Đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển mạng lưới
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh: hiện trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Hạ tầng viễn thông đã phát triển rộng khắp với trên 1.530 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động), 14 tổng đài. Dịch vụ thông tin di động thế hệ 2G phủ sóng 98% diện tích có người dân; 3G, 4G đã phủ 80% diện tích có người dân trên địa bàn tỉnh, mạng internet di động cơ bản đã phủ đến tất cả các xã; cáp quang đã đến 209/210 xã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, internet trên địa bàn hoàn thiện thủ tục xây dựng các công trình (theo giấy phép đã được Bộ TT&TT cấp), phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh và theo quy định của pháp luật, sau khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1469, ngày 13/10/2014 về "phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Sở TT&TT đã thẩm định vị trí xây dựng trạm BTS phù hợp với quy hoạch viễn thông thụ động của tỉnh để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục xây dựng theo quy định.
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp 1-2 Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) tiếp cận với công nghệ thông tin qua giờ học tin học.
Trong năm 2017, Sở TT&TT đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của các doanh nghiệp Viễn thông Hòa Bình, Viettel Hòa Bình, Mobifone Hòa Bình... Đây là cơ sở để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phát triển trạm BTS.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp cản trở, khiếu kiện của người dân về việc xây dựng trạm BTS, cán bộ Sở phối hợp với doanh nghiệp thông tin di động xuống địa bàn tuyên truyền, giải thích cho người dân. Cùng với đó, Sở TT&TT đã biên soạn, in ấn, phát hành hơn 1.500 quyển tài liệu tuyên truyền về việc sóng điện từ của trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chuyển tải tới cơ sở. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền về sóng điện từ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực viễn thông - internet
Có thể nói, từ khi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP. Theo đó, lĩnh vực viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh ta đạt tốc độ phát triển nhanh, công nghệ liên tục có sự đổi mới, tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Phần ưu đã rõ, nhưng nếu không quản lý tốt thì mặt trái của viễn thông, internet sẽ lấn lướt, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đó là vấn đề an ninh mạng, sự hỗn độn các loại trò chơi trên mạng internet; quảng cáo trên mạng thông tin máy tính và trên các trang thông tin điện tử; tin nhắn rác, tin nhắn mang tính lừa đảo trên điện thoại di động và cả việc mất an toàn, mất mỹ quan khi các nhà mạng đua nhau đấu nối đường dây, phát triển các trạm BTS...
Để nắm về thực trạng, xác định những tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ... vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã giám sát công tác quản lý Nhà nước và hoạt động về lĩnh vực viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã xác định rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết thúc đợt giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đề nghị: Các cấp, các ngành hữu quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực viễn thông, internet. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của tỉnh về các hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và kinh doanh, sử dụng dịch vụ internet trên địa bàn.
Bằng văn bản, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã đề nghị Bộ TT&TT: sớm xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn ngành quy định cụ thể về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng, ngầm hoá mạng cáp viễn thông. Hướng dẫn các bước triển khai, thực hiện chương trình viễn thông công ích để các địa phương thực hiện. Sửa đổi điều kiện thụ hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số cho kênh truyền hình địa phương sử dụng vệ tinh VINASAT cho phù hợp với thực tế. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc quản lý, kiểm tra chất lượng dịch vụ để bảo vệ tốt quyền lợi của người sử dụng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm kinh phí đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chuyên ngành về viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện, truyền dẫn, phát sóng...
Chỉ đạo các ngành, các cấp trong quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị cần có ý kiến tham gia của ngành TT&TT. Đối với các KCN, khu đô thị mới trong thiết kế cần bố trí thêm hạng mục hạ tầng viễn thông, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông cùng tham gia ngầm hóa cáp viễn thông. Sở TT&TT cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch và tổ chức triển khai việc hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông, truyền hình, điện lực đảm bảo mỹ quan đô thị tại các khu vực thị trấn, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách để triển khai sớm "Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”; ban hành Quy định về quản lý điểm truy nhập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, viễn thông - internet trên địa bàn tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người kinh doanh, người sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet và mọi người dân hiểu rõ hơn về internet, trạm BTS. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong kinh doanh, sử dụng các dịch vụ Internet, điện thoại di động. Phối hợp với tập đoàn ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng quảng cáo không đúng quy định, gây phản cảm, tin nhắn rác, tin nhắn mang tính lừa đảo, xuyên tạc, phản động trên mạng Internet và điện thoại di động... để viễn thông - internet thực sự là nền tảng cho quá trình hội nhập và phát triển của tỉnh...
Thúy Hằng
Nhóm ý kiến:
Sâu sát trong quản lý dịch vụ kinh doanh Internet
Trong những năm qua, thành phố Hòa Bình luôn dành sự quan tâm thỏa đáng, tạo nền tảng cho viễn thông, internet phát triển. Số lượng đại lý, đơn vị cung cấp và người sử dụng dịch vụ inetrnet ngày càng tăng, góp phần hiện đại hóa và mang lại nhiều tiện ích trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện tại cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Công tác quản lý đối với dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn đó là: Vẫn còn trường hợp xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động chưa tuân thủ theo trình tự, quy trình đã được quy định. Với lĩnh vực internet còn khó kiểm soát nội dung truy cập, đối tượng truy cập tại các đại lý. Một số đại lý vi phạm quy định về giờ đóng, mở cửa. Hiện, trên địa bàn thành phố có 63 điểm truy nhập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các phường, xã hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở cài đặt, ứng dụng phần mềm quản lý đại lý nhằm ngăn chặn, kiểm soát khách hàng truy nhập vào các trang thông tin không lành mạnh. Đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và trò chơi điện tử trên mạng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ tại các điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trò chơi điện tử trên mạng.
Nguyễn Thế Dũng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình
Quan tâm tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp mở rộng dịch vụ
Với 13 đơn vị trực thuộc rải đều ở 11 huyện, thành phố, đến nay, Viễn thông Hòa Bình có trên 400 trạm BTS thu/phát sóng dịch vụ điện thoại di động Vinaphone. Hệ thống tổng đài điện thoại cố định trên 30.000 số. Cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao chiếm 70% thị phần khách hàng của tỉnh. Phát triển trên 11.000 thuê bao thuộc hệ thống truyền hình IPTV MyTV. Duy trì hệ thống thu/phát tín hiệu (hệ đặc biệt) phục vụ liên lạc nội bộ các cơ quan Đảng và chính quyền từ T.ư về tỉnh. Cung cấp các phần mềm bản quyền về ứng dụng CNTT, dịch vụ công…
Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực viễn thông, CNTT, thị trường di động, băng rộng đã ở mức bão hòa, dịch vụ điện thoại cố định tiếp tục xu hướng thoái trào…đã trở thành khó khăn, thách thức lớn của đơn vị.
Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, trong thời VNPT Hòa Bình đề nghị: Bộ TT&TT phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng viễn thông công ích (VTCI) để doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ VT-CNTT tới các khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Cấp có thẩm quyền của tỉnh có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm thu phát sóng mới để mở rộng không gian, đối tượng phục vụ trên địa bàn.
Nguyễn Văn Thường
Phó Giám đốc Viễn thông Hòa Bình