(HBĐT) - Mấy năm gần đây, nhiều người có cùng sở thích đi câu cá thường rủ nhau thành nhóm thuê thuyền đi câu trên lòng hồ Hòa Bình. Nhất là vào dịp thứ bảy, chủ nhật, những thuyền nhỏ ở các bến đều "cháy". Không chỉ thỏa chí đam mê câu cá mà đây còn là cách nhiều người lựa chọn để đi chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn sau một tuần làm việc vất vả.
Một điểm câu cá ở xóm Tráng, xã Bình Thanh (Cao Phong).
Vài lần hẹn, một ngày cuối tuần, tôi theo đoàn câu cá của anh Nguyễn Thế Dũng, ở xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) lên lòng hồ câu cá. Trước khi đi, anh bảo tôi: Anh em ở đây đi từ 4h sáng, nên chú phải dậy sớm. Hôm trước khi đi, mỗi người một việc. Người thì đào mồi câu, người mua thực phẩm chuẩn bị bữa trưa, người mua đồ ăn sáng… Trời tờ mờ sáng, chúng tôi xuất phát từ cảng 3 cấp, thành phố Hòa Bình. Thuyền có 12 người. Hôm nay là đông nhất. Mùa này nước cạn có nhiều cá nên nhiều người đi. Theo anh Dũng, hội câu của anh có 13 người, chủ yếu là công chức Nhà nước, người làm doanh nghiệp, có cả lao động tự do... nhưng đều chung sở thích câu cá. Lịch đi cố định vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Cả đoàn thuê một thuyền và người lái, ăn sáng trên thuyền. Cảm giác vừa ngồi ăn sáng vừa ngắm hồ trong sương mờ thật bình yên. Mỗi tuần một bãi câu, khi thì ở Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa (Đà Bắc)… có khi lên tận Sơn La. Lên đến bãi, mỗi người vào một hòn đảo hay mom đá do người câu lựa chọn. Điểm câu của từng người cũng gần nhau.
Đến gần trưa, chủ thuyền nấu cơm ngay tại thuyền. Đồ ăn, bếp, bát đĩa có sẵn trên thuyền. Đến giờ ăn, chủ thuyền đi đón từng người rồi ăn cơm trưa trên thuyền. Hôm nào rảnh thì lên đảo gần đó chất củi nướng cá. Sau bữa trưa lại ngồi câu tiếp. Anh Nguyễn Đăng Giáp, chủ thuyền cho biết: Tôi chủ yếu làm vườn, đánh cá trên sông. Có người đặt thuyền, tôi chở khách đi câu. Sau khi đưa mọi người đến điểm câu, tôi cũng mua cần ngồi câu cho đỡ buồn. Nhiều hôm cũng được vài cân cá mang về. Mùa câu cá thường vào thời điểm qua Tết. Thời điểm này nước cạn, cá hay tập trung tại các khu vực có nhiều hốc đá hoặc bãi nên dễ câu hơn. Thường thì anh em đi về trong ngày. Thỉnh thoảng có buổi đi 2 ngày. Đoàn câu này đã duy trì 6 năm nay, tuần nào cũng đi. Có tuần, nhiều người bận, chỉ có 5 - 6 người vẫn đi. Dịp nào trời rét hoặc nước lớn thì ít đi hơn bởi lúc đó cá không ăn. Anh em ở đây mỗi người một nghề nhưng đều có niềm đam mê câu cá. Anh Trường, ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho hay: Nó thành nghiện rồi chú ạ. Tuần nào không đi là chân tay bứt rứt đứng ngồi không yên. Nhiều hôm biết là đi câu khó được bởi nước lớn hay trời rét quá nhưng vẫn đi. Hôm đó, xác định lên lòng hồ ngồi tĩnh tâm thư giãn sau một tuần làm việc. Mỗi chuyến đi như này, anh em tính chi phí rồi chia đều cho mọi người. Trung bình mỗi người hơn 100 nghìn đồng/chuyến.
Là một người "nghiện" câu cá từ hồi còn công tác, ông Trịnh Đình Cẩn, ở khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thường xuyên đi câu cá trên lòng hồ Hòa Bình. Sau khi nghỉ hưu, ông có thời gian được đi câu nhiều hơn. Ông Cẩn cho biết: Ở huyện Cao Phong có vài nhóm chuyên đi câu lòng hồ. Nhóm của tôi có khoảng 10 người. Hầu hết là người đã nghỉ hưu hoặc làm tự do ở nhà nên có thời gian đi nhiều. Cứ hôm nào đẹp trời là hẹn nhau đi. Chúng tôi thuê thuyền thường xuyên thuyền của một người làm thuyền chài ở xóm Tháu, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình). Trước khi đi, mọi người chuẩn bị hết đồ đạc, thực phẩm để đi câu một ngày. Mọi người hẹn nhau lúc 5h rồi đi xe máy lên bến. Lên thuyền vừa đi vừa ăn. Nhiều hôm ngại nấu cơm trên lòng hồ mọi người tự mua đồ ăn rồi vừa ăn vừa câu. Để câu trên lòng hồ phải sắm đủ. Từ câu cần tay, cần máy, đến vợt, câu tiêu. Khi gặp cá lớn thì có dụng cụ hỗ trợ để đưa cá lên bờ. Có lần, một người câu được con cá lớn chừng hơn 10 kg phải nhờ anh em đưa lên. Tuy nhiên, nhiều hôm, lên đến bến thì trở trời, ngồi cả ngày không được con nào. Tôi đã đi câu nhiều nơi, từ hồ câu dịch vụ, câu suối, câu ao... nhưng câu trên lòng hồ là thích nhất. Bởi cá lòng hồ sạch, ăn ngon và có thể câu được cá to, cá quý. Có thời điểm câu được nhiều để đầy tủ lạnh nhưng vẫn đi. Đi câu nhiều, nên chúng tôi biết điểm nào nhiều cá, có những cá gì. Như tại xóm Tháu có điểm câu có nhiều cá ngạnh và nhiều cá lớn kích thích cần thủ khám phá. Nơi đây có nhiều hang đá, nên cá thường nằm trong hang. Có lần anh em đi câu không thể kéo lên được vì cá quá to. Khi chúng ăn mồi thì lôi cước vào hang. Nếu không biết cách kéo hoặc cá quá to thì đành phải mất cước.
Cũng theo ông Cẩn, lòng hồ sông Đà rộng và sâu. Dưới đáy hồ có nhiều hang, hốc đá, là nơi sinh sống của nhiều loài cá ăn chìm lưu cữu từ nhiều năm nay. Trong những năm gần đây, tuy có nạn đánh cá bằng điện nhưng vẫn không thể đánh được những con cá nằm sâu dưới hang sâu hàng chục mét. Do vậy, câu cá trên lòng hồ luôn thách thức người câu để săn những con cá lớn, quý hiếm. Ở ao, sông, suối kiếm được con cá tự nhiên từ 5 kg trở lên là rất khó. Nhưng đối với lòng hồ sông Đà nếu gặp may là có thể câu được. Nhiều lần, ông cũng câu được cá rô trên 3 kg, cá ngạnh trên 6 kg, cá lăng 7 - 8kg… "Những lần như thế tạo hứng thú cho mình tiếp tục khám phá. Ngoài thỏa mãn niềm đam mê, mỗi lần đi câu ngồi trên hồ tĩnh lặng tôi thấy lòng mình luôn thanh tịnh, giải tỏa được những áp lực trong cuộc sống" - ông Cẩn chia sẻ.
Việt Lâm
(HBĐT) - Có gần một nửa số phân khu, điểm du lịch trong khu du lịch hồ Hòa Bình thuộc địa phận của huyện, những năm gần đây, Đà Bắc đã tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch. Năm 2015, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 09 về "Phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 -2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tháng 6/2017, UBND huyện ban hành Quyết định số 1908 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung Đề án nêu rõ quan điểm về phát triển du lịch của huyện: Đảm bảo thống nhất với các định hướng phát triển du lịch của các quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia, phù hợp với bối cảnh, xu thế phát triển du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tập trung khai thác lợi thế mặt nước hồ Hòa Bình, cảnh quan, hệ sinh thái, văn hóa các dân tộc… để phát triển du lịch bền vững theo hướng xanh, sạch gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; kết nối không gian du lịch Đà Bắc với khu du lịch hồ Hòa Bình và tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch liên hoàn. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, huyện trở thành trung tâm du lịch sinh thái, khám phá và kết nối chặt chẽ với khu du lịch hồ Hòa Bình. Với các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng, tâm linh và thắng cảnh vùng hồ…, huyện đặt ra kỳ vọng đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã khai thác những tiềm năng sẵn có của hồ Hòa Bình để phát triển du lịch. Tại đây, khách du lịch được đắm mình trong không gian yên tĩnh của sông nước hữu tình, hiền hòa. Đặc biệt, khách du lịch còn được khám phá, thử cảm giác mạnh với trò chơi đua thuyền kayak trên hồ.
(HBĐT) -Chúng tôi trở lại thăm đền Hang Miếng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm trên khu vực hồ Hòa Bình. Đến thăm chốn tâm linh đền Hang Miếng là một hành trình không dễ dàng. Nhưng bù lại là được khảo sát, trải nghiệm "gần như” chọn tuyến sông Đà (khu vực tỉnh Hòa Bình), tìm lại sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan.
(HBĐT) - Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) được quy hoạch là vùng lõi - trung tâm phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Bản Ngòi là bản khó khăn của tỉnh, có gần 90 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, người dân chỉ trông vào đánh bắt cá, tôm, làm nương rẫy, khai thác lâm sản, cuộc sống không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng. Thế nhưng, bản Ngòi lại có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.
(HBĐT) - Chúng tôi thành kính dâng hương Đài tượng niệm 168 cán bộ, sỹ sư, công nhân lao động và chuyên gia nước bạn đã hy sinh trong những ngày tháng gian khó, những rất đỗi vinh quang trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình một ngày tháng 5 rực lửa hoa phượng đỏ.
(HBĐT) - Là 1 trong 5 huyện, thành phố nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình, huyện Cao Phong có 2 xã vùng hồ là Bình Thanh và Thung Nai có phong cảnh hữu tình, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch khu vực hồ Hòa Bình.