(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng một số dự án giao thông quan trọng như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 433, 435, 438 B… Dự kiến khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình này sẽ góp phần tạo đà thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện còn nhiều điểm vướng dẫn đến chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn vốn, công trình và bức xúc trong nhân dân.
Ì ạch tiến độ
Theo báo cáo của BQL dự án đầu tư xây dựng các
công trình giao thông tỉnh. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 433 (TP Hòa
Bình - Đà Bắc) chiều dài 18,9 km, được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh vào tháng
8/2012, đến tháng 12/2012 khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng
12/2016. Tuy nhiên, do không đảm bảo tiến độ, các bên đã thỏa thuận gia hạn hợp
đồng đến tháng 12/2018. Tính đến hết tháng 11/2017, giá trị khối lượng thi công
mới đạt 50% so với hợp đồng.
Sau nhiều năm thi công, đường 433 (TP Hòa Bình - Đà Bắc) vẫn
chưa hoàn thành, là nỗi ám ảnh của phương tiện qua lại. Ảnh chụp tại địa phận xóm Máy, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình).
ảnh: L.C
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 435 (TP Hòa Bình -
Cao Phong) thi công năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, thời điểm hiện
tại giá trị hoàn thành đạt 10,15% so với hợp đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438 B (đoạn
xã Khoan Dụ, An Bình, huyện Lạc Thủy) thi công từ tháng 11/2016, thời gian thực
hiện hợp đồng là 42 tháng, nhưng đến hết tháng 11/2017, sau một năm triển khai,
thực hiện, giá trị hoàn thành mới đạt 7,77% so với hợp đồng…
Hệ lụy của việc chậm tiến độ khi triển khai,
thực hiện các công trình giao thông, đặc
biệt là các công trình giao thông trọng điểm đã được thể hiện rõ: vừa gây lãng
phí, thất thoát nguồn vốn (do công trình
xây dựng dang dở dễ bị sạt lở, hỏng hóc qua mỗi mùa mưa bão) vừa gây ảnh
hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân ven đường. Đơn cử như tuyến
đường 433 (TP Hòa Bình- Đà Bắc), người dân chưa hết kêu ca về công tác giải
phóng mặt bằng, tái định cư để nhường đất cho dự án lại tiếp tục đặt câu hỏi
với cấp có thẩm quyền: có phương án, giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ thi
công tuyến đường và khắc phục hậu quả,trong quá trình thi công làm thay đổi
dòng chảy suối Voi, khiến vùi lấp ruộng vườn, ngập úng mồ mả và miếu thờ ở
thuộc khu vực giáp ranh xã Hòa Bình - TP Hòa Bình và xã Toàn Sơn, huyện Đà
Bắc.
Những
"nút thắt” cần được tháo gỡ
Để
trả lời câu hỏi vì sao và vì đâu nhiều công trình giao thông trọng điểm của
tỉnh trong tình trạng chậm tiến độ, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc BQL
dự án xây dựng các công trình giao thông tỉnh khái quát một số khó khăn, vướng
mắc phát sinh trong quá trình thi công đó là: Thiếu vốn và gặp khó trong giải
phóng mặt bằng. Đối với dự án cải tạo
nâng cấp đường 433 (TP Hòa Bình- Đà Bắc), tháng 4/2017 đã được Bộ Kế hoạch và
Đầu tư giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn
2016 - 2020. Dự kiến dự án được giao kế
hoạch vốn khoảng 250 tỷ đồng. Như vậy, khi kế hoạch vốn năm 2018 - 2020 được
giao sẽ phải trả nợ vốn đã vay (tạm ứng ngân sách tỉnh, ứng trước ngân sách
T.ư) vẫn còn thiếu khoảng 4 tỷ đồng. Do đó dự án sẽ không có vốn để tiếp tục
triển khai thi công, xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng và đảm
bảo giao thông trên tuyến. Hiện, đoạn qua xã Hòa Bình - TP Hòa Bình có 4 hộ bị
sạt lở nhà phải chuyển xuống ở nhờ tại nhà văn hóa xã; 13 hộ thuộc diện tái
định cư đã kiểm kê từ năm 2013 và 25 hộ thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở đã kiểm
kê nhưng chưa thực hiện bồi thường và di dời do chưa có vốn và chưa xây dựng
được khu tái định cư.
Đối
với dự án cải tạo, nâng cấp đường 435 (TP Hòa Bình - Cao Phong), lý do chậm
tiến độ được xác định là việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập dẫn đến tình
trạng vi phạm hành lang giao thông (phổ biến). Một số vấn đề về lịch sử đất đai
chưa được giải quyết dẫn đến khó khăn cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính,
quy chủ… Hiện đoạn km 9+00- km 10+192 đã bàn giao cho đơn vị thi công nhưng
đang bị ngập hoàn toàn do nước sông Đà dâng cao nên không thể triển khai thi
công.
Tuyến đường từ ngã ba Tòng Đậu đến UBND xã Phúc Sạn (Mai
Châu)đã xuống cấp, nhiều điểm bị sạt gây ách tắc giao thông trong đợt mưa lũ lịch sử ngày 9 -12/10 vừa qua.
Đối
với dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438 B trải dài 24,2 km qua địa phận 4
xã: Khoan Dụ, Liên Hòa, An Lạc và An Bình của huyện Lạc Thủy, số hộ bị ảnh
hưởng đất và tài sản trên đất sau GPMB lớn, công tác kiểm kê mất nhiều thời
gian, thời tiết lại không thuận lợi dẫn đến chậm tiến độ. Một phần cũng vì công
tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập dẫn đến quá trình đo đạc phải tiến hành
lại nhiều lần. Một mặt, phần lớn các hộ dân chưa cung cấp và chứng minh đầy đủ
các giấy tờ về đất, tài sản trên đất, dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất, diện
tích sử dụng đất, giá trị công trình của các hộ bị ảnh hưởng hết sức khó khăn,
phức tạp. Về vốn, trong năm 2017 dự án chỉ được bố trí 10 tỷ đồng, không đáp
ứng cùng lúc cho công tác GPMB và thực hiện thi công xây lắp…
"Liệu cơm, gắp mắm” khi phê duyệt, triển khai
các công trình giao thông trọng điểm
Đây
là nội dung cốt lõi trong kiến nghị, đề xuất của Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND
tỉnh) đối với UBND tỉnh qua quá trình khảo sát, giám sát tiến độ đầu tư xây
dựng một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị trong thời gian tới, UBND
tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định các dự án ưu tiên để tập
trung bố trí vốn và hoàn thành dứt điểm. Xác định điểm dừng kỹ thuật và kế
hoạch đầu tư đối với từng dự án cụ thể. Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn
thành và đưa vào sử dụng, dự án đã phê duyệt quyết toán và các dự án hoàn thành
trong năm 2018. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án vốn nước ngoài; hạn chế
khởi công dự án mới. Chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh vốn
cho các dự án phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các
chủ đầu tư thực hiện quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành, đưa vào
sử dụng và có biện pháp xử lý đối với những chủ đầu tư không thực hiện theo quy
định. Có phương án tìm nguồn vốn để tập trung bố trí cho công tác GPMB , tái
định cư và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo đường 433, đoạn km0-km23 (
tập trung thực hiện hoàn thành trong năm 2018 khoảng 10km từ TP Hòa Bình đi Đà
Bắc). Tăng vốn đầu tư hàng năm cho các dự án cải tạo, nâng cấp đường 435 và
đường 438 B. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, chủ đầu tư sớm hoàn thành việc xây
dựng khu tái định cư để di chuyển 40 hộ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án cải
tạo đường tỉnh 435. Bổ sung nguồn vốn đối ứng còn thiếu để thực hiện công tác
bồi thường GPMB và tái định cư công trình cầu Hòa Bình 3 và đường dẫn…
Qua cấp có thẩm quyền kiến nghị với Chính phủ,
các Bộ : Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư
quan tâm bố trí các nguồn vốn để Hòa Bình thực hiện các dự án phát triển
đô thị, các dự án đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình và các dự án giao
thông trọng điểm có tính kết nối liên tỉnh để phát triển KT-XH của địa phương.
Bố trí đủ vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (nguồn
vốn T.ư có mục tiêu) đối với các dự án đã được T.ư thẩm định nguồn vốn và khả
năng cân đối vốn để tỉnh có nguồn lực thực hiện các dự án theo tiến độ đã
duyệt. Các công trình giao thông trọng điểm có tác động lớn đến an sinh xã hội,
thu hút đầu tư, làm đổi thay diện mạo của vùng… bởi vậy cần tập trung tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa các dự án
vào khai thác đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Thúy Hằng
Nhóm ý kiến:
Việc thi công các công trình giao thông trọng điểm nên được
triển khai dưới hình thức "cuốn chiếu”
Hiện tại, việc chậm tiến độ thi công trên các công trình
giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh là phổ biến mà nguyên nhân chính là do
thiếu vốn và gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Để giải quyết 2 vấn đề mấu
chốt này không thể là chuyện "một sớm, một chiều” và khó chủ động vì còn phụ
thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ của T.ư, ngân sách của tỉnh hàng năm. Các BQL dự
án cần nắm rõ những nội dung này để chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai theo
hình thức "cuốn chiếu”, tránh dàn trải. Thi công đến đâu dứt điểm đến đó. Chỉ
đạo nhà thầu đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người tham gia giao
thông.
Riêng với dự án đường 433 (Hòa Bình- Đà Bắc) đã kéo dài
nhiều năm đề nghị tỉnh cân đối vốn; đường 435 (TP Hòa Bình- Cao Phong) là con
đường huyết mạch phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cần bố trí vốn
sớm hơn để thi công dứt điểm.
Lê Ngọc Quản
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
Có kế hoạch, giải pháp cụ thể để các công trình được đầu
tư đảm bảo chất lượng và tiến
độ
Qua quá trình triển khai các dự án, BQL dự án đã nhận định
rõ những nhân tố ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án. Cụ thể trong công tác
giải phóng mặt bằng, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa BQL dự án với Hội đồng
đền bù giải phóng mặt bằng các huyện sẽ giải quyết sớm việc đền bù cho nhân dân
địa phương. Theo đó, các hộ dân trong vùng dự án sẽ đồng thuận ứng mặt bằng cho
nhà thầu thi công.
ảnh hưởng trái ngược là vốn bố trí hàng năm cho các dự án
không đáp ứng biểu đồ tiến độ theo biểu đồ kế hoạch dẫn đến kéo dài thời gian
thi công. Để các công trình đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ cần bố trí cán
bộ theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục để giám sát kỹ thuật chất lượng và
giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công. Đôn đốc nhà thầu
tập trung nhân lực, máy móc thi công để hoàn thành khối lượng giá trị theo kế
hoạch năm đã giao.
Nghiêm Văn Nghĩa
Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT
Mong muốn đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành theo kế hoạch dự kiến
Dự án làm đường ĐT.433 đi xóm Rằng, xã Cao Sơn đến xã Trung
Thành – Yên Hòa được triển khai có ý nghĩa hết sức thiết thực. Khi hoàn thành,
tuyến đường sẽ kết nối các xã Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hòa và Đồng Ruộng.
Đồng thời, rút ngắn quãng đường đi về thị trấn Đà Bắc trên 30 km so với tuyến
đường hiện nay. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh
việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế cũng
như thúc đẩy việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công của dự án còn rất chậm,
đơn vị thi công đã dừng các hoạt động. Với những ý nghĩa hết sức quan trọng của
dự án, chính quyền và nhân dân rất mong muốn các cơ quan hữu quan quan tâm đẩy
nhanh tiến độ thi công để dự án hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.
Lường Văn Đương
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành (Đà Bắc)
(HBĐT) - Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH, toàn tỉnh có 209.136 người (tính từ 18 tuổi trở lên), chiếm 25,1%/tổng dân số. Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG), giai đoạn 2007- 2017, vị thế của người phụ nữ được nâng cao, được quan tâm. Bản thân họ đã tự tin, khẳng định đúng vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
(HBĐT) - Trong quá trình phát triển, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều dự án đầu tư đòi hỏi phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC).
(HBĐT) - Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ – TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.
(HBĐT) - Quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này đã tạo ra mặt trái, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường.
(HBĐT) - Theo quy định tại Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì thôn, xóm thuộc vùng miền núi như tỉnh ta phải có từ 100 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có từ 150 hộ trở lên. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có đến 1.164/1.762 xóm (chiếm 66%) có quy mô dưới 100 hộ gia đình và 253/297 tổ dân phố (chiếm 85%) có quy mô dưới 150 hộ gia đình. Việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố nhằm tạo sự công bằng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo... Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện thí điểm, đề án đang vấp phải một số trở ngại do địa hình cách trở, văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, thiếu cơ sở hạ tầng...
(HBĐT) - Đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi hiện hành, xác định rõ thế mạnh của từng vùng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, lựa chọn chương trình ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư... Đó là những giải pháp quan trọng mà tỉnh ta đang tích cực triển khai với quyết tâm tạo nền tảng thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT).