(HBĐT) - Công tác quản lý khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc KTKS, đặc biệt là khai thác đất làm vật liệu xây dựng có nhiều bất cập. Mới đây, Kỳ họp thứ sáu (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua việc điều chỉnh quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024. So với quy hoạch trước, nghị quyết lần này có bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp.


Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng san gạt, hạ cốt trái phép. Ảnh chụp tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi.)

Vẫn còn tình trạng khai thác đất trái quy định

Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 94 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép hoạt động KTKS, tổng diện tích được cấp phép khai thác hơn 960 ha, trữ lượng khoảng hơn 357 triệu m3 đá vôi, đất, cát... Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, khai thác TNKS. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, từ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, Bộ, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất trong công tác quản lý TNKS, UBND tỉnh, Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố trong việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã khoanh định, công bố các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh, trong khi việc quản lý khai thác các mỏ đá, mỏ quặng đã được tăng cường hơn hiện vẫn còn tình trạng khai thác đất trái phép lợi dụng việc san gạt, hạ cốt nền mặt bằng. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, Báo Hoà Bình nhận được phản ánh của người dân tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) về việc nhiều DN vận tải chở đất, đá gây ô nhiễm môi trường, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu cho thấy, DN vận tải này phối hợp với hộ gia đình thực hiện san gạt để hạ cốt nền lấy đất san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, thực tế đơn vị vận tải này chủ yếu chở đất theo hướng Lạc Thuỷ đi Hà Nam, Ninh Bình, bán đất vào các nhà máy chế biến gạch ngói. 

Mới đây nhất, tại xã Cao Sơn (Lương Sơn), người dân tiếp tục phản ánh tình trạng khai thác đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Tại vị trí khai thác nằm ngay cạnh đường Trường Sơn A với một khối lượng lớn đất bị đào bới. Trong nhiều ngày, những chiếc máy xúc liên tục đào bới múc đất, nhiều xe tải hạng nặng cơi nới thành thùng chở đất liên tục gây bức xúc trong nhân dân. Trao đổi với lãnh đạo UBND xã Cao Sơn được biết: Vị trí khai thác thuộc đất thổ cư của 1 hộ gia đình trong xã xin cải tạo, hạ thấp cốt nền. Lượng đất thừa được tận dụng đổ về phía sau trạm y tế xã và trụ sở cũ của xã để tạo mặt bằng. "Tuy nhiên thực tế, những xe này đều đi ra khỏi địa bàn và không đổ đất theo đúng vị trí", một người dân xã Cao Sơn cho biết. 

Không chỉ địa bàn huyện Kim Bôi, Lương Sơn, hiện tại nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng người dân lợi dụng việc san gạt hạ cốt nền để bán đất. Cụ thể, qua khảo sát, thống kê nhu cầu về khối lượng đất san lấp trên địa bàn tỉnh và các Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành, dự báo nhu cầu về đất san lấp cho toàn tỉnh đến năm 2040 khoảng 258,43 triệu m3, so với nhu cầu còn thiếu khoảng      33,28 triệu m3.

Đưa vào quy hoạch điểm mỏ đất 

Nhằm tăng cường quản lý khai thác đất trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó có bổ sung các điểm mỏ đất. Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là rất cần thiết để thực hiện đúng quy định về Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, góp phần quản lý hiệu quả nguồn TNKS, có cơ sở thực hiện các thủ tục đưa điểm mỏ đất phục vụ làm vật liệu san lấp vào thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác, chế biến khoáng sản. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2024, tỉnh tiếp tục quy hoạch 28 vị trí điểm khai thác mỏ vật liệu xây dựng với tổng diện tích 895,15 ha. Trong đó, TP Hòa Bình 2 mỏ đất san lấp, diện tích hơn 70 ha, công suất khai thác khoảng 23,58 triệu m3; huyện Tân Lạc 4 điểm mỏ, diện tích hơn 45 ha, trữ lượng dự kiến 8,03 triệu m3; huyện Kim Bôi 2 điểm mỏ, diện tích 87,1 ha, trữ lượng khoảng hơn 20 triệu m3; huyện Lương Sơn 4 điểm mỏ, diện tích 169 ha, trữ lượng khai thác khoảng 52,16 triệu m3; huyện Đà Bắc 3 điểm mỏ, diện tích 142,8 ha, trữ lượng khai thác 47,76 triệu m3; huyện Mai Châu 1 điểm mỏ, diện tích 29,03 ha, trữ lượng khai thác 5,81 triệu m3; huyện Lạc Thủy 3 điểm mỏ, diện tích 125,7 ha, trữ lượng khai thác 25,03 triệu m3; huyện Yên Thủy 3 điểm mỏ, diện tích 118,6 ha, trữ lượng 26,92 triệu m3; huyện Cao Phong 3 điểm mỏ, diện tích 37,5 ha, trữ lượng khoảng 8,96 triệu m3; huyện Lạc Sơn 3 điểm mỏ, diện tích gần 29 ha, trữ lượng khai thác hơn 6,8 triệu m3. Tổng trữ lượng đề xuất quy hoạch hơn 225 triệu m3.

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, vì thực tế nhu cầu khai thác đất trên địa bàn tỉnh để thi công các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác rất lớn và rất cần thiết. Việc bổ sung quy hoạch điểm mỏ khai thác đất làm vật liệu xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý, kỹ thuật cho công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoảng sản, không thuộc đất quốc phòng, không có công trình quốc phòng, không có đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, không ảnh hưởng hành lang an toàn giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, không trùng lấn với ranh giới đã chấp thuận cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện để xem xét, bổ sung quy hoạch.

Tuy nhiên, mặc dù bổ sung tới 31 điểm mỏ khai thác vào quy hoạch, nhưng so với nhu cầu vật liệu xây dựng đến năm 2040 mới đáp ứng được khoảng hơn 87% nhu cầu khoáng sản chế biến vật liệu xây dựng (dự báo nhu cầu về đất san lấp cho toàn tỉnh đến năm 2040 khoảng 258,43 triệu m3, trữ lượng đề xuất so với nhu cầu còn thiếu khoảng 33,28 triệu m3).

Đi liền với quy hoạch cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý

Nghị quyết số 76/2013/NQ-HĐND, ngày 11/12/2013 của HĐND tỉnh đã thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng 3 loại khoáng sản làm vật xây dựng thông thường: đá làm vật liệu xây dựng, sét làm gạch ngói, cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2019. Trước thực tế nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp vào thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác chế biến là rất lớn và rất cần thiết. Tuy nhiên, đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cho biết: Thực tế trong thời gian qua, nhiều mỏ khai thác có trữ lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, tác động xấu đến môi trường nhưng vẫn cấp phép khai thác. Nhiều điểm mỏ chưa được quy hoạch đã được cấp phép khai thác đất san lấp nhưng không cập nhật và điều chỉnh quy hoạch, vì vậy, UBND tỉnh, các ngành chức năng cần phải tăng cường quản lý trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm này, theo đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh): Theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, các điểm mỏ đủ điều kiện cấp phép phải nằm trong quy hoạch. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đất san lấp khá lớn, việc quy hoạch và cấp phép các điểm mỏ có hạn chế. Như vậy không tránh khỏi tình trạng độc quyền, thổi giá. Vì thực tế việc khai thác đất san lấp hiện chưa xác định được mức giá, ngay cả những ngành quản lý nhà nước về khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng chưa có sự quản lý hoặc quy định về mức giá, kinh phí khai thác mỏ đất phục vụ san lấp mà chủ yếu do chủ khai thác tự bán ra thị trường. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng như Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Công an tăng cường công tác quản lý cũng như giám sát chặt chẽ việc cấp phép, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Đinh Hòa

Nhóm ý kiến


Cần sự vào cuộc và xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng

Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh

Việc quy hoạch các điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp hết sức cần thiết và sát với nhu cầu thực tế hiện nay. Đây là cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ hơn nữa tài nguyên đất trên địa bàn. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần có sự rà soát, bổ sung và quản lý chặt việc khai thác đất trên địa bàn, tránh tình trạng khai thác đất một cách trái phép, tràn lan như hiện nay. Đặc biệt, cũng cần hết sức quan tâm đến cảnh quan, địa điểm có khả năng sạt lở cao, ảnh hưởng môi trường nếu thật sự trữ lượng, hiệu quả khai thác không cao. Về lâu dài, cần rà soát, đảm bảo các dự án đầu tư nhà máy sản xuất gạch ngói, đất sét nung trước khi cấp phép đầu tư phải có nguồn nguyên liệu hợp pháp theo quy định pháp luật về khoáng sản. Thực hiện nghiêm túc việc không cấp phép thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở chân sườn đồi, núi và dọc các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng kết hợp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, vật liệu xây dựng không nung...



Chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Nguyễn Thị Điều, Xã Cao Sơn (Lương Sơn)

Thực tế việc khai thác đất làm vật liệu xây dựng đã diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Đi liền với khai thác thường là những vi phạm rất nghiêm trọng về giao thông. Các điểm khai thác thường nằm trong khu vực nhà dân, vì vậy, xe chở đất phải đi sâu vào đường làng, ngõ xóm, chở với công suất rất lớn, chạy liên tục ngày đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Việc cấp phép san gạt hạ cốt nền là nhu cầu của các hộ gia đình, việc tạo điều kiện hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, phải làm sao để không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Vì vậy, đề nghị cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ sở khi đã cấp phép cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra xem xung quanh việc hạ cốt nền có thực hiện đúng theo quy định và đảm bảo an toàn hay không. Cần quyết liệt xử phạt và đình chỉ ngay việc khai thác nếu làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

 




Các tin khác


Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục