Phong tục giã bánh dày của đồng bào người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) được tái hiện lại trong các lễ hội.
Nhâm nhi chén rượu bên bếp lửa hồng, thưởng thức món bánh dày thơm dẻo cùng anh Vàng A Đàn, xóm Hang Kia, một người bạn mà mỗi lần lên bản tôi đều ghé thăm. Anh Đàn chia sẻ: "Món bánh dày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương. Mỗi hạt nếp được chọn lựa kỹ càng, sau khi đồ lên thì giã nhuyễn để tạo độ mịn, dẻo cho bánh. Hiện nay, bột bánh có thể được xay bằng máy để giảm bớt công đoạn, nhưng giã bằng tay tạo được độ dai đặc trưng và mang đậm nét truyền thống. Cối giã bánh được làm bằng thân cây chắn, khoét rỗng ruột, chày để giã bánh cũng phải thật cứng và nặng mới có thể giã bánh thật nhuyễn. Quan trọng nhất là công đoạn giã bánh, những người giã phải có sức khỏe thật tốt, chủ yếu là những người đàn ông khỏe mạnh, giã kỹ từ 1-2 tiếng để bánh càng dẻo, dai và ngon.
Bánh dày của người Mông còn được gọi là "Pé" hoặc "Dúa" tùy từng vùng. Đối với họ, bánh dày cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, vạn vật như bánh chưng của người Kinh. Bánh dày tượng trưng cho mặt trời, nguồn gốc sinh ra vạn vật muôi loài, mặt khác nó còn thể hiện sự chung thủy, trong trắng của người đồng bào dân tộc Mông.
Giã bánh dày cũng là một phong tục đặc trưng của đồng bào người Mông, thể hiện sức mạnh, khát vọng về một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, do đó đòi hỏi mỗi người giã bánh phải có sức khỏe dẻo dai, cơ thể tráng kiệt. Tham gia giã bánh đều là những thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng, cứ 2 người giã 1 cối, mỏi tay lại đến phiên người khác. Từng nhịp chày giã xuống nhịp nhàng, gạo quyện dần vào nhau đến khi dẻo, mịn mới thôi, càng giã kỹ thì bánh càng dẻo và càng để được lâu. Cứ thế, từng tốp từng tốp thay phiên nhau giã bánh, thể hiện sự đoàn kết trong lao động, tính kỷ luật trong cộng đồng. Khi bánh giã xong, những người phụ nữ lại chuẩn bị lá để gói bánh. Lá gói bánh là lá dong hoặc lá chuối được rửa sạch, lau khô. Bánh càng được nặn tròn càng thể hiện sự khéo léo, chứa đựng những tâm tư, tình cảm của người phụ nữ.
Bao chuyến đi công tác trên bản Mông vào dịp Tết, mỗi lần về, tôi đều mua vài chụcbánh dày về làm quà cho bạn bè, người thân. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị, bánh phải được nướng trên than hồng hoặc cắt ra từng miếng nhỏ rán trên chảo mỡ đến khi vỏ bánh giòn lên, dậy lên mùi hương thơm đặc trưng, hấp dẫn, chấm với nước mắm hoặc mật ong khi ăn. Trên mâm cỗ lá, cùng với những món ăn truyền thống như rượu ngô, lợn bản, gà đồi thì bánh dày luôn là món ăn hấp dẫn là bất cứ ăn cũng đều muốn nếm thử trong ngày lễ trang trọng nhất của người đồng bào dân tộc Mông.
Vào dịp Tết của người Mông hay các lễ hội văn hóa, giã bánh dày còn là cuộc thi tài của các nam thanh niên hay giữa các dòng họ, bản làng với nhau. Hương vị ngọt bùi của món bánh dày và phong tục giã bánh là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào người Mông. Những nhịp chày chắc nịch, tiếng cười nói rộn rã, ngân vang khắp bản làng khiến mùa xuân trên Hang Kia - Pà Cò càng thêm ấm áp.
Hoàng Anh