Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Đinh Thị Miên, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu) xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà, cho thu nhập 70-80 triệu đồng/năm, thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Ngần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cùng với các ban, ngành, đoàn thể, xã tích cực giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm xây dựng các mô hình kinh tế, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống. Các nguồn vốn được phân bổ, quản lý qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương”.
Hiện, toàn xã có 15 tổ TK& VV tại 7/7 xóm, dư nợ Ngân hàng CSXH đạt 24,9 tỷ đồng, với các chương trình tín dụng hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, SX-KD, giải quyết việc làm… Trong đó, vốn vay sản xuất, giải quyết việc làm chiếm tỷ lệ lớn nhất. Bên cạnh đó, vốn vay từ các kênh tín dụng khác như Ngân hàng NN&PTNT cũng phát huy hiệu quả với tổng dư nợ đạt 33,7 tỷ đồng. Các kênh tín dụng được người dân tiếp cận thông qua hội, đoàn thể, được quản lý chặt chẽ, nhờ đó, các khoản vay được thực hiện đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao, không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, ao cá, cửa hàng dịch vụ, tạo thu nhập đáng kể cho người dân.
Xóm Hịch 2 được đánh giá là một trong những xóm sử dụng các nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Tổ trưởng tổ TK&VV xóm Hịch 2 Hà Thị Tiến cho biết: "Các khoản vay chủ yếu ở xóm là SX-KD, nước sạch và vệ sinh môi trường, việc làm, hộ nghèo. Các nguồn vốn vay được tổ quản lý chặt chẽ bằng sổ sách, ghi chép chi tiết, nhắc nhở khi đến hạn trả nợ. Nhiều hộ trước có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận với vốn vay đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, mua con giống, đào ao thả cá, kinh doanh dịch vụ. Xóm không có nợ quá hạn, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm”.
Thăm mô hình nuôi lợn của chị Đinh Thị Miên, xóm Hịch 2, chị cho biết: "Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, đi làm thuê mướn, đời sống bấp bênh. Được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng CSXH năm 2016, cùng khoản vay mượn thêm từ người thân, bạn bè, gia đình đã xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Từ khoản tiền lãi tiếp tục vay vốn, mở rộng chuồng trại và quy mô. Đến nay, mô hình đã có 20 con lợn thịt, 200 con gà, 200 m2 ao cá, thu nhập trung bình 70 - 80 triệu đồng/năm, không còn cảnh "ăn bữa nay lo bữa mai” như ngày trước”.
Các hội, đoàn thể, tổ TK& VV đã tích cực hỗ trợ người dân quy trình, thủ tục, giấy tờ để vay vốn nhanh chóng, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, tồn đọng, không để nợ xấu, quá hạn, ảnh hưởng đến chất lượng các chương trình tín dụng. Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn SX-KD, giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã cử cán bộ có chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững cho bà con. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 36,8 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,81%.
Hoàng Anh