Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trên địa bàn xã Bắc Phong (Cao Phong) thu hút nhiều du khách vì mang tới nhiều trải nghiệm bổ ích, thú vị.
Gia đình anh Nguyễn Tuấn Hải từ huyện Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đến Cao Phong để trải nghiệm lễ hội. Anh đặc biệt ấn tượng với các nghi thức, nghi lễ tái hiện một cách tôn nghiêm và độc đáo lễ xuống đồng của dân tộc Mường xã Dũng Phong trước kia, như lễ cúng, lễ rước Thành Hoàng, lễ rước nước từ giếng thần về hội. Vợ và con gái anh thì thích thú tham gia phần hội, trải nghiệm các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp… đều là các hoạt động giao lưu tạo sự gắn kết cộng đồng, mang đến cho du khách sự hấp dẫn, thú vị.
Ngoài lễ hội truyền thống, các điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện như: chùa Quèn Ang (xã Hợp Phong), đền Đông Sơn, đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong)… tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách thập phương.
Vài năm trở lại đây, huyện Cao Phong dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 khu di tích cấp quốc gia, 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong bức tranh phát triển du lịch của huyện xuất hiện những điểm nhấn về du lịch tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa phi vật thể với những giá trị đặc sắc của văn hóa Mường Thàng… Hàng năm, huyện thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm. Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, đặc biệt là việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 cùng với triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nên nhu cầu du lịch tăng mạnh. Tổng khách đến huyện trong năm đạt 290.000 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 130 tỷ đồng.
Xác định cần khai thác tốt lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch, BCH Đảng bộ huyện khóa XXVII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 22/11/2017 về phát triển du lịch huyện Cao Phong giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Sau khi nghị quyết được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai các hạng mục du lịch đảm bảo tiến độ, thuận lợi. Huyện chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; mở rộng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch…
Ghi nhận gần 5 năm thực hiện nghị quyết đến nay, diện mạo của huyện đã khởi sắc với điểm nhấn là các điểm du lịch nổi tiếng, như: Đền Đông Sơn, đền Bồng Lai trong quần thể núi Đầu Rồng; Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam thuộc địa bàn xã Bắc Phong; điểm du lịch đền Bờ thuộc xã Thung Nai… Cùng với đó, từ năm 2017 đến nay, một số hạng mục về xây dựng giao thông, điện lưới và các dự án du lịch tại các địa phương được xây dựng tương đối cơ bản, tạo thuận lợi cho du khách đến thăm quan. Đáng ghi nhận là công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ của huyện có nhiều khởi sắc. Bên cạnh sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, HTX kinh doanh du lịch như: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, HTX du lịch cộng đồng xóm Mỗ (xã Bình Thanh); HTX vận tải du lịch Thung Nai…, huyện đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát để thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn. Đó là những tín hiệu tích cực, hứa hẹn mở ra những cơ hội mới cho du lịch huyện Cao Phong cất cánh trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong trao đổi: Huyện có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đặc sắc thích hợp phát triển đa dạng loại hình du lịch. Xác định cần khai thác tốt các lợi thế, Đảng bộ, chính quyền huyện đã đề ra chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Trong lộ trình phát triển chung, huyện chú trọng cải thiện môi trường đầu tư du lịch tiềm năng, quyết tâm xây dựng Cao Phong trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn với các sản phẩm và loại hình du lịch đa dạng, đặc sắc, là điểm liên kết các vùng, tuyến du lịch của huyện, tỉnh và khu vực Tây Bắc.
Khánh An