Mường Bi - Tân Lạc được biết đến là 1 trong 4 vùng Mường nổi tiếng "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan, Tân Lạc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian gần đây, với sự quan tâm của các cấp, ngành, du lịch trên địa bàn đã có bước tiến mới.
Du khách đến Tân Lạc thời điểm này có cơ hội được trải nghiệm vườn quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su xanh ngút tầm mắt; khám phá động Nam Sơn, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường được bảo tồn gần như nguyên vẹn; thưởng thức các món ăn dân tộc; săn mây, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên; khám phá kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều thể loại như truyện cổ, dân ca, ví đúm, hát ru, đồng dao, hát đập hoa, hát đối, chiêng Mường, mo Mường…
Nếu có dịp du xuân du khách sẽ được hoà mình vào những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, xã Phong Phú, những năm gần đây được tổ chức quy mô cấp tỉnh; lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn. Huyện đã có các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP, hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, điểm du lịch, các tuor, tuyến được xây dựng, kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong nước, tạo nên hệ sinh thái du lịch khá đa dạng, thu hút nhiều du khách.
Anh Đỗ Xuân Hùng, thành phố Hà Nội chia sẻ: Tôi và nhóm bạn thích khám phá các xã vùng cao Tân Lạc vào mùa hè. Tránh xa khói bụi, ồn ào của phố thị, chúng tôi cùng bà con vùng cao hòa mình vào thiên nhiên trong lành, mát mẻ, thưởng thức văn nghệ, các món ăn truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Mường. Cùng bà con bản địa sản xuất, sinh hoạt cho chúng tôi những trải nghiệm rất thú vị…
Các điểm không thể bỏ qua khi đến Tân Lạc như hệ thống hang động đẹp, thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ tại di tích động Hoa Tiên, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, được mệnh danh là một trong những động đẹp nhất tỉnh, với vô vàn khối nhũ đá, măng đá, cột đá hình thù kỳ thú, phản chiếu ánh sáng lấp lánh như đèn màu sân khấu, tạo cảm giác như một bảo tàng nghệ thuật tự nhiên. Hay động thác Bờ, xóm Bưng, xã Suối Hoa; động Nam Sơn, xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn; hang Muối, thị trấn Mãn Đức - di chỉ cư trú của người nguyên thủy thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình"; núi Cột Cờ, xã Phong Phú; thác Thung, thác Trăng, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông... Thời gian gần đây, một số điểm mang lại cho du khách trải nghiệm mới như đèo Đá Trắng, xã Phú Cường, vừa là điểm dừng chân thú vị vừa là nơi thưởng ngoạn cảnh lý tưởng.
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Trong năm 2024, phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch của huyện; Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và các kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, đẩy mạnh phát triển du lịch và phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.
Huyện thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, kích cầu du lịch tại địa phương. Trong đó, tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao năm 2024 với nội dung phong phú, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá như: Thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, thi hát đối, ẩm thực, trưng bày gian trại truyền thống mô hình hoá không gian văn hoá dân tộc, thi trò chơi dân gian, đan lát thủ công, các môn thể thao dân tộc. Huyện chọn cử 2 thí sinh tham gia thi hướng dẫn viên du lịch năm 2024 trong khuôn khổ Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh đoạt 1 giải nhất. Trong năm, huyện mở 6 lớp tập huấn du lịch với 356 học viên tham gia (3 lớp đào tạo kỹ năng làm du lịch với 69 học viên tại 3 điểm du lịch mẫu, học viên đi thực tế tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Đà Bắc; 3 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cho 100% hộ dân của 3 xóm được chọn làm điểm du lịch cộng đồng mẫu). Xây dựng mới 1 điểm du lịch cộng đồng tại 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc là Bãi Pặng, xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, tích cực giới thiệu tiềm năng, các sản phẩm du lịch để thu hút du khách; mở rộng liên kết, tăng cường thu hút đầu tư; triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển du lịch được giao. Kết quả năm 2024, toàn huyện ước đón 294.500 lượt khách đến tham quan du lịch (khách nội địa 286.650 lượt; khách quốc tế 7.850 lượt), đạt 101,5% kế hoạch. Tổng thu nhập từ du lịch ước đạt 192.897 triệu đồng, đạt 101,5% kế hoạch.
Hương Lan