(HBĐT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách ưu việt, đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, đối với bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại một số nơi vẫn chưa có điều kiện được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội này. Theo đó, BHXH huyện Đà Bắc đã vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tham gia chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.


Cán bộ BHXH huyện Đà Bắc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Vượt khó vươn lên

Đà Bắc là huyện miền núi, trên 90% dân số là người Tày, Mường, Dao, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện. Thế nhưng, tại đây, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể chính trị đều rất đồng lòng trong công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại huyện luôn là một điểm sáng của tỉnh.

Tính đến ngày 15/11/2021, toàn huyện có 1.194 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh nhất là từ năm 2020 đến nay, tăng gấp 5 lần so với 12 năm trước cộng lại, tính từ ngày chính sách BHXH tự nguyện ra đời (1/1/2008); đến nay đạt 81% kế hoạch BHXH tỉnh giao, đồng thời là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong khối huyện về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.

Linh hoạt các giải pháp hữu hiệu

Đồng chí Xa Văn Vân, Giám đốc BHXH huyện cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, BHXH huyện Đà Bắc đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số giải pháp hữu hiệu có thể kể đến là: BHXH huyện tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT (BCĐ) cấp huyện, chỉ đạo UBND xã thành lập BCĐ cấp xã và ban hành quy chế hoạt động từng cấp. Theo đó, với tư cách cơ quan Thường trực BCĐ của huyện, BHXH huyện chủ động phối hợp các đơn vị thành viên, đặc biệt là UBND xã, thị trấn, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các hội nghị được tổ chức tại những địa điểm, thời gian linh hoạt, phù hợp từng bản địa dân cư và được tuyên truyền bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số.

Đồng chí Xa Văn Vân nhấn mạnh: Đặc biệt, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của BHXH, các trưởng thôn, trưởng bản đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm trên, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ. Tiêu biểu như vừa qua, trong tháng 10 và nửa đầu tháng11, BHXH huyện đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền tại 2 xã Đồng Ruộng, Cao Sơn, đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Mường, Dao, trình độ, nhận thức, hiểu biết về BHXH còn hạn chế. Để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH hiệu quả, BHXH huyện đã lựa chọn những cán bộ tuyên truyền có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trong xã để tham gia tuyên truyền, vận động. Thông qua trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong 2 đợt hội nghị này đã có 38 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, BHXH huyện luôn coi trọng công tác đào tạo đại lý thu BHXH, BHYT; tổ chức ký kết chương trình phối hợp về tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện với các tổ chức hội, đoàn thể. Theo đó, đào tạo mỗi hội viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực vận động người tham gia. Bằng cách làm này, nhiều xã, bản vươn lên trở thành tiêu biểu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, như các xã: Đồng Ruộng, Giáp Đắt.

Cùng với kênh tuyên truyền trực tiếp, BHXH huyện đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức khác, như: ký kết quy chế/kế hoạch/chương trình phối hợp với nhiều đơn vị liên quan; mở rộng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; phát thanh lưu động bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; làm phóng sự, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh không dây của các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, băng rôn, phát hành tờ gấp; tổ chức quầy tư vấn tại các buổi chợ phiên.

Với những kết quả đã đạt được, BHXH huyện Đà Bắc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của ngành đưa ra, tập trung đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân tham gia BHXH, BHYT để được hưởng các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.


Phan Thanh Quế 
(BHXH tỉnh) 

Các tin khác


Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 10/1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn tồn tại, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ gây giảm nguồn quỹ dành cho việc khám, chữa bệnh (KCB) đối với những trường hợp thật sự gặp rủi ro do bệnh tật. Hành vi này xuất phát từ 3 phía: Người tham gia BHYT, cơ sở y tế và chính cán bộ, nhân viên giám định. Hệ thống giám định BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi BHYT như: mượn thẻ đi KCB, khám bệnh tới hơn 100 lần trong 1 năm; mượn thông tin của bác sỹ để chỉ định kéo dài ngày nằm viện.

Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm

Thời gian qua, song song với việc tăng cường truyền thông, phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành BHXH tỉnh còn thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, đôn đốc thu nợ đối với những đơn vị chậm đóng bảo hiểm.

Đảm bảo người tham gia bảo hiểm thụ hưởng đầy đủ chế độ

Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền, mở rộng số lượng người tham gia bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

“Điểm tựa” cho người nghèo

Nhờ chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước và địa phương, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp giảm bớt khó khăn cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền có hiệu quả, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng để tích cực tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục