(HBĐT) - Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước là một trong những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu đổi mới, phát triển hiện nay. Bắt đầu từ cơ sở, việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) có năng lực, trình độ, gần dân, sát dân.


Cải cách TTHC để phục vụ tốt hơn

Trong hệ thống hành chính Nhà nước 4 cấp, chính quyền cấp xã (xã, phường, thị trấn) là cấp chính quyền gần dân nhất, là nơi trực tiếp tổ chức triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, giải quyết mọi vấn đề ở địa phương. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Cấp xã là gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. Để phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, thực sự là nền tảng hành chính, việc thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC để phục vụ nhân dân tốt hơn có vai trò quan trọng. Đến thời điểm này, cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” đã được triển khai thực hiện tại 210 xã, phường, thị trấn. Việc giải quyết công việc, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận "một cửa” đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Công tác cải cách TTHC luôn được chính quyền cơ sở chú trọng thực hiện, bố trí cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận "một cửa” như máy vi tính, máy in, bàn ghế, tủ đựng hồ sơ... đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc; niêm yết đầy đủ TTHC thuộc các lĩnh vực: tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, LĐ-TB&XH...


Cán bộ bộ phận "một cửa” xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) thường xuyên duy trì chế độ làm việc, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Năm 2017, UBND phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) đã tiếp nhận 5.066 hồ sơ qua bộ phận "một cửa”, trong đó lĩnh vực địa chính - xây dựng có 15 hồ sơ, tư pháp - hộ tịch 4.995 hồ sơ, văn phòng - thống kê 56 hồ sơ. Các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn theo từng lĩnh vực, đúng thẩm quyền, không có trường hợp nào quá hạn. Thực hiện cải cách TTHC, UBND phường giao công chức tư pháp - hộ tịch theo dõi, rà soát, thống kê đánh giá công tác kiểm soát TTHC, báo cáo hàng tháng, quý, năm. Phân công công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn phòng - thống kê làm việc tại bộ phận "một cửa”, phần cơ chế "một cửa liên thông” giao cho công chức tư pháp - hộ tịch đảm nhiệm. Các TTHC về địa chính - xây dựng, về lĩnh vực hộ tịch như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh, đăng ký nhận nuôi con nuôi... được niêm yết công khai tại bộ phận "một cửa”, được điều chỉnh kịp thời, chính xác theo các quyết định mới nhất của UBND tỉnh. Công tác tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận "một cửa” thực hiện theo quy trình, ngày càng đạt hiệu quả, đảm bảo đúng hẹn cho công dân đến giao dịch. Bộ phận "một cửa” đã được đầu tư trang thiết bị cơ bản, so với nhu cầu thực tế còn thiếu, tuy nhiên lãnh đạo phường luôn quán triệt CB,CC khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến giao dịch, giải quyết yêu cầu của công dân theo đúng quy định.

Thời gian qua, trên địa bàn phường không để xảy ra tình trạng quá hạn hay chậm chễ trong việc giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân.

Mấu chốt là công tác cán bộ

Để xây dựng chính quyền vững mạnh, gần dân, vì dân thì công tác cán bộ, xây dựng hình ảnh người cán bộ gần dân, sát dân được xem là mấu chốt quan trọng. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Phó Trưởng phòng Nội vụ thành phố Hòa Bình cho biết: Đội ngũ cán bộ xã, phường của thành phố hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đảm bảo trình độ đạt chuẩn theo quy định. Công tác tuyển dụng đề cao chất lượng đạt chuẩn ngay từ đầu vào, tuyển dụng theo đề án vị trí việc làm, nhờ đó chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao. Trong công tác xây dựng chính quyền có thể nói nhân tố quan trọng hàng đầu đó là con người. Mỗi CB,CC chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, nhất là đối với cán bộ làm ở bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người dân phải lắng nghe, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của dân. Sau khi tiếp nhận hồ sơ kịp thời giải quyết, trả kết quả đúng thời gian, không gây khó khăn, sách nhiễu, tạo niềm tin trong nhân dân.


Cán bộ xã Cao Sơn (Đà Bắc) tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ TTHC của người dân.

Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC luôn được xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) chú trọng, quan tâm, thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ đúng vị trí, đúng người, đúng việc, tạo điều kiện cho CB,CC đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngay từ đầu năm, xã ban hành kế hoạch về "Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của CB,CC”. UBND xã ban hành văn bản cam kết với UBND huyện, triển khai cho CB,CC ký cam kết tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đồng chí Đồng Văn Tám, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lãnh đạo xã thường xuyên nhắc nhở CB,CC luôn chú trọng thực hiện văn minh, văn hóa công sở, trong việc giải quyết TTHC hàng ngày cho nhân dân phải hết sức nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Nhìn chung, CB,CC cơ quan chấp hành tốt giờ giấc, nề nếp, mang trang phục lịch sự, đeo thẻ công chức khi thực hiện nhiệm vụ. Khi tiếp công dân có thái độ nhã nhặn, tôn trọng, biết lắng nghe, kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, cụ thể cho nhân dân. Không xảy ra tình trạng CB,CC hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ hàng tháng UBND xã thực hiện việc đánh giá CB,CC, qua đó từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ.

CB,CC cấp xã là những người đại diện cho bộ máy chính quyền gần dân, sát dân nhất nên việc giữ gìn hình ảnh trong mắt nhân dân càng phải đặt lên hàng đầu. Hình ảnh người CB,CC mẫn cán trong công việc chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, gương mẫu, đẹp trong mắt người dân thì luôn được nhân dân tin tưởng, kính trọng. Vì vậy, để tạo dựng niềm tin trong nhân dân, xây dựng chính quyền gần dân, vì dân thì mỗi CB,CC, cơ quan công quyền cần xác định được phải phục vụ dân tận tình, chu đáo, đáp ứng, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân trong khuôn khổ pháp luật.

Hà Thu


Thực hiện tốt công tác kiểm tra,đánh giá xây dựng đội ngũcán bộ cơ sở vững mạnh

5 năm trở lại đây, đội ngũ CB,CC cấp xã có nhiều thay đổi về chất lượng. Qua công tác tuyển dụng đề cao chất lượng ngay từ đầu vào, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đề án vị trí việc làm..., chất lượng CB,CC được nâng cao tác động tích cực đến hoạt động của chính quyền cơ sở. Qua theo dõi, đánh giá có trên 90% CB,CC cấp xã đạt chuẩn, nhìn chung, CB,CC cấp xã cơ bản thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, việc làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá, xếp loại CB,CC có vai trò quan trọng. Hàng tháng, quý, năm thực hiện đánh giá, chấm điểm cán bộ, qua đó biết được mức độ hoàn thành nhiệm vụ đến đâu, việc chấp hành kỷ cương, ý thức kỷ luật như thế nào từ đó có điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, xử lý nghiêm nếu xảy ra vi phạm. Người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải phát huy được vai trò trách nhiệm, thực hiện cải cách, đổi mới công tác quản lý CB,CC, xây dựng kế hoạch làm việc để mỗi CB,CC phát huy năng lực, sở trường, có ý thức phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Văn Tỵ

Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức

Bộ phận hành chính "một cửa” thường xuyên tiếp xúc với người dân đòi hỏi mỗi CB,CC phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhiệt tình, tận tụy. Chúng tôi luôn yêu cầu CB,CC không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ, rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp để phục vụ tốt nhân dân. Khi người dân chưa hiểu tận tình giải thích đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân, nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền hướng dẫn để người dân vui vẻ liên hệ đến cơ quan chức năng giải quyết. Trong giải quyết thủ tục hành chính, nhiều trường hợp được giải quyết xong trước thời hạn, thậm chí cán bộ có thể làm ngoài giờ, đi làm vào ngày nghỉ trong những trường hợp cần gấp như khai tử, xác nhận lý lịch giúp người dân hoàn thiện giấy tờ kịp thời theo yêu cầu công việc.

Đến nay, phường đã xây dựng các quy chế về văn hóa công sở, quy định về nguyên tắc, chế độ, lề lối làm việc, trình tự giải quyết công việc của UBND, quy chế "một cửa”, "một cửa liên thông” làm chuẩn mực để CB,CC tuân thủ, thực hiện.

Bùi Thế Dương

Chủ tịch UBND phường Thái Bình, Thành Phố Hòa Bình


Không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Đối với cán bộ công tác tại cơ sở, nhất là những người làm việc tại bộ phận "một cửa” thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, để hoàn thành tốt công việc cùng với yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ tận tình. Mỗi khi có công dân đến giao dịch cần tiếp đón niềm nở, lắng nghe yêu cầu của dân. Nếu người dân chưa nắm được quy trình thủ tục hành chính, chưa đầy đủ giấy tờ thì hướng dẫn cặn kẽ, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần.

Lĩnh vực tôi phụ trách liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, người có công đòi hỏi trong công việc phải hết sức cẩn trọng, đáp ứng yêu cầu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, không để chậm trễ. Ngoài việc được đi tập huấn, bồi dưỡng, bản thân tôi luôn tự trau dồi, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản chính sách mới hỗ trợ cho công tác chuyên môn; trong giao tiếp nêu cao ý thức, trách nhiệm phục vụ, giải quyết công việc đúng hẹn cho nhân dân.

Nguyễn Thị Minh Giang

Cán bộ LĐ-TB&XH xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)


Cán bộ phải gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Ở mỗi địa phương, đơn vị, CB,CC có cách làm khác nhau phù hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng cái đích cuối cùng là hướng đến quyền lợi của người dân, tạo sự hài lòng và tin tưởng của nhân dân. Điều đó đòi hỏi cán bộ phải gần dân, biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. ý kiến nào chính đáng, thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải giải quyết ngay. Nếu người dân có khúc mắc, băn khoăn cần hướng dẫn, giải thích để người dân hiểu.

Đội ngũ CB,CC phải luôn rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, chống thói làm việc tùy tiện, chủ quan. Trong mọi công việc, CB,ĐV là người gương mẫu đi đầu, lời nói phải đi đôi với việc làm, xây dựng hình ảnh người CB,CC chuyên nghiệp, trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, như vậy, nhân dân sẽ tin tưởng, ủng hộ và làm theo.

Nguyễn Thị Cúc

Thị trấn Cao Phong (Cao Phong)



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục