Hộ nghèo xóm Gò Cha 1, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) thoát nghèo nhờ tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Chị Hằng bộc bạch: con giống được hỗ trợ trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt là nguồn khích lệ không nhỏ để vươn lên, vững tin vào những đổi thay tốt đẹp của cuộc sống. Gần đây, một hộ ở xóm Gò Cha 2 mở xưởng may gia công quần áo. Ngoài lúc sáng sớm và chiều tối tranh thủ chuẩn bị nguồn thức ăn và chăm sóc bò, tôi xin làm công nhân của xưởng, thu nhập từ công việc mới 4 - 5 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình tôi hiện đã ổn định. Sau bình xét, đánh giá cuối năm 2023, gia đình đủ điều kiện thoát nghèo.
Đồng chí Bùi Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mặc dù đã về đích nông thôn mới nhưng điều kiện KT-XH địa phương còn không ít khó khăn. Toàn xã có 12 xóm, 1.371 hộ, gần 6.400 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 98%. Những năm qua, ngoài nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, khoảng 175 hộ chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Lao động trong độ tuổi dưới 60 trên địa bàn có khoảng hơn 30.000 người. Trước đây, khá đông lao động trẻ đi làm ở các khu công nghiệp, nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam... Sau ảnh hưởng của Covid-19, một bộ phận lao động không tiếp tục đi làm ăn xa mà tìm công việc khác ổn định, gần nhà. Đáng mừng là một số xã giáp ranh trong huyện và huyện lân cận Yên Thủy có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực may mặc, điện tử, giày da... Đây là cơ hội tốt để con em trong độ tuổi lao động tìm việc làm tại chỗ.
Theo thống kê, toàn xã có khoảng 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Bên cạnh lực lượng lao động đang đi làm tại các nhà máy, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, lao động lĩnh vực nông nghiệp, mở mang ngành nghề phi nông nghiệp được quan tâm, hỗ trợ bằng các chương trình, dự án, chính sách, nhất là chính sách cho vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất để các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển sinh kế bền vững. Năm 2023, trên địa bàn xã có 30 hộ nghèo được chọn tham gia mô hình chăn nuôi lợn nái từ chương trình, dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện. Mô hình đang xúc tiến triển khai ở các xóm Mai Sơn, Mu Mạ, Gò Cha 2 với mức hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/hộ cho con giống, vắc xin, một phần thức ăn chăn nuôi ban đầu và tập huấn kỹ thuật.
Đồng chí Bùi Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp, sự chủ động vươn lên của người dân, tình hình KT-XH địa phương có bước phát triển. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 54 triệu đồng. Qua điều tra, rà soát và kết quả đánh giá sơ bộ, xã giảm 36 hộ nghèo (giảm 2,63%), 22 hộ cận nghèo (1,61%). Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 7,95%, cận nghèo 7%.
Bùi Minh