Một góc hồ Hòa Bình.
Ngày 01/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch. Để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, xây dựng hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia - một trong những nội dụng quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nghị quyết đặt mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Hoà Bình; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 Khu du lịch trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình.
Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như: Năm 2020, Khu du lịch hồ Hòa Bình đón khoảng 630.000 lượt khách, trong đó 30.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2025 đón khoảng 1.020.000 lượt khách, trong đó 51.000 lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1.600.000 lượt khách, trong đó 90.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 200 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 580 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng… Về nhân lực du lịch: Năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 900 lao động, trong đó 300 lao động trực tiếp; đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.100 lao động, trong đó 700 lao động trực tiếp; phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động, trong đó 1.300 lao động trực tiếp.
Nghị quyết cũng đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch khu vực hồ Hòa Bình. Trong đó chủ trương ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng viễn thông, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khu du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí tại Khu du lịch hồ Hòa Bình. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch tâm linh đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Côi Cô, xã Hiền Lương (Đà Bắc); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc); khu vực vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm, bản có điều kiện như các xóm: Ngòi, Trụ, Ké, Đá Bia… ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Thực hiện chương trình liên kết tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối với các điểm Khu du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng, đáp ứng nhu cầuđòi hỏi ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế…
L.C