Tân Lạc là vùng đất tiềm năng, giàu truyền thống lịch sử. Trên địa bàn huyện sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ cùng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc Mường đặc sắc. Chính vì vậy nơi đây đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa.



Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Năm 2023 khép lại đánh dấu một năm thành công của ngành du lịch huyện Tân Lạc với những con số ấn tượng. Theo số liệu thống kê, tổng số khách du lịch đến huyện gần 221.600 lượt, trong đó khách quốc tế trên 6.930 lượt, khách nội địa trên 214.600 lượt. Tổng thu nhập từ du lịch đạt 157,2 tỷ đồng. Kết quả này tạo đà để du lịch huyện Tân Lạc tiếp tục bứt phá, vươn lên.

Phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2023, nhiều hoạt động xúc tiến du lịch của huyện được tổ chức, đa dạng hình thức quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường quy mô cấp tỉnh được tổ chức tại huyện; UBND huyện tổ chức thành công lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh, lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn... Lễ hội là dịp quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, những nét văn hoá tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm hàng hoá đặc trưng, đặc sản của địa phương, góp phần kích cầu tiêu dùng và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú phục vụ du khách. Ngoài ra, huyện cũng tham gia các hoạt động tiêu biểu của tỉnh như: Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ nhất, Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc; Liên hoan các làng du lịch cộng đồng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại huyện Mai Châu...

Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Phòng đã chủ động tham mưu xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch theo hình thức đổi mới và liên kết. Trong đó mời các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý, bàn giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và liên kết phát triển du lịch của huyện theo hướng bền vững. Cùng với đó, hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức với nhiều hình thức: thông qua các hội nghị, hội thảo về du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các lễ hội, nét đẹp văn hóa dân tộc, danh thắng, sản phẩm du lịch, tiềm năng du lịch để thu hút du khách.

Một trong những điểm du lịch thu hút du khách khi đến với vùng đất Tân Lạc không thể không nhắc đến xã Vân Sơn cũng như các xã vùng cao của huyện. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hùng vĩ, hệ sinh thái ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Nổi bật là những hang động kỳ bí như: động Nam Sơn, hang Núi Kiến, hay vẻ đẹp nên thơ của đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang, những đồi quýt cổ trĩu quả... cùng với cộng đồng dân cư còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống trong nếp sống, sinh hoạt. Nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh xây dựng các xã vùng cao huyện trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại xã Vân Sơn, xóm Hày Dưới được lựa chọn xây dựng điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Xóm có 109 hộ, 460 nhân khẩu, hiện còn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Mường vùng cao. Ông Hà Văn Quynh, Bí thư chi bộ xóm Hày Dưới chia sẻ: Nhờ phát triển du lịch bà con có việc làm, duy trì mức sống ổn định, có điều kiện hơn để con cái học tập.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gia đình anh Hà Văn Dộng, xóm Bương, xã Vân Sơn phát triển du lịch gắn với cây trồng chủ lực. Anh Dộng chia sẻ: Năm qua, thay vì bán lẻ tại các chợ, gia đình mở cửa đón du khách tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hái quýt miễn phí. Du khách có thể mua bằng hình thức tự hái với giá từ 35 - 40 nghìn đồng/kg. Lượng khách đến vườn quýt của gia đình ngày càng đông. Thời gian tới, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, gia đình có kế hoạch đầu tư, chỉnh trang lại vườn quýt theo hướng phát triển quýt sạch kết hợp du lịch trải nghiệm, khám phá.

Năm 2023, xã Vân Sơn đón hơn 10.000 lượt khách du lịch, doanh thu tăng hơn nhiều so với năm trước. Đồng chí Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với các sản phẩm du lịch đặc trưng, tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao gắn liền với các địa danh để khách du lịch vừa tham quan, trải nghiệm vừa thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống.

Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Tân Lạc dựa trên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, các di tích, danh thắng. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, quốc tế, từ đó mang lại hiệu quả trong phát triển KT-XH địa phương.


Quyên Anh

Các tin khác


Du xuân trên đất "chín Rồng"

Là một trong các vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nét đặc thù về hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa sông nước miệt vườn mang lại cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị, đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về.

Huyện Mai Châu: Đổi mới chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp

Nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Mai Châu thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn. Thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, từ đó tạo việc làm, giúp người dân chuyển đổi nghề phù hợp, nâng cao thu nhập và đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở xóm Chiến

Du lịch cộng đồng đã không còn là điều xa lạ đối với bà con vùng cao xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Du lịch không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có, mà còn giúp người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Hệ thống du lịch thông minh: Góp phần xây dựng ngành du lịch có chất lượng cao, bền vững

Hệ thống phần mềm ứng dụng du lịch thông minh (DLTM) tỉnh Hòa Bình là một thành phần trong giải pháp đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Từ đó đã hỗ trợ đắc lực xây dựng ngành du lịch chất lượng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Bản du lịch cộng đồng vào Xuân

Tháng Chạp đã thêm nhiều ngày nắng. Trên những bản làng vùng cao, hoa mơ, hoa mận, hoa đào dần bung nở. Đây cũng là thời điểm khách lữ hành từ miền xuôi tạm gác những bộn bề lo toan của cuộc sống lên với miền ngược thưởng lãm, trải nghiệm du lịch cộng đồng (DLCĐ). Đón du khách đến thăm với tiếng trống, tiếng chiêng, điệu khèn, ánh mắt, nụ cười hồn hậu, 22 xóm, bản DLCĐ trên địa bàn tỉnh cũng rạo rực khí thế vào Xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục