Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh gắn tuần tra, kiểm soát với công tác tuyên truyềnnâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Để đạt được kết quả đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp với các phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng đối tượng. Tiêu biểu như: Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban ATGT các huyện, thành phố tổ chức 22 lớp tuyên truyền và phát các tài liệu về TTATGT tại các xã, phường, thị trấn cho 2.200 học viên tham gia; lắp đặt 7 cụm panô tuyên truyền pháp luật về ATGT taị các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; trạm kiểm tra trọng tải xe phát hành 15.000 tờ rơi về vận tải đường bộ, 5.000 tờ rơi quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức ký cam kết đối với 75 đơn vị là đầu mối nguồn hàng, kinh doanh vận tải hàng hóa. Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức 51 buổi tuyên truyền các nội dung của Luật giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại các trường học, KDC với hơn 18.500 người tham dự; tặng 550 mũ bảo hiểm, 250 áo phao và dụng cụ nổi... Qua đó đã tạo nên các hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định về TTATGT.
Bên cạnh đó, công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái và kiểm soát tải trọng phương tiện được quan tâm, chú trọng. Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thông qua theo dõi, trích xuất thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô và công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT đã thu hồi 97 phù hiệu các loại và giấy phép kinh doanh vận tải của 1 đơn vị. Đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động của các cảng, bến, phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh. Công bố công khai danh sách các phương tiện thuỷ nội địa không đủ điều kiện hoạt động tại các bến để khuyến cáo, nhắc nhở người dân không sử dụng các phương tiện này và đề nghị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, thực hiện "Tháng hành động thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh”, công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT được tăng cường. Các lực lượng chức năng đã tháo dỡ 1.074 mái che, mái vẩy, 1.124 biển quảng cáo, 23 lều quán...Trên đường bộ, lực lượng Thanh tra và CSGT đã phát hiện, lập biên bản 13.945 trường hợp vi phạm, xử phạt 11.366 trường hợp với tổng số tiền trên 10, 6 tỷ đồng, tạm giữ 2.999 phương tiện các loại, tước 778 giấy phép lái xe. Trên đường thuỷ nội địa, các lực lượng đã kiểm tra 407 trường hợp, xử phạt trên 716 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 130 phương tiện...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 102 vụ TNGT làm 78 người chết, 79 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 11 vụ, giảm 14 người chết và 4 người bị thương. Trong thực tế, tình hình TNGT vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng là thời điểm của mùa lễ hội với số lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến càng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích của các tầng lớp nhân dân mới hy vọng có thể tiếp tục kéo giảm TNGT.
Mặc dù đã có biển cấm nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ vẫn diễn ra thường xuyên trên đường Chi Lăng (TP Hòa Bình).
Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nguyễn Văn Hải đánh giá: Qua thống kê, phân tích nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định về TTATGT như: lạm dụng rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường; sử dụng xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng...Một phần nguyên nhân gây tử vong cao trong các vụ TNGT là do người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm. Số vụ TNGT do nam giới gây ra chiếm 96%; thời gian xảy ra TNGT cao nhất là từ 18 - 24 giờ, chiếm 35%; phương tiện xảy ra tai nạn nhiều nhất là xe máy, chiếm 60% tổng số vụ TNGT. Tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông vẫn diễn ra phổ biến tại TP Hòa Bình, các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Kỳ Sơn...
Cùng với thực trạng về tình hình ATGT đường bộ, trên các tuyến đường thuỷ nội địa, nhất là vùng hồ Hoà Bình vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm có biện pháp tháo gỡ, giải quyết và xử lý dứt điểm. Đó là còn hơn 200 tàu chở khách không đủ điều kiện về đăng kiểm vẫn cố tình hoạt động tại các bến Bích Hạ, Thung Nai. Việc trang bị, sử dụng các thiết bị an toàn như PCCC, cứu hộ, cứu nạn chưa thực sự đầy đủ, nghiêm túc. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là đường giao thông, bến bãi chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn.
Những tháng đầu năm, vừa là thời điểm đón Tết, vui xuân, vừa là mùa lễ hội, dự báo tình hình TTATGT sẽ diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT càng đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, nguyên nhân chính để có thể kéo giảm TNGT.
Đức Phượng
* Mỗi người dân là một tuyên truyền viên về chấp hành Luật lệ giao thông Lê Sơn Hải Phường Tân Thịnh - TP Hòa Bình
Tình trạng vi phạm TTATGT hiện nay thực sự là vấn đề bức xúc, nhức nhối. Vì thế, toàn xã hội phải cùng chung sức, đồng lòng kéo giảm TNGT. Để góp phần bảo đảm TTATGT thì mỗi người hãy tự xem mình là một tuyên truyền viên để vận động mọi người và nhắc nhở chính mình luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Có như vậy, số vụ TNGT cũng như số người thương vong vì TNGT mới có thể kéo giảm. Đặc biệt, mọi người không nên xem thường việc đội mũ bảo hiểm hay đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, vượt qua đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại di động khi lái xe, sử dụng còi xe sai quy định, đi bộ không đúng nơi quy định… Đừng cho đó là chuyện nhỏ mà hãy xác định đó là hành vi sai phạm có thể gây thương vong cho người khác. Tuyệt đối không được lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Nếu đã lỡ uống rượu, bia nên đi xe buýt hay các phương tiện công cộng khác để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông. * Cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông Bùi Văn Khánh Thị trấn Vụ Bản - Lạc Sơn
Cha mẹ cần tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để làm gương cho con cái. Nếu như cha mẹ lái xe mô tô mà không đội mũ bảo hiểm hay vượt đèn đỏ thì đó là hành vi xấu ảnh hưởng đến nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của chính con em mình. Cha mẹ cần quản lý con em mình, không để quá nhỏ tuổi tự đi học. Học sinh lớn hơn nhưng chưa đủ tuổi, chưa được cấp giấy phép lái xe thì không được cho lái xe gắn máy. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và có biện pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông. Có thể hạ bậc hạnh kiểm nếu học sinh vi phạm TTATGT. Bên cạnh đó, mọi người cần thể hiện lòng nhân ái khi tham gia giao thông như cứu giúp người bị tai nạn, đưa người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Luôn có thái độ ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông. Thực tế đã có không ít người chỉ vì có thái độ hành xử kém văn hoá như lạng lách, đánh võng, đi sai phần đường, gây gổ đánh nhau mà làm cho giao thông bị ùn tắc, thậm chí tạo nguy cơ gây tai nạn giao thông. * Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông Vũ Thành Nam Xã Thái Thịnh - TP Hòa Bình Chúng tôi mong muốn các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Trong thực tế, thời gian xảy ra TNGT cao nhất từ 18 - 24 giờ. Vì vậy cần tăng cường tuần tra kiểm soát vào ban đêm để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với người vi phạm. Các ngành chức năng cần định kỳ kiểm tra sức khoẻ lái xe, không cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma tuý, rượu, bia và các chất kích thích khác. Trường hợp đã có giấy phép lái xe phải buộc người đó cai nghiện, không cho điều khiển phương tiện. Người nghiện nặng không thể cai nghiện được thì phải thu hồi giấy phép lái xe, cấm điều khiển phương tiện. Quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có lái xe nghiện ma tuý, rượu, bia gây tai nạn hay chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải. Không chỉ dịp Tết và mùa lễ hội, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và công bố công khai danh sách tàu thuyền không đủ điều kiện hoạt động tại các bến cảng, nhất là trên vùng hồ Hòa Bình. Đồng thời, đình chỉ hoạt động để đảm bảo an toàn cho hành khách và kiên quyết xử lý đối với những phương tiện cố tình vi phạm.