Du khách trải nghiệm các công đoạn làm bánh dày của dân tộc Mông tại xã Hang Kia (Mai Châu).
Bánh dày là món truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của đồng bào dân tộc Mông. Người Mông ở Mai Châu chỉ làm bánh dày vào dịp Tết, lễ hội. Với người Mông, bánh dày tượng trưng cho tình yêu, sự thủy chung, son sắt của đôi lứa, đồng thời còn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - nguồn gốc cho sự tồn tại của vạn vật.
Những chiếc bánh dày dẻo, thơm được làm từ gạo nếp nương, nhưng công đoạn để làm ra được chiếc bánh rất công phu. Gạo nếp làm bánh được người dân lựa chọn phải là gạo nếp nương vừa thơm, vừa dẻo thì chất lượng bánh mới đảm bảo. Gạo nếp vo sạch và ngâm trong nước ấm khoảng từ 12 – 24 giờ đồng hồ. Sau đó vớt ra, để ráo nước rồi mới cho lên chõ đồ trong khoảng 1 – 2 giờ để xôi chín mềm, dẻo nhưng không được nát. Sau khi đồ chín, xôi vẫn đang nóng hổi phải mang giã ngay thì bánh mới đảm bảo độ nhuyễn, dẻo, quánh, lúc nặn sẽ mềm.
Giã bánh dày chính là công đoạn vất vả nhất. Cối và chày được làm từ thân cây gỗ to, cứng, có mùi thơm. Cối được khoét rỗng trong ruột, chày phải nặng để giã bánh thật nhuyễn. Đây là công đoạn cần có sự tham gia của những người đàn ông khỏe mạnh. Giã bánh trong khoảng từ 1 - 2 tiếng, giã càng lâu thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Sau khi giã bánh xong là đến công đoạn cần những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Họ dùng tay đã được xoa lòng đỏ trứng gà và nặn khối bột vừa giã thành những chiếc bánh vừa vặn, tròn trịa, dẹt. Bánh sau khi nặn xong được đặt lên mặt phên, để bánh không bị dính, họ phải lật nhanh và liên tục. Cuối cùng là công đoạn gói bánh vào lá chuối tươi đã được rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa để lá có độ mềm và dậy mùi thơm.
Bánh dày của người Mông không có nhân cũng không dùng bất kỳ một loại gia vị nào nên bánh giữ nguyên vị ngọt tự nhiên, thơm dẻo của gạo nếp nương. Bánh có thể dùng luôn lúc nóng, cũng có thể để được khoảng 1 tháng, cắt thành từng miếng rán cùng mỡ lợn hoặc nướng trên than củi cũng đều hấp dẫn.
Anh Hàng A Dê, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò chia sẻ: "Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh thời khắc quan trọng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới thì làm bánh dày là khoảng thời gian tôi mong chờ nhất. Cuối năm dù có bận đến mấy, các thành viên trong gia đình đều cố gắng cùng nhau làm bánh tạo không khí phấn khởi. Nhà nào cũng phải làm vài chục cái. Tục lệ làm bánh dày ngày Tết đã có từ rất lâu và được cha ông lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Chúng tôi luôn bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Hiện nay, du khách đến với Mai Châu được tham gia vào những công đoạn để làm nên 1 chiếc bánh dày, từ giã, nặn bánh và cuối cùng là thưởng thức món bánh thơm ngon do chính tay mình làm ra. Bánh dày không chỉ là món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Mông mà tục lệ làm bánh dày ngày Tết còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.