(HBĐT) - Luôn chiếm tỷ trọng cao (trên 70%) trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt được xem là nội dung quan trọng hàng đầu cần được tái cơ cấu (TCC) mạnh mẽ để góp phần quyết định mức độ thành công của quá trình TCC ngành nông nghiệp tỉnh ta. Nhìn lại 4 năm (2014 – 2017) thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt, có thể thấy các địa phương trong tỉnh đã tạo được nhiều chuyển biến rõ rệt và thực chất nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng với những giá trị bền vững.



Cây cam với giá trị thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm được xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. ảnh: Mô hình trồng cam VietGAP tại xóm Vỏ 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong.

Nhiều quyết sách đồng bộ và đột phá

Sau khi UBND tỉnh ban hành Đề án TCC ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với đó, Sở tích cực tham mưu ban hành và triển khai thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt như: Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ban hành tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu về cánh đồng lớn trong sản xuất trồng trọt; Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa, giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 62/KH-UBND về thực hiện đề án ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020...

Riêng về công tác quy hoạch, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực phục vụ TCC ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng. Đến nay đã có 19 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc ngành NN&PTNT được phê duyệt. Trong đó, tạo nền tảng thuận lợi để tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt có thể kể đến: Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; Quy hoạch phát triển sản xuất cam an toàn tập trung; Quy hoạch mía; Quy hoạch cây dược liệu; Đề án phát triển sản xuất chè... Đây thực sự là những "kim chỉ nam” hữu hiệu đối với các địa phương trong hành trình cùng hướng tới mục tiêu chung: quyết tâm tạo chuyển biến mạnh cả về lượng và chất trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trao đổi: Trong 4 năm qua đã có nhiều quyết sách quan trọng được ban hành, tạo ra những đột phá về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt đã góp phần kích cầu giúp các địa phương phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực. Ví dụ, chúng ta đang áp dụng mức hỗ trợ sau đầu tư cho người sản xuất cây có múi là 20 triệu đồng/ha/năm, cây rau 10 triệu đồng/ha/năm. Hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản từ địa điểm sản xuất đến trung tâm thành phố Hà Nội, đối với các sản phẩm cam, bưởi, mía tím là 1.500 đồng/tấn/km, đối với rau an toàn và dược liệu là 3.000 đồng/tấn/km. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí cấp Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, chứng nhận tập thể cho rau su su Tân Lạc, quả lặc lày Lương Sơn, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc... Việc áp dụng đồng bộ và cụ thể hóa hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành đã góp phần quan trọng giúp các địa phương đẩy mạnh TCC trồng trọt theo hướng phát triển các cây trồng chính với quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương.

Tập trung phát triển mạnh các cây trồng chủ lực

Được biết, kế hoạch TCC lĩnh vực trồng trọt đã được ngành NN&PTNT xác định thực hiện mạnh mẽ trên nhóm các cây trồng chủ lực, bao gồm cây ăn quả có múi, rau, mía và nhóm cây trồng lợi thế của từng địa phương để tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền. Trong Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh ủy, chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được quy định rất rõ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương đối với nhiệm vụ phát triển các sản phẩm chủ lực đặc thù của từng vùng. Đến nay, các địa phương đã lựa chọn được cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển mạnh với quy mô lớn và tập trung.

Cụ thể, cây ăn quả có múi tiếp tục mở rộng diện tích tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu rải vụ thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tính đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 8.600 ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích kinh doanh 3.768 ha, sản lượng đạt trên 80 nghìn tấn. Trong khi đó, diện tích năm 2013 là 1.976 ha, có 1.065 ha kinh doanh, đạt sản lượng khoảng 24,5 nghìn tấn. Trong 4 năm gần đây, sản xuất cây ăn quả có múi đã tăng trưởng mạnh cả về diện tích, năng suất và giá trị thu nhập (bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm), góp phần quan trọng nâng cao giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt.

Đến nay, toàn tỉnh có 670,43 ha cây trồng được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGap, hữu cơ. ảnh: Canh tác rau đủ điều kiện ATTP tại xã Dân Chủ, TP Hòa Bình.

Đối với hai loại cây trồng chủ lực khác là rau và mía, dấu ấn của TCC cũng được thể hiện khá rõ nét. Sản xuất rau của tỉnh bước đầu đã hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các mô hình sản xuất rau VietGAP và đảm bảo đủ điều kiện ATTP... Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất mang tính hàng hóa với nhóm rau lấy quả, lấy củ như bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, khoai tây... Hàng năm, toàn tỉnh duy trì diện tích gieo trồng rau, đậu các loại khoảng trên 11.000 ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn, thu nhập đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Diện tích mía giữ ổn định khoảng 9.000 ha, trong đó, diện tích mía ăn tươi khoảng 6.000 – 7.000 ha, thu nhập bình quân đạt 100 – 120 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng vùng. Điển hình như cây nhãn (diện tích khoảng 2.000 ha) tập trung ở các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn; cây sắn diện tích 11.000 – 12.000 ha, tập trung ở các huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, Yên Thủy; khoai lang, khoai sọ, diện tích khoảng 6.700 ha, tập trung ở các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Tân Lạc, Lương Sơn; dong riềng trên 1.200 ha, tập trung ở hai huyện Đà Bắc và Kỳ Sơn...

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Một trong những thành quả quan trọng nhất trong 4 năm thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt là chúng ta đã xác định đúng các cây trồng chủ lực để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác. Trong giai đoạn này, cơ cấu cây trồng của tỉnh tiếp tục được chuyển đổi mạnh theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng vẫn duy trì ổn định an ninh lương thực. Đặc biệt, với sự xuất hiện của các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt đã không ngừng tăng. Năm 2013 đạt 85 triệu đồng/ha. Năm 2014 đạt 94,4 triệu đồng/ha. Năm 2015 đạt 104 triệu đồng/ha. Năm 2016 đạt 118 triệu đồng/ha. Đến cuối năm 2017, bình quân mỗi ha canh tác trồng trọt cho giá trị thu nhập khoảng 120 triệu đồng, cao hơn mức bình quân cả nước và thuộc diện đứng đầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Tiếp tục xác định các chương trình ưu tiên trong tái cơ cấu trồng trọt

Theo thống kê của Sở NN&PTNT: Trong giai đoạn 2013 – 2017, lĩnh vực trồng trọt có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 4%/năm, giá trị sản xuất chiếm trên 70% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt không ngừng tăng. Cùng với những kết quả này, công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng đạt những kết quả bước đầu khả quan cho thấy quá trình TCC lĩnh vực trồng trọt đang diễn ra đúng hướng. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất trồng trọt, ví dụ như mô hình trồng ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Lạc Thủy; mô hình liên kết 50/50 trong sản xuất cây ăn quả có múi tại những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc; mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ bí xanh, dưa chuột Nhật; mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn…

Trong 4 năm đầu thực hiện TCC trồng trọt, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 17.000 ha đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả, đồng thời áp dụng trên diện rộng các giải pháp công nghệ tiên tiến, các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cho các loại cây trồng chủ lực. Đó là những diễn biến đáng ghi nhận, cho thấy tỉnh ta đã xác định đúng các trọng tâm để thúc đẩy TCC lĩnh vực trồng trọt, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu ưu tiên trong TCC ngành nông nghiệp.

Đề cập đến những hạn chế cần khắc phục, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Hiện nay, sản xuất trồng trọt còn manh mún, nhỏ lẻ. Cơ cấu sản xuất trồng trọt chuyển dịch chậm, chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt còn ít. Các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác chậm đổi mới. Tiêu thụ nông sản hạn chế nên kìm hãm sự phát triển bền vững của các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện TCC, rất đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa xây dựng được các mô hình điển hình về "nông nghiệp thông minh” ứng dụng công nghệ cao, hàm lượng KHCN trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất thấp. Chính vì vậy, trong kế hoạch TCC những năm tiếp theo, cần xác định rõ các chương trình ưu tiên trên cơ sở khắc phục tồn tại, yếu kém và khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh về nông nghiệp nói chung, về sản xuất trồng trọt nói riêng.

Theo kế hoạch TCC lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2018 – 2020 vừa được Sở NN&PTNT ban hành, lộ trình TCC lĩnh vực trồng trọt sẽ tiếp tục bám sát định hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Đây thực chất là quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, chương trình ưu tiên tiếp tục được xác định là tập trung phát triển những cây trồng có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, sẽ ưu tiên đẩy mạnh công tác chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ... cho các sản phẩm trồng trọt; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm có lợi thế hình thành vùng chuyên canh; đồng thời đẩy mạnh quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và chất lượng nông sản. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 4%/năm, đến năm 2020, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 69,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác gấp 1,5 lần so với năm 2015, góp phần thực hiện thành công Đề án TCC ngành nông nghiệp./.

Thu Trang



Hỗ trợ trên 39 tỷ đồng cho người sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt

Thực hiện Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, tính đến hết năm 2017, ngân sách địa phương đã hỗ trợ trực tiếp trên 39.098 triệu đồng cho người sản xuất. Trong đó, kinh phí hỗ trợ năm 2015 khoảng 5.972 triệu đồng; năm 2016 khoảng 13.090 triệu đồng; năm 2017 khoảng 20.035 triệu đồng. Hiện, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ năm 2018 cho các địa phương có đủ điều kiện./.

Chuyển đổi trên 17.000 ha sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao

Trong 4 năm thực hiện TCC lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 17.000 ha đất trồng lúa, đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả có múi, nhãn, mía, ngô, rau màu ngắn ngày... Trong đó, chuyển đổi trên đất 1 vụ lúa được 11.569 ha; chuyển đổi đất trồng màu khoảng 5.800 ha. Riêng năm 2017 đã chuyển được 1.356 ha sang trồng ngô và các loại cây màu khác.

Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đều cho giá trị thu nhập cao. Điển hình như: Mô hình trồng nhãn cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng dưa chuột Nhật cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ; trồng bí xanh cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ; trồng mía cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm... Dự kiến trong những năm tới, tỉnh tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, trồng màu, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các cây có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định.



Các tin khác


Bảo vệ trẻ mầm non trước nguy cơ bạo hành tại các cơ sở mầm non tư thục

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi từ 4 - 6 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đạt 96,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi từ 0 - 3 tuổi, bao gồm cả các cơ sở mầm non công lập và tư thục chỉ đạt 38,6% trẻ trong độ tuổi.

Phát triển thị trường cho nông sản chất lượng cao

(HBĐT) - Tỉnh ta đang sở hữu nhiều loại nông sản có chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT: ước tính có trên 80% lượng nông sản hiện nay chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về giá lẫn khả năng tiêu thụ. Trong khi đó, các thị trường ngoại tỉnh luôn có nhu cầu cao đối với mặt hàng này nhưng cơ hội đưa sản phẩm vươn xa của chúng ta rất hạn chế. Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường cho nông sản chất lượng cao.

Để người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ y tế

(HBĐT) - Theo điều tra khảo sát của Cục phòng, chống HIV/AIDS, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.100-1.200 người có nguy cơ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay mới có trên 800 người được phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân

(HBĐT) - Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước là một trong những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu đổi mới, phát triển hiện nay. Bắt đầu từ cơ sở, việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) có năng lực, trình độ, gần dân, sát dân.

Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH, toàn tỉnh có 209.136 người (tính từ 18 tuổi trở lên), chiếm 25,1%/tổng dân số. Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG), giai đoạn 2007- 2017, vị thế của người phụ nữ được nâng cao, được quan tâm. Bản thân họ đã tự tin, khẳng định đúng vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Tìm giải pháp hạn chế khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng

(HBĐT) - Trong quá trình phát triển, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều dự án đầu tư đòi hỏi phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục