Tính đến thời điểm 10h30’ sáng ngày 26/1/2016 trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò không còn hiện tượng tuyết rơi. Tuy nhiên, toàn bộ 2 xã vẫn còn bị phủ trắng một màu băng tuyết.
(HBĐT) - Ảnh hưởng từ đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ giảm sâu xuống còn -30 C, trong ngày 24/1/2016, trên địa bàn 2 xã Hang Kia - Pà Cò xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan: mưa tuyết rơi dày đặc. Theo thông tin mới nhất, tính đến thời điểm 10h30’ ngày 26/1/2016 toàn bộ vùng đất Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) vẫn chìm trong băng tuyết giá lạnh...
Gồng mình chống... rét
Chúng tôi lên 2 xã vùng đồng bào dân tộc Mông Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) khi cơn "bão tuyết” đã đi qua. Thế nhưng, ở đây vẫn còn "nóng” cái không khí... chống lại cái lạnh, cái rét thấu xương khi cả vùng vẫn còn phủ trắng một màu băng tuyết. Ông Phàng A Lư 50 tuổi ở xóm Hang Kia 1 (Hang Kia) vẫn còn rùng mình ớn lạnh: Đây là lần thứ 2 trong đời tôi được chứng kiến tuyết rơi ở vùng đất này. Lần trước, cách đây gần... 40 năm. Khi đó, tuyết rơi không dày, không nhiều và khí hậu không khắc nghiệt, cực đoan như lần này. Lần này, tuyết rơi dày, nhiều và nó bất ngờ hơn và nhất là nó khắc nghiệt hơn. Do vậy, người dân cũng chưa có sự chuẩn bị tốt nhất để chống rét, nhất là chống rét cho gia súc, gia cầm. Thế nên đã có những thiệt hại đáng kể trong sản xuất, chăn nuôi ở địa phương.
Đồng chí Sùng A Sía, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/1 nhiệt độ ở khu vực Hang Kia, Pà Cò đột ngột giảm thấp xuống còn - 20C đến - 30C đã gây ra hiện tượng tuyết rơi. Bắt đầu từ thời điểm 1h sáng ngày 24/1 tuyết rơi với mật độ dày đặc. Và cho đến 10h sáng ngày 24/1, toàn bộ 2 xã Hang Kia, Pà Cò đều chìm trong băng tuyết, có nơi lượng tuyết rơi dày đến 5cm. Toàn bộ hoạt động ngoài trời của người dân đã bị ngưng trệ. Đáng chú ý, do nhiệt độ giảm xuống thấp nên tính đến thời điểm 11h trưa ngày 25/1 theo thống kê sơ bộ cả xã Pà Cò đã có 9 con bò, 2 con trâu, một số lợn, gà, dê bị chết vì rét. Không chỉ có trâu bò bị chết khi còn đang chăn thả trên đồi, mà nhiều con trâu, bò dù đã được đưa vào chuồng nhưng vẫn bị chết rét. Như trường hợp của gia đình Sùng A Phúc xóm Pà Háng lớn khi vừa đưa con bò từ rừng về chuồng thì chết do lạnh.
Chị Sùng Y Múa, xóm Pà Cò con (Pà Cò) dùng nước nóng rũ băng tuyết trên lá chuối để làm thức ăn cho trâu bò
Theo đồng chí Khà Văn Diện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai Châu thì được biết: Thời tiết từ đêm 23 - 25/01/2016 trên địa bàn huyện diễn ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Đặc biệt là các xã vùng cao như Pù Bin, Noong Luông, Thung Khe, Pà Cò, Hang Kia. Ở các xã này đã xuất hiện hiện tượng băng tuyết. Trong đó, ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò là những địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiệt độ lúc xuống thấp nhất vào khoảng -50C, xuất hiện băng tuyết trên diện rộng. Với hình thái thời tiết cực đoan này thì toàn bộ diện tích hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp như chè, bương, luồng... của người dân ở Hang Kia, Pà Cò bị ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, hầu hết diện tích trồng bương, luồng đã bị gãy đổ khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn. Cùng với những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, hiện tại cuộc sống của người dân ở các xã Hang Kia, Pà Cò cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do nhiệt độ xuống cực thấp nên người dân địa phương cũng đã hạn chế ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt đã bị đóng băng nên người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt; hoạt động sản xuất đình trệ, việc tìm kiếm nguồn thức ăn và giữ ấm, chống rét cho gia súc, gia cầm cũng đang là một vấn đề khó khăn đối với người dân ở các địa phương này. Nhất là khi nền nhiệt ở các địa phương này vẫn còn đang duy trì ở mức thấp. Theo thông tin mới nhất từ đồng chí Sùng A Sía, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò thì trong đêm ngày 25 sáng ngày 26/1 nền nhiệt ở Hang Kia, Pà Cò vẫn tiếp tục duy trì ở mức -10C. Tính đến thời điểm 10h30’ sáng ngày 26/1 trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò không còn hiện tượng tuyết rơi. Tuy nhiên, toàn bộ 2 xã vẫn còn đang bị phủ trắng một màu băng tuyết. Băng tuyết nhiều, cây cối vẫn đang tiếp tục gãy đổ, người dân vẫn đang phải gồng mình chống... rét
Tiếp tục tăng cường chống rét
Đó là quan điểm chỉ đạo nhất quán từ huyện xuống các xã và các thôn bản ở Mai Châu. Theo thống kê sơ bộ tình hình thiệt hại do giá rét của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai Châu thì tính đến thời điểm 16h30’ ngày 25/01/2016 trên địa bàn huyện có 31 con trâu, bò, bê, nghé, 6 con lợn, 1 con dê tại các xã bị chết. Trong đó, xã Pà Cò bị chết nhiều nhất với 9 con bò, 2 con trâu, 1 con dê và 4 con lợn. Tiếp đó là xã Piềng Vế, chết 6 con (4 con bò và 2 con trâu) tại xóm Vế, xóm Vặn; xã Tân Sơn, chết 5 con bò, bê; xã Đồng Bảng có 2 con bò bị chết tại chuồng; xã Hang Kia có 2 con bò bị chết trên rừng...
Được sự khuyến cáo của cán bộ thú y, ông Phàng A Lứ xóm Hang Kia 1 (Hang Kia) bổ sung thức ăn tinh cho đàn dê để chống rét
Trước những diễn biến bất thường của hình thái thời tiết cực đoan, mưa lạnh, giá rét kéo dài ngày 24/1/2016, UBND huyện Mai Châu đã có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương chủ động chống rét đậm rét hại trên địa bàn huyện. Theo đó đã chỉ rõ UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét, áp dụng các biện pháp che phủ nilon trên các diện tích mạ đã gieo, bổ sung phân lân; thực hiện các biện pháp giữ ấm cho cây mạ; chủ động đưa trâu, bò từ các bãi chăn thả về nhà, sử dụng các biện pháp cần thiết để che chắn chuồng trại, chuẩn bị tốt nguồn thức ăn dự trữ trong những ngàu giá rét, có biện pháp sưởi ấm cho vật nuôi. Thực hiện công văn này, về phía các địa phương, nhất là các địa bàn vùng núi cao đã khẩn trương chỉ đạo nhân dân tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc và cho người. Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện, xã đã chỉ đạo và yêu cầu bà con nhân dân đưa dắt đàn gia súc về chuồng trại để nuôi nhốt, giữ ấm, đảm bảo chống đói rét. Yêu cầu người dân không được đi ra ngoài nhiều, không được đi xa. Nếu đi ra ngoài phải có biện pháp giữ ấm cho cơ thể. Cùng với đó, xã đã chỉ đạo các xóm và các gia đình thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những hộ gia đình có nhà cửa không đảm bảo hoặc trên mái có nhiều tuyết có khả năng bị vỡ đổ thì có biện pháp phòng tránh. Xã cũng yêu cầu người dân tuyệt đối tránh xa các cây cối có nhiều băng tuyết để tránh gãy đổ vào người.
Nền nhiệt thấp, băng tuyết rơi dày khi ra ngoài người dân luôn phải mặc quần áo dày để chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt
Bên cạnh các biện pháp đó, thì Trạm thú y huyện Mai Châu cũng đã chủ động cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho trâu bò. Đồng chí Phạm Văn Khoa, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Mai Châu cho biết: trước hình thái thời tiết cực đoan diễn ra trên địa bàn huyện, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Trạm thú y huyện đã cử cán bộ thương xuyên xuống các xã chỉ đạo đội ngũ thú y viên kiểm tra, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói rét cho trâu bò nhất là trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Thực hiện tốt các biện pháp nuôi nhốt, đồng thời bổ sung thức ăn tinh, nước uống cho đàn gia súc để tăng cường sức đề kháng, chống chịu giá rét cho đàn gia súc, nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho người dân.
Mạnh Hùng