Song song với khai thác, ngành nông nghiệp chú trọng tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản để tái cơ cấu thủy sản theo hướng bền vững. ảnh: Các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT thả cá giống tại khu vực xã Thung Nai (Cao Phong).
Quyết tâm tạo đột phá
Kim Bôi là địa phương tích cực thực hiện Đề án TCCNNN và đã đạt những thành quả quan trọng sau 5 năm bám sát lộ trình này. "Xin khẳng định đây là đề án hết sức đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển của nông nghiệp (NN) huyện Kim Bôi” – đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi khẳng định, đồng thời cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, NN huyện Kim Bôi chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mới chỉ có 2 HTX được thành lập nhưng chưa hoạt động đã có 1-2 chuỗi liên kết sản xuất nhưng quy mô nhỏ, thu nhập từ NN thấp, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích dưới 60 triệu đồng/năm. Quyết tâm tạo đột phá trong sản xuất NN, huyện Kim Bôi đã triển khai Đề án TCCNNN trên nền tảng nhận thức: Lựa chọn sản phẩm chủ lực của địa phương để tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, các vùng sản xuất tập trung đã được hình thành như vùng trồng bí xanh, bí đỏ (khoảng 400 ha), các loại dưa (500 ha), vùng trồng mía (800 ha), vùng cây ăn quả có múi (1.069 ha), vùng trồng nhãn (200 ha), vùng sản xuất hạt giống (70 ha)… Nhiều loại cây trồng đã được đầu tư thâm canh cho năng suất và thu nhập cao như mướp đắng lấy hạt (500-600 triệu đồng/ha), bí đỏ lấy hạt (350-450 triệu đồng/ha), nhãn, cam (250-300 triệu đồng/ha), bí xanh và các loại dưa (200-250 triệu đồng/ha)…
Song song với nỗ lực tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, huyện Kim Bôi đã chú trọng tổ chức các chuỗi liên kết sản xuất, từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất quy mô lớn được duy trì hàng năm như: chuỗi sản xuất hạt giống các loại với khoảng 130 ha/vụ, chuỗi sản xuất cây có múi 125 ha, chuỗi rau an toàn 10 ha, chuỗi dưa chuột Nhật 15ha/vụ, ngô ngọt khoảng 100 ha/vụ, chuỗi thịt lợn sạch quy mô 600 – 800 con… Đặc biệt cùng với quyết tâm tổ chức lại sản xuất, trong 5 năm qua, huyện đã khuyến khích thành lập 23 HTX, trong số 21 HTX hoạt động trong lĩnh vực NN có 11 HTX tham gia các chuỗi liên kết rất hiệu quả. Có thể nói, sự xuất hiện của HTX cũng như các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất đã tạo được bước đột quá quan trọng để huyện Kim Bôi cơ cấu lại sản xuất NN. Qua 5 năm thực hiện TCC, ngành NN huyện này luôn đạt mức tăng trưởng bình quân trên 4%/năm; so với năm 2013, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 42,4%, ngành chăn nuôi tăng 39,3%, ngành lâm nghiệp tăng 35,3%; cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và đưa huyện Kim Bôi tiến những bước vững vàng trong quá trình TCCNNN.
Trên phạm vi toàn tỉnh, quyết tâm tạo đột phá bằng TCCNNN đã được xác định và quán triệt đến các cấp, ngành, địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chương trình ưu tiên thực hiện trong Đề án và Kế hoạch thực hiện TCC trên các lĩnh vực nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến các địa phương, người dân, doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án TCCNNN. Về cơ bản, quá trình này được thực hiện với định hướng xuyên suốt là: Các địa phương lựa chọn sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên thực tế, thành công của ngành NN trong 5 năm qua chính là nhờ sự tập trung phát triển những mũi nhọn trong sản xuất. Đây chính là giải pháp then chốt để các địa phương tạo được những đột phá nhất định trong chặng đường đầu tiên TCCNNN.
Tập trung mạnh vào các sản phẩm mũi nhọn
Trong 5 năm qua, với quyết tâm tạo đột phá cho ngành NN, UBND tỉnh đã rà soát, điều chỉnh và lập mới 9 quy hoạch phục vụ TCC. Cùng với đó, việc ban hành 25 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm đã tạo nền tảng quan trọng giúp các địa phương xác định trúng các sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển sản xuất. Thông qua 19 đề án phát triển sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các huyện, thành phố cũng sẵn sàng vào cuộc với ngành NN để tổ chức cơ cấu lại từng lĩnh vực bằng cách tập trung vào các mũi nhọn có tính đột phá cao nhất, mang lại hiệu quả kinh tế thuyết phục và bền vững nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án TCCNNN tỉnh cho biết: Trong 5 năm đầu thực hiện TCCNNN, thành quả quan trọng là chúng ta đã hoạch định được đúng hướng đi, xác định được các mũi nhọn trong từng lĩnh vực sản xuất để tập trung đầu tư một cách hiệu quả. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt đã từng bước phát triển thành vùng các cây trồng chính với quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường như cây ăn quả có múi, rau, mía… Trong lĩnh vực chăn nuôi đã cơ cấu lại đối tượng chăn nuôi theo vùng, đẩy mạnh chăn nuôi trang trại tập trung công nghiệp, xác định nhóm sản phẩm chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò, dê được chăn nuôi theo hướng hữu cơ có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mũi nhọn được xác định là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng sản xuất, đồng thời quản lý tốt nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Trong lĩnh vực thủy sản, TCC tập trung theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi để khai thác mạnh mẽ hơn nguồn lợi kinh tế của sản phẩm tôm, cá sông Đà…
Như vậy, trong từng lĩnh vực sản xuất, các địa phương đều xác định được đúng hướng đi, lựa chọn các sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư theo mũi nhọn. Kết quả rất thuyết phục là sau 5 năm thực hiện TCCNNN, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung có tính chuyên canh và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như vùng cây ăn quả có múi với tổng diện tích toàn tỉnh lên tới 8,1 nghìn ha, giá trị thu nhập trên 450 triệu đồng/ha/năm; vùng rau có diện tích trên 11 nghìn ha, giá trị thu nhập 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ, vùng mía giữ ổn định diện tích khoảng 9 nghìn ha, thu nhập bình quân 100-120 triệu đồng/ ha/năm…
Nhờ tập trung đầu tư vào các mũi nhọn trong sản xuất, sau 5 năm, nhiều chỉ tiêu TCCNNN đã được tỉnh thực hiện tốt, các chỉ tiêu đến năm 2020 cơ bản đạt so với kế hoạch năm đề ra. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất theo giá so sánh các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng mạnh, trung bình năm tăng tương ứng là 4,37%, 5,79%, 4,86%, 10,05%. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt tăng lên 120 triệu đồng vào năm 2017, đạt tốc độ tăng trung bình 8,24%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng lên 131 triệu đồng vào năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 77 triệu đồng của năm 2013, đạt tốc độ tăng 10%/năm. Giá trị thu nhập trên 1 ha rừng sản xuất tăng trung bình 3,6%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt trung bình 6,24%/năm… Đó là những kết quả nổi bật cho thấy, bằng cách tập trung đầu tư mạnh vào các sản phẩm mũi nhọn, quá trình TCC đang có một vũ khí sắc bén để tạo đột phá cho phát triển NN những năm tiếp theo.
Đúng như khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án TCCNNN tỉnh: Trong 5 năm đầu thực hiện TCCNNN, bằng cách xác định được đúng hướng đi và quyết tâm tạo đột phá trong từng lĩnh vực sản xuất, chúng ta đã tiến được những bước quan trọng để chinh phục các mục tiêu. Và đó sẽ là cách chúng ta tiếp tục tiến bước với quyết tâm tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn trên lộ trình TCCNNN từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thu Trang
Cần tháo gỡ các điểm nghẽn để đột phá mạnh mẽ hơn
Trong năm 2017, thiên tai gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất NN với tổng giá trị thiệt hại lên tới 727 tỷ đồng, kéo thấp mức tăng trưởng của ngành xuống 3,06%. Theo đó, mức tăng trưởng trung bình 5 năm (2013-2017) của ngành NN chỉ đạt 3,98%/năm, tuy cao hơn mức 3% đối với khu vực miền núi phía Bắc nhưng thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra là 4,5%/năm. Diễn biến này cũng như thực tế 5 năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu ngày càng tạo nhiều áp lực lên quá trình TCCNNN. Đây được coi là điểm nghẽn quan trọng cần phải được khắc phục để đảm bảo tốc độ và mức độ bền vững của tăng trưởng kinh tế ngành.
Cùng với đó, những hạn chế hiện nay như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, kết quả dồn điền đổi thửa chưa cao, kết quả thu hút đầu tư chưa thuyết phục, kinh tế trang trại chưa phát huy vai trò, thị trường tiêu thụ của nông sản còn bấp bênh, các chuỗi liên kết sản xuất chưa được nhân rộng… được xác định là những điểm nghẽn đang làm chậm quá trình TCCNNN. Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhóm giải pháp để tháo gỡ được các điểm nghẽn quan trọng này. Chắc chắn khi tháo được các điểm nghẽn, sự đột phá của các chính sách TCC NNN sẽ mạnh mẽ hơn.
Trần Văn Tiệp (Giám đốc Sở NN&PTNT)
Mong muốn có thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù để tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Trong 5 năm qua, huyện Yên Thủy đã khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện TCCNNN, thu được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ví dụ như diện tích thực hiện cánh đồng liên kết còn ít, sức hút đối với doanh nghiệp đầu tư vào NN chưa cao, hạ tầng phục vụ sản xuất NN chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân nên không ít hợp đồng bị phá vỡ…
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, trong hội nghị sơ kết 5 năm TCCNNN do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, UBND huyện Yên Thủy đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, ban hành một số cơ chế hỗ trợ đặc thù để các địa phương có thêm động lực thực hiện TCCNNN như: cơ chế tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào NN, khuyến khích phát triển mối liên kết giữa "4 nhà”; cơ chế hỗ trợ cho công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các HTX và nông dân nòng cốt; tăng cường kinh phí hỗ trợ cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất NN tại các địa bàn đặc biệt khó khăn…
Bùi Văn Hải (Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy)