Tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú là điều kiện, lợi thế để Hòa Bình phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Những năm gần đây, với sự quan tâm về chính sách của trung ương, của tỉnh và sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, nhiều bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh tích cực phát triển DLCĐ.
Với dân số trên 15,7 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm 92%, huyện Lạc Sơn được biết đến là vùng đất cổ với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, một trong những nơi để lại dấu tích của nền văn hóa thời tiền sử, nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Mảnh đất này còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, thác nước, hang động, hồ, suối nước khoáng… lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có DLCĐ. Hiện nay, tại xã vùng cao Tự Do đã hình thành điểm DLCĐ xóm Mu Khướng, xóm Sát. Đây là các xóm của người dân tộc Mường còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà, phong tục, tập quán độc đáo. Điểm đến thu hút khá đông du khách, nhất là khách quốc tế lưu trú, khám phá vẻ đẹp thác Mu hùng vĩ, thơ mộng cùng hành trình đi bộ xuyên rừng thăm các bản làng dân tộc tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông để tìm hiểu văn hóa bản địa và hít thở không khí trong lành của các cánh rừng nguyên sinh.
Tại huyện vùng cao Mai Châu, loại hình DLCĐ hình thành sớm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh với khởi đầu là mô hình DLCĐ bản Lác, xã Chiềng Châu. Theo đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Thái chiếm trên 60% dân số. Mai Châu đã được công nhận Khu du lịch cấp tỉnh. Kinh tế du lịch là thế mạnh của huyện với trên 200 cơ sở lưu trú, bao gồm các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn tiêu chuẩn 1 – 3 sao và hệ thống nhà nghỉ cộng đồng. Chuyên trang đặt phòng nổi tiếng Booking.com công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award tôn vinh Mai Châu là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023. Đến nay, huyện có 8 điểm DLCĐ, trong đó 6 điểm DLCĐ người Thái thuộc thị trấn Mai Châu và các xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Mai Hịch, Xăm Khòe; 2 điểm DLCĐ người Mông thuộc 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Một số địa danh du lịch văn hóa nơi đây không chỉ được du khách trong nước mà đông đảo khách quốc tế yêu thích, như các bản: Lác, Bước, Pom Coọng, Hang Kia…
Trên hành trình đi bộ xuyên rừng, du khách đến từ Cộng hoà Pháp dừng chân nghỉ ngơi bên bậc thang nhà sàn, khám phá phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mường, xã Tự Do (Lạc Sơn).
Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: loại hình DLCĐ được tỉnh chú trọng phát triển dựa trên cơ sở bản tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Bên cạnh các điểm DLCĐ của đồng bào Mường, Thái, một số bản người Dao, Mông đang xây dựng mô hình mang đến cho du khách những khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa các tộc người đa dạng. Cùng với đó, DLCĐ từng bước đổi mới tư duy, cải thiện sinh kế bền vững cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các điểm đến tập trung trên Khu du lịch Mai Châu và các xã vùng miền núi của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, mô hình DLCĐ được nhân rộng ở các xã trên Khu du lịch hồ Hòa Bình, như: bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc); bản Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong)… DLCĐ của tỉnh hoạt động hiệu quả và phát triển tương đối nhanh với trên 20 xóm, bản DLCĐ các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, gần 200 homestay tham gia hoạt động kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác.
Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, DLCĐ được định hướng phát triển gắn với nông nghiệp bền vững, bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường sinh thái và lưu giữ những giá trị đậm bản sắc văn hóa truyền thống. DLCĐ cũng là một trong những điểm nhấn của du lịch Hòa Bình, thu hút khá đông dòng khách yêu thích trải nghiệm cuộc sống gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, khám phá văn hóa bản địa, từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bùi Minh