Toàn huyện có hàng chục làng nghề dệt đang hoạt động. Trong đó có 5 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được công nhận, tập trung ở trung tâm thị trấn Mai Châu và các xã: Pà Cò, Xăm Khòe, Nà Phòn, Chiềng Châu, Mai Hịch… Ngoài ra, nhiều hộ duy trì nghề dệt phân tán ở hầu hết các xã trong huyện. Qua việc bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch, những sản phẩm dệt từ thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái được đến gần hơn với du khách, đồng nghĩa với việc các sản phẩm truyền thống có nhiều cơ hội được quảng bá ở thị trường trong và ngoài nước. Với óc sáng tạo, đôi tay khéo léo và sự nhạy bén trong việc tìm hiểu thị hiếu khách hàng, sau một thời gian hình thành và phát triển, đến nay, sản phẩm các làng nghề cung cấp ra thị trường không chỉ đơn thuần là khăn, cạp váy, gối, đệm, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương mà có cả những mặt hàng thổ cẩm mang nét tinh tế, hiện đại, thu hút sự chú ý của khách hàng, túi, ví, quần, áo, mũ và cả những vật dụng nhỏ như móc treo chìa khóa, thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em, giày, dép…
Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa (HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu) hiện có 35 lao động gồm phụ nữ dân tộc thiểu số và người khuyết tật, mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ góp phần thu hút khách du lịch, các HTX còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động là phụ nữ, trong đó có cả phụ nữ tàn tật. Đối với chị em có nhu cầu tận dụng thời gian nông nhàn, rảnh rỗi để tăng thu nhập, các HTX cũng tạo điều kiện cho chị em đem sản phẩm về làm tại nhà và hưởng lương theo doanh thu. Bà Mùa Y Nhánh, Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò chia sẻ: HTX hiện có 250 thành viên, trong đó 50 lao động tham gia dệt thổ cẩm với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài bán hàng cho khách du lịch, sản phẩm còn được liên kết tiêu thụ ở một số thị tường nước ngoài như ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… Bởi khả năng giao tiếp ngoại ngữ của thành viên HTX còn hạn chế nên hoạt động xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để quảng bá hình ảnh sản phẩm đến khách hàng, HTX đã liên kết với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm đặc trưng nhất, có mẫu mã và chất lượng tốt sẽ được trưng bày và bán tại bảo tàng.
Hiện, huyện chưa có kế hoạch cụ thể trong việc liên kết, tìm hiểu thị trường, đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, bằng sự nhanh nhạy, năng động, thông qua mạng internet, qua hoạt động du lịch tại địa phương và giới thiệu của nhiều đối tác, khách hàng thân thiết cũng như các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong nước, các HTX đã chủ động tìm kiếm, liên hệ, kết nối thị trường để tiêu thụ và tuyên truyền, quảng bá, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm dệt thổ cẩm.
Đồng chí Khà Văn Diện, Phó Phòng NN & PTNT huyện cho biết: Nhằm duy trì, mở rộng quy mô phát triển các làng nghề trên địa bàn, năm 2017, huyện Mai Châu đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho 2 làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Nà Phòn và bản Lác 2 (xã Chiềng Châu) để bổ sung trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, đảm bảo hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch. Thời gian tới, huyện tiếp tục xúc tiến hỗ trợ các làng nghề đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu KT- XH địa phương. Đồng thời, từng bước nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tìm kiếm và kết nối với các thị trường nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Thu Hằng