(HBĐT) - Trong quá trình phát triển, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều dự án đầu tư đòi hỏi phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC). 


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Mông Hóa (Kỳ Sơn).ảnh: P.V

Trong khi đó, cơ chế, chính sách, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, chưa phù hợp đã làm phát sinh khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của công dân liên quan đến đất đai, bồi thường GPMB, hỗ trợ TĐC. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu giải quyết những khó khăn này, hạn chế tình trạng KN-TC, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, phục vụ phát triển KT-XH.

 KN-TC diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của cơ quan chức năng: Tình hình KN-TC tập trung vào lĩnh vực đất đai, bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. ở một số địa phương vẫn còn các đoàn công dân tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, nhất là thời điểm tiến hành Đại hội Đảng và bầu cử Quộc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó có một số vụ việc công dân tập trung khiếu kiện đông người, phức tạp để gây áp lực đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ năm 2014 đến nay, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp 1.677 đoàn công dân với 2.745 lượt người, 1.898 vụ việc (1.017 vụ việc cũ, 881 vụ việc mới). Có khoảng 80% vụ việc liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (1.229 vụ việc).

Cũng trong 3 năm (2014 - 2017), toàn tỉnh tiếp nhận, phân loại và xử lý 1.953 đơn, thư các loại gồm: 839 đơn KN-TC, 1.114 đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó có 1.444 đơn nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, GPMB. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương giải quyết KN-TC của công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn những vụ việc các hộ dân tiếp tục khiếu nại đến cơ quan cấp trên như: vụ việc một số hộ dân xóm Miều, xã Trung Minh, TP Hòa Bình liên quan đến bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; vụ việc các hộ dân ở xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) khiếu nại thu hồi đất 5% làm khu đấu giá, giãn dân; vụ việc thu hồi đất 5% để xây dựng nhà máy gạch tại thôn Gò Mu, xã Thanh Lương (Lương Sơn); khiếu nại của các hộ dân liên quan đến đất hành lang giao thông thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh qua huyện Lạc Sơn…

Nguyên nhân phát sinh KN-TC

Về khách quan, do cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là lĩnh vực QLNN về đất đai thiếu đồng bộ. Các quy định của pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn áp dụng. Các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nội dung chưa sát với thực tế. Trong quá trình thực hiện chính sách về đất đai cho tập thể, cá nhân, một số chính sách về đất ở, nhà ở, giấy tờ mua bán, cho mượn, cho thuê không rõ ràng, hồ sơ bị thất lạc nên phát sinh tranh chấp. Thực tế trong quá trình thực hiện ở một số dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ thiếu chặt chẽ ngay từ ban đầu. Người dân có đất bị thu hồi chưa được giải quyết việc làm, chưa có quỹ đất và vốn để tái đầu tư cho sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn dẫn đến phát sinh khiếu kiện.

Về chủ quan, công tác quản lý đất đai của tỉnh còn nhiều yếu kém, tồn tại do lịch sử để lại. Hồ sơ địa chính không đồng bộ, không chính xác, không đầy đủ cơ sở pháp lý, phát sinh những khiếu nại, tranh chấp gay gắt, phức tạp, khó giải quyết, nhất là tranh chấp đất đai giữa những người thân, trong gia đình, dòng họ. Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, nhất là cấp cơ sở còn diễn ra. Trên thực tế còn xảy ra tình trạng chiếm đất công, xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích; kiểm tra, đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu chính xác dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất khi lập phương án bồi thường GPMB khi thu hồi đất thực hiện dự án. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết và việc thi hành giải quyết KN-TC đã có hiệu lực pháp luật chưa thường xuyên, nhiều vụ việc tổ chức thi hành chưa triệt để. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức tại một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC. Cán bộ tiếp dân, giải quyết KN-TC, tranh chấp còn thiếu, chuyên môn yếu và phẩm chất đạo đức một bộ phận có vấn đề; một số nơi còn đùn đẩy trách nhiệm giải quyết. Công tác cải cách hành chính còn chậm, có những việc để kéo dài hoặc chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến người dân bức xúc. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đất đai, GPMB nhiều khi mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Một bộ phận người dân KN-TC nhận thức hạn chế hoặc có những cá nhân lợi dụng lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người đi KN-TC làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Tìm giải pháp hạn chế kn-tc

Để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế những khiếu kiện về đất đai, GPMB, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, tổ chức liên quan, các địa phương thực hiện nghiêm túc những biện pháp sau: Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn được quy định tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 theo hướng phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho UBND cấp huyện trong thực hiện bồi thường, GPMB; quy định các chế tài để phân cấp, ủy quyền toàn bộ về xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường GPMB cho huyện UBND cấp, quy định về mức hỗ trợ đối với một số trường hợp cụ thể tránh phải thực hiện hỗ trợ khác nhiều lần cho từng dự án.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của BCĐ QLNN về bồi thường GPMB và hỗ trợ TĐC theo quy định của pháp luật và đặc thù của tỉnh. UBND các huyện hoàn thiện bộ máy thực hiện công tác bồi thường GPMB theo hướng thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ TĐC chuyên trách, đủ năng lực thực hiện công tác bồi thường GPMB trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến CB,ĐV, người dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, tự giác tổ chức thực hiện GPMB, nhất là người dân có đất nằm trong vùng dự án.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi có dự án bám sát địa bàn, chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB với trách nhiệm cao nhất. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong quy hoạch đất đai, thu hồi đất, bồi thường GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Xử lý nghiêm các đối tượng cố tình xúi giục, kích động nhân dân làm trái chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến thu hồi đất GPMB; khen thưởng, động viên kịp thời những địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác GPMB.

Lê Chung

* Tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc tham gia giải quyết KN-TC

Trần Đức Trường

Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh

Qua phân loại, xem xét, tỉ lệ đơn, thư KN-TC liên quan đến đất đai chiếm 80%, tập trung cơ chế, chính sách bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC, cán bộ, công chức thực thi công vụ... Thời gian qua, vai trò của MTTQ tham gia giải quyết KN-TC còn hạn chế. Nguyên nhân là do Ban Công tác mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ sở đã cắt nguồn kinh phí hoạt động dẫn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức mặt trận cơ sở không thực sự hiệu quả, ảnh hưởng nhất định đến việc tham gia giải quyết KN-TC của công dân. Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền ở cơ sở về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân chưa rõ dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu cụ thể; chưa tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động và xem xét, giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của nhân dân theo luật định.

* Cơ chế, chính sách đền bù, GPMB, hỗ trợ còn bất cập

Lê Trọng Long

Phó Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh

Cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ còn bất cập và chưa phù hợp, nhất là dự án của Nhà nước và dự án của doanh nghiệp đầu tư. Chẳng hạn trên địa bàn TP Hòa Bình có các dự án gần nhau doanh nghiệp đền bù tới 300.000 đồng/m2, trong khi đó dự án Nhà nước chỉ đền bù 100.000 đồng/m2. Như vậy sẽ phát sinh những nguyên nhân khiếu kiện.

Công tác quản lý đất đai tại một số địa phương, như quản lý đất nông, lâm trường còn bất cập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai là trong một thời gian dài công tác quản lý đất đai còn bị buông lỏng. Nhiều hành vi vi phạm không bị xử lý, không bị ngăn chặn kịp thời dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thu hồi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì các mục đích.

Bên cạnh đó trong quá trình thu hút đầu tư có nhiều dự án phải triển khai, thực tế giá đất chưa phù hợp cũng phát sinh so bì, ý kiến của người dân. Để hạn chế KN-TC cần: Tăng cường QLNN về đất đai ởỷ tất cả các cấp. Nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý đất đai cũng như năng lực của các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giải quyết KN-TC. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi chính sách bồi thường GPMB, hỗ trợ TĐC. Đặc biệt, phải linh hoạt trong vận dụng chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ GPMB.

* Điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thực tế

Nguyễn Vũ Chi

Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Công tác bồi thường GPMB, tái định cư có vai trò quan trọng triển khai các dự án đầu tư, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn huyện. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp như việc xác định đơn giá bồi thường, quản lý, thu hồi đất nông, lâm trường... Các thắc mắc, kiến nghị, KN-TC của người dân tập trung vào đơn giá bồi thường đất, tranh chấp đất đai, diện tích đo đạc đất đai, cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, thực tế chính sách bồi thường hỗ trợ di dời hợp lý thì người dân tự nguyện di dời, ngược lại không hợp lý sẽ phát sinh KN-TC.

Để thực hiện tốt công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư, giảm thiểu KN-TC của công dân, huyện Lương Sơn kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường hỗ trợ tại Quyết định số 24 và Quyết định 16 của UBND tỉnh về bồi thường hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của các địa phương. Rà soát, bổ sung các loại cây trên thực tế phát sinh làm căn cứ xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó đề nghị UBND tỉnh tiếp tục ủy quyền UBND huyện xác định đơn giá đất cụ thể để đấu giá quyền sử dụng đất. Cấp có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, rà soát chặt chẽ các dự án đã được giao đất, tránh tình trạng diện tích đã được cấp nằm trong quy hoạch chồng lấn với dự án khác. Đề nghị các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về trình tự, thủ tục chuyển tên bắt buộc, cưỡng chế chuyển tên bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất; xử lý các dự án chậm triển khai, không triển khai...

* Huy động cả hệ thống chính trị tham gia

Hoàng Văn Minh

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

Kỳ Sơn nằm trong quy hoạch vùng động lực kinh tế của tỉnh, trên địa bàn có hàng chục dự án đang được triển khai thực hiện GPMB. Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác GPMB, tập trung chỉ đạo giải quyết KN-TC theo thẩm quyền. Cùng với công tác tuyên truyền, huyện đã thực hiện nghiêm túc các quy trình trong GPMB, thu hồi đất. Tất cả các quy trình, thủ tục như công bố quy hoạch dự án, trình tự thủ tục thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC, chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân bị thu hồi đất được công khai và thực hiện theo đúng quy định. Huyện cũng tổ chức đối thoại theo chuyên đề giải quyết khó khăn, vướng mắc từng dự án, tạo được sự đồng thuận từ phía người dân bị thu hồi đất. Theo đó công tác đền bù, GPMB đối với việc triển khai các dự án trên địa bàn không gặp phải những trở ngại lớn, chưa có dự án không thực hiện đầu tư được do không đền bù, GPMB, không có các đơn, thư, KN-TC phức tạp xảy ra, chưa phải áp dụng cưỡng chế bảo vệ thi công khi thực hiện GPMB.


 

 

Các tin khác


Để Luật Hợp tác xã năm 2012 thực sự đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Mô hình tổ chức HTX kiểu mới được xây dựng trong Luật năm 2012 là tổ chức do các thành viên tự nguyện hợp tác nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình.

Chuẩn hóa phương tiện chở khách đường thuỷ - đòi hỏi bức thiết trong phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với chiều dài 70 km, hồ Hòa Bình có dung tích trên 9 tỷ m3 nước với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ. Hai bên hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn với nhiều điểm thăm quan tâm linh, văn hoá, du lịch nổi tiếng như đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên... hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan và làm lễ. Đặc biệt, tỉnh ta đang hướng đến mục tiêu năm 2020, Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia. Vì vậy, chuẩn hóa phương tiện chở khách đường thuỷ nội địa là đòi hỏi hết sức bức thiết trong phát triển du lịch trên vùng hồ Hòa Bình .

Vướng mắc nhiều thủ tục

(HBĐT) - Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và mới đây nhất là Nghị định số 136 ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221 được coi là hành lang pháp lý để các ngành chức năng đưa đối tượng nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Gắn giao đất với quản lý rừng bền vững

(HBĐT) - Thời gian qua, việc giao đất, cho thuê rừng, giao khoán đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng trên địa bàn tỉnh được coi là chủ trương đúng đắn giúp cho rừng có chủ thực sự. Tuy nhiên, việc giao đất, khoán rừng vẫn còn bất cập. ở một số nơi còn tình trạng tranh chấp về quyền sử dụng đất rừng. Vấn đề đặt ra là làm sao để gắn giao đất với quản lý rừng bền vững.

Nóng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

(HBĐT) - Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Theo số liệu thống kê của Chi cục DS/KHHGĐ, năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 115,3 nam/100 nữ. 6 tháng đầu năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 116,4 nam/100 nữ. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ở mức cao hơn trung bình cả nước.

Khó khăn trong phát triển tổ chức Đoàn ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước

(HBĐT) - Trong tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, mới có 17 chi đoàn thanh niên được thành lập với hơn 1.050 đoàn viên. Trong số đó lại có những chi đoàn đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu không có chiến lược đầu tư nâng cao kỹ năng cho cán bộ Đoàn hay có giải pháp đoàn kết, tập hợp ĐV -TN một cách hiệu quả…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục