Kết hợp giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, du lịch chăm sóc sức khỏe mang đến cho du khách những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu và toàn diện, cân bằng và duy trì, phục hồi cảm xúc trong tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, mang lại niềm vui, suy nghĩ tích cực sau chuyến trải nghiệm.


Du khách trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh).

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần định hướng và điều chỉnh lại các chương trình, địa điểm du lịch; nhấn mạnh những nội dung có lợi cho sức khỏe, nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu ngày càng lớn của du khách.

Loại hình này cơ bản gồm các sản phẩm du lịch đặc trưng, như: Chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên; spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; thiền, yoga; giảm cân.

Việt Nam có thế mạnh với 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống; có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với nhiều bãi tắm biển đẹp, thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng; có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho việc nghỉ ngơi, chữa bệnh... là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Điều đó cho thấy tiềm năng thu hút khách du lịch chăm sóc sức khỏe với thời gian lưu trú từ 3-5 ngày, phần lớn là khách trung niên, có mức chi tiêu cao, nhu cầu sử dụng dược liệu phục hồi sức khỏe, coi chăm sóc sức khỏe là mục tiêu đi du lịch.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế xây dựng và ban hành Quyết định 2951/QĐ-BYT (ngày 21/7/2023) phê duyệt Đề án "Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030”; Quyết định 1265/QĐ-BYT (ngày 15/5/2024) phê duyệt Đề án "Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm Châm cứu - y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch của Bệnh viện Châm cứu Trung ương đến năm 2030”.

Hiện nay nhiều khách sạn, resort tại Việt Nam đã coi chăm sóc sức khỏe như một dịch vụ gia tăng cho khách lưu trú. Các công ty lữ hành cũng chủ động xây dựng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như "tour du lịch chữa lành” hay các "gói du lịch sức khỏe”...

Các địa phương có tiềm năng cũng chú trọng hơn đến phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, đã ban hành những chủ trương, chính sách khuyến khích loại hình du lịch này. Đây là những bước đầu tiên, cơ bản cho việc xây dựng chính sách thúc đẩy dòng sản phẩm này, cũng như tiếp tục hỗ trợ, định hướng đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Tại hội thảo "Xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam” do Cục Du lịch quốc gia tổ chức gần đây, các chuyên gia khẳng định: Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách quốc tế.

Bởi thế, thời gian tới, chúng ta cần tạo cơ chế trong thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe hài hòa, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các điểm đến trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do đi sau nhiều nước, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cần cân nhắc, so sánh, tạo sự khác biệt để thu hút du khách.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá hợp lý, bảo đảm chất lượng. Với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng, ngoài việc khai thác các công dụng của suối khoáng nóng vào chữa bệnh, phục hồi, còn có thể kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có, như xông hơi thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt…

Sự kết hợp này chính là nét khác biệt cho sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Các chuyên gia kỳ vọng việc khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe bằng những cách riêng, độc đáo sẽ sớm tạo thành dòng sản phẩm thế mạnh, đẳng cấp cho du lịch Việt Nam.


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Năm 2024 đón trên 266 nghìn lượt khách du lịch

Tại xã Hiền Lương, Hội Du lịch huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác du lịch năm 2024, triển khai phương hướng hoạt động năm 2025.

Dấu ấn phát triển du lịch cộng đồng ở huyện vùng cao Đà Bắc

Sau gần 10 năm phát triển, mỗi năm mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở huyện vùng cao Đà Bắc thu hút hơn 3.500 khách, chủ yếu là người nước ngoài. Qua đó đem lại doanh thu ổn định, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.

Huyện Cao Phong xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đất Mường Thàng - Cao Phong đang đẩy mạnh khai thác lợi thế để phát triển du lịch.

Đón “thời điểm vàng” để kích cầu thương mại và du lịch

Dịp cuối năm được xác định là "thời điểm vàng” để kích cầu thương mại và du lịch. Vì thế, nhiều hoạt động được tổ chức với quyết tâm nắm bắt những tín hiệu tốt từ thị trường, tăng cường nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khám phá điểm du lịch cộng đồng trên đỉnh Thung Mây

Xã Vân Sơn có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, những ngọn núi sớm tối được bao phủ bởi mây nên còn có tên gọi "Thung Mây”. Nếu từng đến nơi này, du khách nhớ dừng chân ghé thăm cộng đồng xóm Chiến để trải nghiệm nhiều điều thú vị, đón nhận tình cảm ấm áp, nồng hậu của người dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục