(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư (KDC) năm 2022. Theo đó đã kiểm tra các trọng điểm trong công tác PCTT như: Sạt lở đất, đá, các khu tái định cư, khu vực xảy ra hoặc nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Đồng thời, rà soát toàn bộ hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai khi có mưa lũ, phân loại đối tượng thiên tai và xác định hình thức bố trí dân cư; lập phương án, kế hoạch bố trí ổn định dân cư lâu dài theo các hình thức phù hợp với từng địa bàn, khu vực.
Khu tái định cư Bưa Cốc, xã Nánh Nghê (Đà Bắc) được đầu tư xây dựng, giúp hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai ổn định cuộc sống.
Qua kiểm tra, rà soát cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 201 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.273 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 định hướng đến năm 2020.
Cụ thể, trong tỉnh khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 144 điểm với 3.035 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: Huyện Tân Lạc 7 điểm với 363 hộ; Đà Bắc 15 điểm, 706 hộ; Mai Châu 53 điểm, 112 hộ; Cao Phong 23 điểm, 92 hộ; TP Hòa Bình 12 điểm, 685 hộ; Yên Thủy 12 điểm, 144 hộ; Lương Sơn 11 điểm, 233 hộ; Kim Bôi 7 điểm, 179 hộ; Lạc Sơn 4 điểm, 191 hộ.
Đối với khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 21 điểm với 167 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, bao gồm: Huyện Mai Châu 80 hộ; Cao Phong 1 hộ; Yên Thủy 54 hộ; Lương Sơn 14 hộ; Kim Bôi 18 hộ. Ngoài ra, khu vực thường xuyên bị ngập úng có 70 điểm với 1.830 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, gồm: Huyện Mai Châu 111 hộ; Lạc Thủy 740 hộ; Cao Phong 8 hộ; Yên Thủy 659 hộ; Lương Sơn 289 hộ; Kim Bôi 23 hộ.
Để đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương đã thống nhất tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm ''4 tại chỗ''. Do đó, trước mùa mưa lũ, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2022. Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để người dân biết cách nhận biết và phòng tránh đối với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, nhất là với sạt lở đất, đá lăn, lũ ống, lũ quét…
Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng xây dựng phương án bố trí ổn định dân cư để đảm bảo an toàn. Theo đó, tiếp tục bố trí ổn định dân cư theo hình thức di chuyển tập trung, xen ghép theo chỉ đạo của UBND tỉnh năm 2021. Đồng thời khẩn trương xây dựng các phương án sắp xếp, ổn định dân cư mới, gồm: Bố trí ổn định dân cư theo hình thức di dân tập trung với 26 khu tái định cư, bố trí cho 893 hộ; bố trí ổn định theo hình thức di dân xen ghép 109 điểm, bố trí 1.471 hộ; bố trí ổn định tại chỗ 102 điểm cho 2.909 hộ.
Vừa qua, tại buổi kiểm tra về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh của Bộ Công Thương, đồng chí Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin: Tình hình mưa bão năm nay được dự báo tiếp tục có diễn biến dị thường. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Hòa Bình mưa tập trung từ tháng 6 - 8, tuy tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm nhưng sẽ xuất hiện những đợt mưa lớn dồn dập và lũ trên các sông dự báo ở mức cao hơn so với năm 2021. Vào thời điểm chính vụ với những đợt mưa lớn rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở do nền đất khô và ngập lụt ở vùng trũng, đô thị. Do vậy cần hết sức đề cao cảnh giác, nhất là có sự chủ động, thường xuyên trong công tác cảnh báo.
Trước thực trạng thiên tai ngày càng khó đoán định, để tăng cường tính chủ động cũng như công tác phối hợp trong PCTT, UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình PCTT và ổn định đời sống người dân. Đối với các KDC, điểm sạt lở, lũ ống, lũ quét đã xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn; lập phương án theo dõi, cảnh báo thiên tai, phương án ứng phó và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương hậu quả; kiên quyết di chuyển dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách.
UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát các công trình đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các công trình thủy lợi, sạt lở bờ sông, suối và các KDC, phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh. Các địa phương chủ động bố trí, ổn định dân cư theo hình thức di dân tái định cư tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Thu Hiền
(HBĐT) - Theo tổng hợp của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều trọng điểm về thiên tai.
(HBĐT) - Bất an, lo lắng là tâm trạng chung của 41 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Cứ khi trời mưa, từ người già tới trẻ nhỏ lại sẵn sàng tư trang di dời để đảm bảo an toàn tính mạng.
Nền tảng "Công dân số xứ Lạng” được phát triển trên mô hình microservice dễ mở rộng và nâng cấp, có khả năng chịu tải cao với giao diện thông minh, phân bố thông tin khoa học, gần gũi và theo xu hướng thiết kế mới giúp người dân và tổ chức dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả.
(HBĐT) - Ngày 12/5, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (HTND) - Hội Nông dân (HND) tỉnh và Công ty cổ phần đầu tư xử lý nước sạch AQUA Việt Nam (Công ty AQUA Việt Nam) đã tổ chức ký kết Chương trình thỏa thuận hợp tác hỗ trợ hội viên hội nông dân (HVND) sử dụng nước sạch và tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2022 –2025.
(HBĐT) - Năm 2021, xã Nam Thượng (Kim Bôi) là 1 trong 2 địa phương được tỉnh chọn thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi số (CĐS) cấp xã. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, song với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ của các cấp, ngành, việc thí điểm đạt kết quả bước đầu, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
(HBĐT) - Ngày 11/5, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.