Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ là điểm nhấn góp phần tích cực thực hiện công tác BĐG trên địa bàn tỉnh.
Phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao lớn trong và ngoài tỉnh. ảnh: Trình tấu chiêng Mường tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ X, khu vực I, năm 2017 được tổ chức tại tỉnh ta
Trên cơ sở Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Luật BĐG. Trong 10 năm, công tác quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương quan tâm bằng nhiều hình thức. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về BĐG và VSTBPN từ tỉnh đến cơ sở. Điều này được thể hiện rõ ở kết quả thực hiện Luật BĐG trên từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực chính trị, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị đã được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được nâng lên. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội 3/6 = 50%, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND tỉnh 12/61 = 19,67%, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp huyện, thành phố 101/383 = 26,37%, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp xã, phường, thị trấn 1.625/5.230 = 24,18%. Đảng viên là nữ 19.011/61.544 đồng chí, chiếm 30,9% tổng số đảng viên toàn đảng bộ…
Thực hiện BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỉnh đã có những chính sách tạo việc làm cho lao động nữ, triển khai đề án dạy nghề cho phần lớn nữ lao động nông thôn… Chỉ tính riêng năm 2016, lao động được học nghề là nữ chiếm 45%, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm là nữ chiếm 49%.
Thực hiện BĐG trong các lĩnh vực GD&ĐT được quan tâm bằng việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực nữ. Hàng năm, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch nguồn cán bộ các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Riêng ngành GD&ĐT, tỷ lệ cán bộ quản lý là nữ chiếm 67,8%. 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn. 100% trường học trong toàn tỉnh có lồng ghép nội dung giới với nội dung giảng dạy cấp tiểu học, THCS, THPT.
Thực hiện BĐG trong lĩnh vực y tế, nhằm bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CSSK, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản và giải pháp thực hiện công tác này. Công tác CSSK bà mẹ, trẻ em, phụ nữ được quan tâm. Tỷ lệ nữ được tiếp cận y tế của tỉnh đạt 100%. Cùng với đó, thực hiện các mục tiêu BĐG trong các lĩnh vực văn hóa thông tin, gia đình, KH&CN đã được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật BĐG, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng ban VSTBPN tỉnh cho rằng: Bên cạnh những nỗ lực triển khai các hoạt động BĐG, tỉnh ta còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đúng mức về công tác chỉ đạo về BĐG và hoạt động VSTBPN, nhận thức về giới ở một số địa phương, cơ sở chưa đầy đủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo so với cán bộ nam còn thấp. Bản thân một số chị em chưa thoát khỏi tâm lý tự ti, an phận, không cần phấn đấu, chưa cố gắng nỗ lực trong học tập để nâng cao trình độ, chưa nhận thức hết vai trò và chưa thay đổi cách nhìn mới về chính mình. Trong đó có lĩnh vực BĐG trong gia đình, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh còn cao, phân biệt đối xử vẫn diễn ra. Trên lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, nhất là người đướng đầu đạt thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa đạt tỷ lệ theo quy định…
Đặc biệt, là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về KT-XH, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra, một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại gây nhiều khó khăn cho thực hiện công tác BĐG. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 361 vụ bạo lực gia đình; năm 2012 tăng lên 398 vụ; năm 2013 có 447 vụ; năm 2014 có 323 vụ; năm 2015 có 520 vụ; năm 2016 có 240 vụ và 6 tháng năm 2017 có 128 vụ. Trong những con số trên, nạn nhân bị bạo lực thân thể chiếm đa số vì có vết tích để lại, còn bạo lực về tinh thần và bạo lực về tình dục rất khó để phát hiện. Nhất là bạo lực tình dục rất ít được chị em chia sẻ. Các vụ bạo lực xảy ra xuất phát từ nguyên nhân chính là do bất BĐG.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác BĐG, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Luật BĐG. Trong đó chú trọng nâng tỷ lệ nữ tham gia vào các tổ chức chính trị, bộ máy lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về BĐG. Ngăn chặn hành vi bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội…
Đặc biệt, nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia hành động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng, các mục tiêu cần đạt được của công tác BĐG và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày 25/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về việc triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2017.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình Đinh Danh Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Như chúng ta đã biết, vấn đề BĐG và bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay gây nhiều bức xúc trong xã hội. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về giới, BĐG và các vấn đề liên quan đến BLGĐ là hết sức cần thiết. Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức quán triệt Luật BĐG, Luật PCBLGĐ, Chương trình hành động quốc gia về BĐG, Chương trình giáo dục đời sống gia đình, Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010- 2020… bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Thời gian gần đây, số vụ BLGĐ đã giảm hơn nhờ sự duy trì các mô hình can thiệp giảm tình trạng BLGĐ, các câu lạc bộ gia đình bền vững hoạt động lồng ghép và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có BCĐ phòng, chống BLGĐ. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền được coi là một biện pháp quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng bất BĐG và BLGĐ... Tăng cường tham mưu triển khai công tác bình đẳng giới Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi Thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác BĐG. Tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động…, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện. Tuy vậy, công tác BĐG trên địa bàn còn gặp một số khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về BĐG còn kiêm nhiệm, không ổn định, chưa được đào tạo chuyên sâu. Định kiến giới, tình trạng BLĐG, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên. Để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu về BĐG, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục kiện toàn, thành lập tổ chức bộ máy Ban VSTBPN từ huyện đến cơ sở. Xây dựng, ban hành, thực hiện kế hoạch thực hiện công tác BĐG hàng năm. Chú trọng đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền. Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thức hiện Luật BĐG. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác BĐG và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định… Mong muốn phụ nữ được phát huy vai trò trong gia đình và xã hội Bùi Thị Thiển, Hội viên Hội LHPN xã Cao Răm (Lương Sơn) Trong những năm qua, phụ nữ trên địa bàn xã đã có các hoạt động thiết thực hưởng ứng các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xây dựng mái ấm tình thương, mô hình tiết kiệm theo tấm gương của Bác… Thông qua các hoạt động này đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ chúng tôi được phát huy tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian tới, chị em mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, giúp chị em tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
|