mọi mặt, kể cả pháp lý, phải có những kịch bản ứng phó ngay khi dịch bệnh bùng phát hoặc tái phát dịch", ông Tài nói.
Chị Q.Hường (Q.12) cũng cho rằng cần cơ chế để tránh trường hợp hủy tour do dịch nhưng du khách lại phải chịu thiệt. Bởi năm ngoái gia đình chị đã đặt tour đi nước ngoài nhưng dịch bùng phát, tour không thể thực hiện được. Đóng hơn 60 triệu đồng nhưng công ty du lịch chỉ đồng ý trả cho gia đình chị 80% giá trị hợp đồng và mãi sau 3 tháng mới trả.
Rút kinh nghiệm, năm nay chị Hường không đặt tour quá sớm. Nếu đơn vị nào có chính sách cam kết bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt hơn, chị mới chuyển tiền đặt cọc.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh từ sự cố dịch lần này tiếp tục đặt ra vấn đề hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp lữ hành - hàng không cũng như các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
"Những ngày qua, các hãng hàng không vẫn phạt 100% các vé đã xuất của doanh nghiệp lữ hành với lý do chưa có lệnh giãn cách xã hội và cấm bay nên không được coi là dịch bệnh", ông Kỳ nói.
Với tình trạng hiện nay, không chỉ khách mà ngay doanh nghiệp cũng e dè. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết hiện dù nhận được booking của khách nhưng doanh nghiệp hạn chế quy mô tour. "Mỗi tour của chúng tôi đều không quá 20 khách. Ngay đặt cọc với hãng bay cũng chừng mực vì nếu ôm nhiều vé thì rủi ro càng lớn, dù thị trường dự báo vẫn có thể bùng nổ vào phút cuối", lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
Theo Báo Tuổi trẻ
(HBĐT) - Nếu không có du lịch cộng đồng (DLCĐ), chắc hẳn không mấy ai biết tới các bản làng Mường ở xã Tiền Phong (Đà Bắc) xa xôi và nhiều gian khó. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường vùng hồ rất có thể sẽ bị lãng quên. Từ năm 2015 trở lại đây, với sự hỗ trợ của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP), các bản làng nơi đây có bước chuyển mình, hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong hành trình khám phá du lịch vùng hồ Hòa Bình, nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã dành trọn tình cảm yêu mến đối với con người và vùng đất này.
Hàng loạt ưu đãi khủng được ngành du lịch 3 tỉnh miền Trung dành cho du khách tham quan khám phá những tháng cuối năm vừa chính thức công bố với nhiều gói dịch vụ hấp dẫn.
(HBĐT) - Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, huyện Lạc Sơn thuộc Cụm du lịch Mai Châu - Tân Lạc - Lạc Sơn - Cao Phong. Với tài nguyên sinh thái phong phú và nổi bật, nhiều sản phẩm đã định hướng đưa vào khai thác, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng được lựa chọn là điểm nhấn du lịch ở vùng đất cổ Mường Vang.
(HBĐT) - Kể từ quý III, hoạt động du lịch của tỉnh có những chuyển biến tích cực sau ảnh hưởng của diễn biến đại dịch Covid-19. Theo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, 10 tháng năm 2020, tổng lượt khách thăm quan, du lịch tại địa bàn tỉnh đạt 2.850.000 lượt, trong đó có 320.000 lượt khách quốc tế, 2.530.800 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 1.700 tỷ đồng.
(HBĐT) - Đã là lần thứ ba tôi đến với thành phố biển xinh đẹp Nha Trang (Khánh Hòa). Như một thói quen, việc đầu tiên tôi làm khi đặt chân đến nơi đây là ghé thăm Tháp Bà Ponagar - ngôi tháp cổ hơn 1.000 năm tuổi là nơi lưu giữ linh hồn Chăm Pa cổ xưa. Đây là khu di tích có giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời, với quần thể kiến trúc độc đáo thuộc nền văn hóa Chăm Pa, được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII.