(HBĐT) - Rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) được ví như "miền Tây giữa lòng phố Hội”. Khung cảnh sông nước êm đềm xen giữa rừng dừa xanh bát ngát, địa điểm này ngày càng thu hút nhiều du khách khi đến với Hội An.


Du khách trải nghiệm đi thuyền thúng khám phá "xứ dừa của phố Hội”.

Rừng dừa Bảy Mẫu cách trung tâm Hội An khoảng 3 km. Gọi là Bảy Mẫu vì thời xưa khu rừng dừa này chỉ có 7 mẫu, đến nay diện tích khu rừng hơn 200 mẫu nhưng người dân nơi đây đã quen với tên gọi thân thương này. Khu rừng dừa nằm cạnh 3 con sông nổi tiếng tại Hội An là sông Hoài, sông Thu Bồn và sông Đế Võng đổ về biển. Bởi vậy nơi đây có dòng nước lợ rất thích hợp cho sự phát triển của dừa nước nên rừng dừa càng ngày càng rộng lớn, xanh tốt.

Để khám phá hết vẻ đẹp của khu rừng, chúng tôi lựa chọn trải nghiệm bằng đi thuyền thúng trên sông. Sau khi di chuyển đến bến thuyền tại đường Bạch Đằng gần ngay chợ Hội An, chúng tôi đi thuyền dọc theo sông Hoài về hướng Cửa Đại. Giây phút đặt chân lên thuyền, cái oi nóng còn vương vấn từ thành phố đã tan biến trong bầu không khí trong lành với những hàng dừa rợp bóng xanh ngát, những tàu lá đung đưa cùng gió biển thổi vào mát lạnh.

Thăm rừng dừa bằng thuyền thúng bồng bềnh trên sông, cảm giác như đang được đến một tỉnh miền Tây nào đó. Chắc hẳn du khách không muốn bỏ lỡ một giây phút nào để có thể tận hưởng trọn vẹn những giá trị thiên nhiên đem lại. Bởi khi tới đây, các giác quan của con người sẽ được đánh thức. Đôi mắt để nhìn cảnh sông nước, cây cối yên bình, xinh đẹp. Đôi tai để lắng nghe tiếng cá vùng vẫy, tiếng ếch kêu râm ran. Mũi để ngửi mùi thơm của đồng nội. Khác với ở miền Tây, phương tiện di chuyển chính là ghe hoặc thuyền len lỏi vào các khu rừng ngập mặn thì ở rừng dừa Bảy Mẫu nổi bật với những chiếc thuyền thúng tròn. Chính điều này đã tạo nên sự thú vị, hấp dẫn du khách.

Điểm đặc biệt hơn cả khi thăm rừng dừa Bảy Mẫu là trải nghiệm màn lắc thuyền thúng vô cùng điệu nghệ của các tay chèo địa phương. Ông Phạm Lý, một tay chèo có tiếng ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An) cho biết: Những năm qua, việc chèo thuyền thúng không chỉ mang đến cho du khách cảm giác bồng bềnh len lỏi dưới tán dừa mát rượi, tận hưởng thú vui thôn dã mà còn được ngư dân ở đây biểu diễn như nghệ thuật. Với ông, người đã ngồi trên thúng từ khi biết ăn cơm nên việc xoay thuyền, cưỡi nước dễ như trở bàn tay. Chỉ cần vài động tác đạp chân, nhún nhảy là có thể mang đến cảm giác "bay lắc" cho người trên thuyền.

Chị Lê Huệ Vân, du khách đến từ Hòa Bình cho biết: Là người yêu thích các trò chơi cảm giác mạnh, khi đến rừng dừa tôi vô cùng háo hức chờ được trải nghiệm cảm giác ngồi trên thuyền cùng ngư dân lắc thúng. Chỉ trong chiếc thuyền nhỏ, ngư dân có thể dùng tay chèo khiến thuyền chòng chành, quay vòng liên tục mà không hề chóng mặt chút nào. Phải là người có kinh nghiệm lắm mới làm được như vậy. Vì thế nên phải chắc chắn sức khỏe của mình rất tốt mới nên thử và nhớ là phải vịn chắc vào thành thuyền nếu không muốn bị rơi xuống nước.

Đến rừng dừa Bảy Mẫu, ngư dân sẽ chèo thuyền đưa khách len lỏi khắp những lạch nước, hai bên là rừng dừa xanh ngắt trong khoảng một tiếng. Ngoài trải nghiệm cảm giác mạnh từ màn lắc thúng, du khách có thể ngồi thuyền ngắm cảnh, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân xứ Hội. Hoặc trực tiếp cùng người dân địa phương trải nghiệm quăng lưới để bắt tôm, cá hay ngồi trên thuyền thúng câu cá thư giãn...

Rừng dừa Bảy Mẫu Hội An mang đến cho du khách không gian thanh bình của một vùng quê mộc mạc, hàng dừa bao bọc những con người hiền hòa, chân chất. Điểm du lịch với những điều bình dị, thuần khiết sẽ là liều thuốc giúp du khách xóa tan mệt mỏi, lo lắng, tận hưởng không khí trong lành, giúp bản thân tự "chữa lành” một cách hiệu quả.

Thu Hằng


Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục