(HBĐT) - Tỉnh ta đang sở hữu nhiều loại nông sản có chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT: ước tính có trên 80% lượng nông sản hiện nay chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về giá lẫn khả năng tiêu thụ. Trong khi đó, các thị trường ngoại tỉnh luôn có nhu cầu cao đối với mặt hàng này nhưng cơ hội đưa sản phẩm vươn xa của chúng ta rất hạn chế. Chính vì thế, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường cho nông sản chất lượng cao.


"Chìa khóa” để phát triển thị trường

Theo Sở NN&PTNT, trên 80% lượng nông sản của tỉnh ta đang được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh, chủ yếu do các tiểu thương mua trực tiếp của người sản xuất theo giá thỏa thuận, tỷ lệ giao dịch mua bán qua hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm rất thấp, tính pháp lý không cao và dễ bị vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc lượng nông sản trên đang phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị hạ thấp giá trị do tư thương ép giá hoặc rơi vào tình trạng được mùa – mất giá, cung vượt quá cầu dẫn đến không tiêu thụ được, tồn đọng kéo dài làm giảm chất lượng vốn có của nông sản. Đây là những diễn biến ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả sản xuất, tâm lý của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.


Các sản phẩm quả có múi của HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi) có chất lượng cao, được gắn tem, mác đáng tin cậy nên người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Trong khi đó, khả năng cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh luôn được đánh giá khá cao. Cụ thể: Về trồng trọt, trong tổng diện tích gieo trồng hàng năm 47,7 nghìn ha, diện tích cây ăn quả có múi đạt 8,08 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 8,87 vạn tấn/niên vụ, gồm cam, quýt 4.321 ha, diện tích cho thu hoạch 2.328 ha, sản lượng khoảng 5,94 vạn tấn; bưởi 3.260 ha, diện tích cho thu hoạch 1.438 ha, sản lượng khoảng 2,6 vạn tấn; chanh 479 ha, diện tích cho thu hoạch 347 ha, sản lượng khoảng 0,22 vạn tấn. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 7,03 triệu con, trong đó đang hình thành các vùng, trang trại chăn nuôi tập trung, chuyên sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm hữu cơ an toàn. Về thủy sản, hiện nay đã có khoảng 4.000 lồng nuôi, sản lượng đạt khoảng 12 nghìn tấn/năm với các loại cá, tôm đặc sản sông Đà rất được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn hoạt động hiệu quả, góp phần cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản - Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, tỉnh đang có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đánh giá cao về chất lượng và lợi thế cạnh tranh. Tiêu biểu như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, mía tím, mật ong, cá vùng hồ sông Đà... Đó là những nông sản chủ lực, được sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và lưu thông trên thị trường với bao bì, nhãn mác đáng tin cậy. Trong 3 năm gần đây, kết quả kiểm tra, giám sát mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản đều cho thấy, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đảm bảo tốt các tiêu chí về an toàn thực phẩm; các sản phẩm rau, quả trên địa bàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chưa phát hiện mẫu thủy sản nào có dư lượng kháng sinh cấm, việc sử dụng chất cấm salbutamol và cysteamine đều không có trong sản phẩm thịt lợn. 100% sản phẩm chủ lực nằm trong chuỗi giá trị của tỉnh đều đảm bảo an toàn thực phẩm. Lấy chất lượng cao làm "chìa khóa” hữu hiệu để phát triển thị trường, các sản phẩm này không những tiêu thụ tốt trên địa bàn tỉnh mà còn đang trên đường vươn tới các thị trường lớn hơn như Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Cũng cho rằng chất lượng cao chính là "chìa khóa” phát triển thị trường cho nông sản, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam - đơn vị đang sở hữu hệ thống nhà hàng và chuỗi 20 siêu thị Fivimart trên cả nước khẳng định: Chất lượng sản phẩm chính là giá trị cốt lõi khiến Nhất Nam tin tưởng lựa chọn các loại nông sản sử dụng trong chuỗi nhà hàng của công ty cũng như phân phối tại hệ thống siêu thị Fivimart. Các sản phẩm bày bán tại Fivimart đều đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo được lòng tin đối với khách hàng. Fivimart đã chú ý đẩy mạnh ngành hàng thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn với hàng trăm món ăn đã qua sơ chế và nấu chín. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nông sản sạch của hệ thống siêu thị này rất cao. Hiện nay, Fivimart đang nhập ba loại nông sản của Hòa Bình, gồm cam Cao Phong, cá sông Đà (do Công ty TNHH Cường Thịnh cung ứng), măng Kim Bôi (do Công ty CP Nông, lâm sản Kim Bôi cung ứng). Các sản phẩm này đều có chất lượng cao nên khả năng tiêu thụ tốt và nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Vì thế trong thời gian tới, Công ty dự kiến tiếp tục nhập sản phẩm với khối lượng lớn hơn để phân phối tại hệ thống siêu thị Fivimart, tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Được biết, trong số các nông sản chủ lực của tỉnh hiện nay, một số sản phẩm đã bứt khỏi thị trường nội tỉnh và thâm nhập vào thị trường Hà Nội như mía tím, cam, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá lòng hồ... Đáng tiếc là sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, mới chỉ ở chợ và siêu thị nhỏ, chưa được mua bán trên sàn giao dịch và các siêu thị lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường này luôn được xác định là rất cao đối với các mặt hàng nông sản chất lượng. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới khơi thông thị trường Hà Nội và phát triển sang một số thị trường tiềm năng khác trong khu vực.

Sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa thị trường

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp xác định cần ưu tiên phát triển thị trường cho nông sản chất lượng cao theo hướng đa dạng hóa để giảm sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường nội tỉnh, đồng thời tạo thêm động lực thúc đẩy sản xuất. Chúng ta đang sở hữu nhiều loại nông sản chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và sẵn sàng vươn tới các thị trường lớn. Vấn đề còn lại là cần khai thác hiệu quả các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, cần chú trọng thu hút sự tham gia của doanh nghiệp để hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Các doanh nghiệp tại Hà Nội khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm cá, tôm lòng hồ sông Đà nuôi tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) - sản phẩm nằm trong chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, mặc dù các mặt hàng nông sản của ta có tiềm năng lớn, chất lượng tốt nhưng vì quy mô sản xuất từng hộ còn nhỏ lẻ và thiếu sự liên kết nên rất khó đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các thành phố lớn, nhất là các thị trường khó tính như hệ thống siêu thị và nhà hàng. Để giải được bài toán này, nhất thiết phải hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó đặt cầu nối cung ứng sản phẩm của Hòa Bình đến các thị trường tiềm năng như Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận.

Cụ thể, trong năm 2017, Sở NN&PTNT đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với thị trường Hà Nội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hà Nội đã được thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, tìm hiểu về quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cung ứng sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp, người sản xuất tại Hòa Bình. Qua quá trình xúc tiến thương mại, hai bên từng bước xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, bước đầu hình thành được một số chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm của Hòa Bình tới một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội như: chuỗi rau hữu cơ Lương Sơn được kết nối với ba đối tác doanh nghiệp là Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và VinaGap; chuỗi su su Quyết Chiến cung cấp cho hệ thống các siêu thị Fivimart của Công ty CP Nhất Nam, hệ thống cửa hàng của Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam và cung cấp cho chợ đầu mối Long Biên để vào thị trường Hà Nội; chuỗi cá sông Đà do Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp cho Công ty An Việt...

Nhìn rộng ra những năm gần đây, có thể thấy quyết tâm phát triển thị trường cho nông sản chất lượng cao của tỉnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực nhằm tăng giá trị và lợi thế cạnh trạnh cho sản phẩm khi lưu thông tại các thị trường lớn. Cùng với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động tìm hiểu thị trường và liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đó thực sự là những hoạt động hiệu quả nhằm chung tay phát triển thị trường cho nông sản theo hướng đa dạng và chuyên nghiệp hóa, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Thu Trang

 

Nếu khai thác tốt thị trường Hà Nội, nhiều cơ hội khác sẽ mở ra với nông sản Hòa Bình

Hà Nội có dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm rất lớn, nhất là những nông sản đảm bảo ATTP và có thể truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, Hòa Bình có nhiều đặc sản địa phương được ưa chuộng khi lưu thông trên thị trường Hà Nội như cam Cao Phong, gà đồi Lạc Sơn, cá sông Đà, bưởi đỏ Tân Lạc... Chính vì vậy, Hòa Bình nên xúc tiến nhiều hoạt động để đưa các sản phẩm nổi bật của địa phương vào thị trường Hà Nội.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ rau, thịt sạch của thị trường Hà Nội rất lớn nhưng sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được một phần. Chính vì vậy, thành phố có chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước để xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó sẽ hợp tác đưa hệ thống bán lẻ tại siêu thị thành kênh tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp và hiệu quả.

Là địa phương có vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội, tỉnh Hòa Bình cần tận dụng lợi thế này để khơi thông thị trường Hà Nội. Đây cũng chính là "cửa ngõ” thuận lợi để sản phẩm của các bạn đến được với các thị trường tiềm năng khác như các tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu. Tôi tin rằng, nếu khai thác tốt thị trường Hà Nội, không những các bạn đã sở hữu được cơ hội lớn mà nhiều cơ hội khác sẽ mở ra với nông sản Hòa Bình.

Tạ Văn Tường

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội


Phát triển thị trường thông qua kết nối đa chiều và đa phương tiện

Công ty CP Nông lâm sản Kim Bôi chuyên chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó chủ lực là sản phẩm măng Kim Bôi đã được sơ chế đảm bảo chất lượng. Mỗi năm, Công ty cung ứng khoảng 1.000 tấn với 30 sản phẩm măng các loại. Sản phẩm này hiện chiếm trên 60% thị phần tại các hệ thống siêu thị trong cả nước và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường như hiện nay, từ năm 2015, Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường với phương pháp kết nối đa chiều và đa phương tiện. Cụ thể, kết nối đa chiều được xúc tiến giữa công ty với các nhà cung cấp nguyên liệu, các cơ sở KHKT, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phân phối và các cơ quan quản lý Nhà nước. Kết nối đa phương tiện được xúc tiến thông qua các hội nghị, triển lãm, hội chợ, các tổ chức, nghiệp đoàn, đặc biệt là ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh của công nghệ và mạng internet để quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình. Đến nay, chiến lược phát triển thị trường của Công ty vẫn cho thấy hiệu quả tốt, góp phần đắc lực đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Ngô Đức Sinh

Giám đốc Công ty CP Nông lâm sản Kim Bôi

 

Mong có nhiều cơ hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm

HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc đang sản xuất tập trung quy mô lớn các loại bưởi chất lượng cao, gồm bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam, quýt... đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi rất tự tin với chất lượng sản phẩm của mình và có khả năng cung ứng ra thị trường số lượng lớn sản phẩm. Chính vì vậy, rất mong có nhiều cơ hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường tiềm năng mà HTX hướng tới là Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc thông qua các nhà phân phối, kênh bán lẻ và hệ thống siêu thị.

Phạm Khắc Thường

HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục